Người phụ nữ Hà Nội có biệt tài "biến lá cây thành tiền triệu"
(Dân trí) - Lá bồ đề có hình trái tim, tượng trưng cho tình thương của Đức Phật. Một dịp tình cờ, chị Cúc đã sáng tạo ra kỹ thuật thêu tranh trên lá bồ đề, thổi hồn cho những chiếc lá thêm đẹp đẽ, thiêng liêng.
Chị Quản Thị Cúc (35 tuổi, hiện đang sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) vốn sinh ra trong một gia đình thêu tranh truyền thống ở Thái Bình. Từ những năm học cấp một, chị đã có thể tự thêu hoàn chỉnh một tác phẩm.
Những năm gần đây, trước sự phát triển của máy móc và công nghệ thêu máy, nhiều người buộc phải dỡ khung thêu vì không thể sống được với nghề.
Về phần chị Cúc, vì muốn lưu giữ và phát triển những tinh hoa trong nghệ thuật thêu tay truyền thống, chị đã đem tư duy của người trẻ sáng tạo ra nhiều tác phẩm tranh thêu như thêu 3D, thêu tranh trên lá bồ đề.
Chia sẻ với PV Dân trí, chị Cúc cho hay, cách đây ít năm, chị đã cùng học viên thử thêu tranh trên lá bồ đề. Tuy nhiên, tác phẩm hoàn thành chưa có độ sắc nét, mềm mại. Sau đó, chị đành tạm dừng mọi dự định vì một vài lý do cá nhân.
Năm 2019, chị quyết định tìm mua lá bồ đề về thêu với mong muốn thổi hồn cho lá, hồi sinh cho những chiếc lá này một hình hài mới. Tuy nhiên, việc bắt tay vào thêu tranh trên xương lá bồ đề không phải là đơn giản.
Chị Cúc cho biết, để có một chiếc lá bồ đề đạt chuẩn có thể thêu được phải trải qua các giai đoạn từ chọn hái lá, rửa sạch, ngâm nước vôi trong 60 ngày để lấy xương lá. Sau đó, xương lá được chải sạch, giữ lại đường gân rồi đem phơi khô.
Thời gian đầu, chị Cúc mất khoảng hai tháng để tập cho lực ở tay phù hợp với bề mặt lá. Chị không nhớ nổi mình đã phải bỏ đi bao chiếc lá vì những sai sót xuất hiện trong quá trình tập luyện. Sau khi đã điều tiết được lực ở bàn tay, việc thêu các họa tiết cũng thuận lợi hơn.
Thông thường, các tác phẩm tranh thêu được thực hiện trên vải, gấm… Các chất liệu này có thể điều chỉnh được theo ý muốn của người thêu. Tuy nhiên, với lá bồ đề thì người thêu phải biết linh động, thay đổi mình để phù hợp với kết cấu của từng chiếc lá.
"Việc kiếm được một chiếc lá mộc, lành lặn cũng không phải dễ dàng. Thêu trên lá khó hơn thêu trên vải nên người thợ cần hết sức kiên nhẫn và khéo léo", chị Cúc chia sẻ.
Nói về các công đoạn thực hiện một bức tranh trên lá bồ đề, chị Cúc cho biết, về cơ bản, các công đoạn cũng giống như khi thêu trên các chất liệu khác.
Bước đầu vẫn là tìm ý tưởng, phác họa ý tưởng lên giấy, chỉnh sửa họa tiết cho đúng ý, phù hợp và vẽ mẫu lên lá. Tuy nhiên, việc vẽ mẫu lên lá không đơn giản như vẽ lên vải vì chỉ cần mạnh tay là sẽ làm cho xương lá bị rách.
Trên những chiếc lá bồ đề, chị Cúc thêu rất nhiều họa tiết khác nhau: Hình hoa cỏ, các linh vật, phong cảnh, các biểu tượng văn hóa, quốc kỳ… Bức tranh tốn nhiều công sức nhất phải kể đến những bức thêu về Đức Phật, thêu hổ, chim công, chim phượng…
Ngắm nhìn những tác phẩm kỳ công này, nhiều người không thể tin được chiếc lá bồ đề tự nhiên lại có thể kết hợp với những sợi chỉ màu sắc tạo thành một bức tranh thêu sống động. Nhiều người đã đặt hàng chị Cúc các bức tranh đặc biệt này để làm vật phẩm trưng bày hoặc quà tặng người thân bạn bè.
Những bức tranh thêu trên lá bồ đề của chị Cúc có giá dao động từ 400 nghìn đồng đến 5 triệu đồng. Số tiền này phụ thuộc vào độ cầu kỳ, tỉ mỉ và thời gian hoàn thiện từng bức tranh. Nhiều thời điểm chị không kịp trả đơn cho khách.
Từ những chiếc lá bồ đề đơn giản, với đôi tay khéo léo của mình, chị Cúc đã biến nó thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có giá trị.