Sóc Trăng:
Chàng trai xứ biển "biến" lá bồ đề thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo
(Dân trí) - Thời gian qua, nhiều người dân ở Sóc Trăng và khách thập phương rất thú vị khi tận mắt thấy những tác phẩm nghệ thuật độc đáo được làm từ lá bồ đề của chàng trai 9X ở xứ biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng).
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý xã hội (Học viên Báo chí tuyên truyền) vào năm 2020, những tưởng anh Đặng Duy Khánh (SN 1995) sẽ đầu quân cho một cơ quan nhà nước hay cơ quan báo chí. Không ai ngờ, Khánh lại bén duyên và rẽ ngang sang nghề làm tranh nghệ thuật từ lá bồ đề, với số tiền vốn chưa tới 10 triệu đồng.
Khánh chia sẻ, anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân theo đạo Phật, nên từ nhỏ anh đã được tiếp xúc với Phật giáo. Khi còn nhỏ, ở quê anh có cây bồ đề, khi thấy những chiếc lá rụng, Khánh nhặt những chiếc lá đã phân hủy hết phần thịt lá (chất diệp lục) chỉ còn lại phần xương lá (gân lá) ép vào tập làm kỷ niệm vì thấy lạ, đẹp mắt.
Trong một lần đi chùa, Khánh thấy trụ trì thường tặng "lộc" cho bà con phật tử nên nảy ra ý tưởng làm tranh từ lá bồ đề để làm quà lưu niệm cho mọi người.
Theo anh Khánh, cây bồ đề được xem là biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo và được trồng rất nhiều ở các khu di tích lịch sử và các điểm du lịch tâm linh, các cơ sở thờ tự Phật giáo. Hơn nữa, bồ đề là loại cây thay lá rất nhiều lần trong năm nên nguồn nguyên liệu để làm tranh không bao giờ thiếu.
Vậy là Khánh bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình, đó là vào đầu năm 2020 và thành công sau một thời gian thử nghiệm. Anh cho ra đời nhiều sản phẩm tranh, móc khóa đa dạng, đẹp mắt làm quà lưu niệm trong tỉnh, mang tính đặc trưng của tỉnh Sóc Trăng về Phật giáo.
Nói về những ngày thực hiện ý tưởng của mình, anh Khánh cho biết: "Để có thành công, tôi đã phải trải qua nhiều lần thất bại, nhất là trong công đoạn xử lý lá. Nhưng đã mê thì phải làm bằng mọi giá. Từ đó, tôi tự mày mò, tìm hiểu rất nhiều ngày và cuối cùng cũng tìm được cách xử lý lá hiệu quả nhất là "ngâm" vì phần xương lá được giữ nguyên và ít tác động đến môi trường sống xung quanh".
Để có một tác phẩm nghệ thuật từ lá bồ đề, Khánh phải tốn thời gian khoảng 2 tháng để tạo ra những xương lá ưng ý nhất. Việc đầu tiên là phải chọn được những chiếc lá già vì loại lá này xương lá cứng khó gãy, độ bền cũng lâu hơn. Sau khi có lá, công việc tiếp theo là ngâm lá vào trong nước cộng với một ít hóa chất. Khi thấy chất diệp lục của lá mềm thì dùng bàn chải chải nhẹ nhàng cho hết phần chất diệp lục, rồi đem phần xương lá phơi nắng cho khô sau đó mới làm tranh.
Theo anh Khánh, bình thường xương lá có màu tự nhiên nhưng anh đã xử lý thành màu vàng, trắng cho phù hợp với từng loại tranh và tạo ra nét riêng biệt cho tranh của mình. Đồng thời, anh còn kết hợp với hạt cườm, nhựa dẻo, lụa đỏ, kỹ thuật in lụa… để tạo ra nhiều loại tranh nghệ thuật theo ý muốn.
Nhìn những tác phẩm nghệ thuật từ lá bồ đề của Khánh, ai cũng trầm trồ khi các tác phẩm này đã tái hiện được hình ảnh của tự nhiên, Phật giáo như: Hoa sen, cây bồ đề, bướm, bánh xe luân hồi... Đặc biệt, chủ đề tranh lá bồ đề do Khánh thực hiện cũng rất đa dạng về chủng loại để khách hàng có thể dễ dàng chọn lựa để trang trí cho gia đình, cửa hàng hoặc cơ quan đơn vị như tranh về đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tranh thư pháp, tranh hoa bồ đề, cây bồ đề, bướm…
"Tùy kích thước, muốn có một bức tranh hoa bồ đề phải sử dụng từ vài chục đến hàng trăm lá để đính và lồng ghép với nhau. Với tranh cây bồ đề thì có sử dụng thêm chất liệu vỏ cây khô để đính ghép làm thân cây, phần lá sẽ sử dụng xương lá bồ đề trắng để làm. Còn tranh hình Phật và thư pháp thì sử dụng lụa để quét hình lên khuôn", anh Khánh cho biết thêm.
Khánh cho biết, đến nay, anh đã thực hiện được hơn 40 bức tranh nghệ thuật và trên 1.000 móc khóa in hình Phật Thích Ca Mâu Ni, chữ thư pháp từ lá bồ đề được nhiều người biết đến. Mỗi bức tranh nghệ thuật của anh có giá từ 150.000 đồng đến 5 triệu đồng và 35.000 đồng đối với tranh móc khóa.
"Nghề làm tranh từ lá giúp đem lại thu nhập cho tôi mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng, đặc biệt góp phần giải quyết việc làm cho một số chị em phụ nữ nhàn rỗi tại địa phương, một ngày 100.000 đ/ngày. Khách hàng đã tiêu thụ trên 1.000 móc khóa, 10 bức tranh. Một nhà hàng ở thành phố Sóc Trăng đã chọn sản phẩm tranh từ lá bồ đề là sản phẩm trưng bày thường xuyên", anh Khánh cho hay.
\Về dự định trong tương lai, anh Khánh cho biết: "Được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng, vừa qua tôi có cơ hội trưng bày sản phẩm tại TP.HCM, được khách hàng nhiệt tình ủng hộ. Hiện nay tôi đang tiếp tục nghiên cứu cho ra thị trường thêm nhiều màu sắc được chiết xuất từ thiên nhiên như màu đỏ, màu hồng (hường)… nhằm đa dạng hơn chủ đề tranh từ lá. Tôi cũng đang thực hiện các thủ tục cần thiết để đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ và xây dựng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) để tạo thương hiệu riêng cho tranh lá bồ đề Sóc Trăng.
Trong thời gian tới, tôi rất mong được các đơn vị, tổ chức ở địa phương quan tâm, hỗ trợ về vốn, kiến thức, trưng bày sản phẩm nhân các dịp lễ hội trong và ngoài tỉnh… giúp quảng bá tranh lá bồ đề đến người dân trong và ngoài nước, nhất là các bạn trẻ có cùng đam mê, sở thích thì tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau khởi nghiệp".
Ý tưởng "biến" lá bồ đề thành tranh của anh Đặng Duy Khánh đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tặng thưởng Bằng khen tại Hội nghị vinh danh những người có ý tưởng, sáng tạo mới và sơ kết 3 năm thực hiện phong trào thi đua "Đoàn kết sáng tạo" năm 2020.