Người kể chuyện di sản thế giới qua những bức ảnh
(Dân trí) - Để có được những bức ảnh xuất thần về vẻ đẹp toàn cầu của di sản thế giới ở Việt Nam, nhiếp ảnh gia Ninh Mạnh Thắng phải đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, thập chí cả máu. Anh lang thang, ăn ngủ nơi “thâm sơn cùng cốc” để lưu lại những khoảnh khắc hiếm có về đất và người miền di sản.
"Con sói" đơn độc
Sinh ra trong gia đình “nhà nòi” về nhiếp ảnh, nhưng thời trai trẻ của mình, Ninh Mạnh Thắng lại không bén duyên với môn nghệ thuật mà ông nội, bố, các anh em trong gia đình mình mất nhiều công sức tìm tòi và phát triển.
Sinh năm 1959, khi chưa học xong cấp 3, Ninh Mạnh Thắng đã xung phong nhập ngũ, lên đường bảo vệ Tổ quốc. Vào trong quân ngũ, với tài năng thiên bẩm, anh được vào đội văn công sư đoàn, phục vụ bộ đội Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới phía Bắc.
Những lời giới thiệu ngắn gọn về mình của Ninh Mạnh Thắng cho thấy, anh chẳng có duyên gì với nhiếp ảnh. Thế nhưng, giờ anh lại là một trong những “tay máy” nổi tiếng ở Ninh Bình, nhất là bộ ảnh về Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của anh được đánh giá là “hiếm có” và “xuất thần”.
Nghe danh Ninh Mạnh Thắng từ lâu, cũng thấy anh trong nhiều dịp tác nghiệp nhưng PV phải hẹn mãi mới gặp được “Con sói đơn độc” này. Bởi anh rất bận, hết tham dự triển lãm này, trại sáng tác kia thì lại bận phục vụ các “show ảnh” cuối năm vì sự mến mộ của mọi người dành cho mình.
Căn nhà nhỏ trên phố Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình mỗi khi anh ở nhà lúc nào mọi người cũng ra vào nhộn nhịp. Bạn anh, các văn nghệ sĩ thì đến chơi, uống nước chè say sưa “chém” với anh về các tác phẩm. Những người trẻ tìm đến anh để hiểu thêm kinh nghiệm về nghề. Hay những người đam mê đến với anh để ngắm những tác phẩm tuyệt đẹp.
Ninh Mạnh Thắng có biệt danh là “Con sói đơn độc” bởi ở cái tuổi U60, hay hồi còn trẻ, chẳng bao giờ anh đi chụp ảnh cùng ai. Thắng cứ một mình một xe, rong ruổi hết miền đất này, qua miền đất khác để “săn lùng” những góc máy, để rồi thành quả là những bức ảnh chẳng giống ai nhưng lại “xuất thần” đối với người xem.
Sở dĩ, Ninh Mạnh Thắng chẳng đi chụp cùng ai bởi anh không thích sự trùng lặp. Quan điểm trong nghệ thuật nhiếp ảnh của anh là sự khác biệt, sự độc đáo, độc quyền. “Đi xem triển lãm ảnh để xem người ta đã chụp gì để mình tránh. Từ đó mới có thể sáng tạo ra cái mới, chứ không phải đến xem để học lại, như thế thì không có những bức ảnh “xuất thần” được”, anh Thắng nói.
Nói rồi, nhiếp ảnh gia U60 khoe, mới đây anh là một trong những nhiếp ảnh gia của Ninh Bình vinh dự được tham dự Đại hội Đại biểu Toàn quốc Hội Văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ VI. Trong cuốn “Nhiếp ảnh dân tộc miền núi”, anh Thắng có các tác phẩm đóng góp như: Tây Nguyên giấc mơ Đam San, Mây của ta, trời của ta, Cái rét đêm Mèo Vạc…
Kể chuyện di sản bằng… ảnh
Rót mời khách ly trà, Ninh Mạnh Thắng kể tiếp cho tôi nghe về sự nghiệp nhiếp ảnh của anh, được bắt đầu bằng những tấm ảnh anh chụp về các miền di sản của Việt Nam cách đây 10 năm. Trong đó, anh dành tình cảm hơn hết cho Danh thắng Tràng An quê mình.
Anh bảo, cơ duyên anh đến với chụp ảnh nghệ thuật cũng là từ hai chữ “di sản” mà ra, để rồi giờ đây ảnh di sản níu chân anh không chịu buông bỏ.
Những năm 1980, khi đang là cán bộ ngành văn hóa thị xã Ninh Bình, anh về nghỉ chế độ. Với đồng lương ít ỏi, anh phải loay hoay với nghề chụp ảnh dịch vụ “gia truyền” để mưu sinh. Khi đó, Ninh Bình vẫn là cái tên xa lạ bởi chưa có danh gì trên bản đồ du lịch Việt Nam chứ đừng nói đến là một điểm đến hấp dẫn trên thế giới như bây giờ.
Cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương, Thắng vác máy đi chụp loanh quanh, anh cũng không ngờ được vùng đất cố đô quê mình lại đẹp đến thế. Từ đó anh si mê chụp ảnh phong cảnh, đất và người vùng đất cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến.
Cứ đi và chụp, Thắng có những bức ảnh tuyệt đẹp về vùng đất này, trong tâm niệm anh luôn nghĩ, thể nào rồi Ninh Bình cũng sẽ trở thành di sản của thế giới.
Năm 2011, biết triển lãm ảnh “Di sản Việt Nam” sẽ được tổ chức, khi đó Ninh Bình chưa có di sản Tràng An, để được dự cuộc triển lãm này, Ninh Mạnh Thắng đã bắt xe vào tận Quảng Bình, lang thang đến Phong Nha – Kẻ Bàng để săn những tấm hình đẹp nhất về di sản thiên nhiên thế giới này.
Sau đó, bộ ảnh “Vẻ đẹp Thiên đường ở Phong Nha – Kẻ Bàng” của anh được dự triển lãm toàn quốc. Từ đó, Ninh Mạnh Thắng vui mừng và dốc hết tâm sức cho ảnh di sản. Anh có thêm nhiều bức ảnh khác về Cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Tây Bắc, hay những miền di sản khác ở Việt Nam như: Thành Nhà Hồ, Vịnh Hạ Long…
Sau này, các sự kiện ảnh về các vùng di sản trên cả nước, cuộc thi hay triển lãm nào anh cũng có ảnh tham dự và đoạt giải. Nhiều nhất là các tác phẩm về Di sản thế giới Tràng An.
Nói về vẻ đẹp của di sản Tràng An, anh Thắng tâm sự: “Tràng An là vẻ đẹp có sẵn, không phải do mình vẽ ra. Tràng An mang vẻ đẹp không nơi nào có được. Khi hiểu được Tràng An thì sẽ bắt được những khoảnh khắc tuyệt đẹp của từng năm, từng mùa, từng tháng, từng ngày và cả từng giờ. Cũng vì thế mà mỗi năm có cả nghìn tay máy trong và ngoài nước về Tràng An để săn ảnh đẹp”.
“Quần thể danh thắng Tràng An không chỉ đẹp về thiên nhiên, mà còn đẹp cả về văn hóa, lễ hội và con người. Tôi may mắn được sinh ra nơi này nên hiểu về Tràng An hơn những nhiếp ảnh gia khác. Chụp được Tràng An phải hiểu được vẻ đẹp nổi bật toàn cầu của di sản. Mình phải luôn sống và bảo vệ, quảng bá và phát triển Tràng An”, Ninh Mạnh Thắng nói tiếp.
Nói về những tác phẩm độc đáo của mình đã chụp về di sản Tràng An, đã tham dự nhiều cuộc triển lãm trong nước và quốc tế và đạt nhiều giải thưởng, anh Ninh Mạnh Thắng nhớ như in từng tác phẩm. Theo đó, các bức ảnh nổi tiếng của anh như: Tràng An huyền ảo, Tràng An vào hội, Tràng An thu chiều rơi bến nước, Chiều vàng Tam Cốc, Nốt nhạc đồng quê, Bay trên non nước Tràng An… đều dự triển lãm, dự thi và đạt giải cao.
Những tác phẩm của Ninh Mạnh Thắng về Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới không chỉ lưu dấu trong lòng người dân Ninh Bình, mà nhiều người yêu vẻ đẹp di sản, du khách trong và ngoài nước cũng được chiêm ngắm trước khi về với vùng đất cố đô Hoa Lư.
Hơn 10 năm cầm máy, Ninh Mạnh Thắng đạt được nhiều bằng khen, giấy khen và kỷ niệm chương. Trong đó phải kể đến năm 2017, anh đạt Giải A - Văn học Nghệ thuật Trương Hán Siêu (Ninh Bình) và được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen.
Trước đó, nhiều năm anh dự thi và giành các giải thưởng như: Giải 3 (HCĐ) triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc năm 2014; Giải Khuyến khích triển lãm Đồng bằng sông Hồng năm 2010 và 2012…
Thái Bá