Người đàn ông từng đi buôn đồng nát, hơn 10 năm sau đổi đời ngoạn mục
(Dân trí) - Ngoài 30 tuổi, Tào Ngọc Căn (sống ở Trung Quốc) vẫn mò mẫm tìm con đường làm giàu. Sau bao nhiêu nỗ lực, ông đã thành công với công việc kinh doanh riêng.
Sinh ra tại một ngôi làng nghèo tại tỉnh An Huy (Trung Quốc), sau khi học xong trung cấp, Tào Ngọc Căn trở về quê, cưới vợ rồi làm công việc đồng áng. Mãi tới năm 32 tuổi, người đàn ông này vẫn loay hoay để tìm con đường làm giàu cho chính mình.
Sau một thời gian suy nghĩ, Tào Ngọc Căn ôm mộng đổi đời ở thành phố. Năm 2004, tạm biệt vợ con, Tào Ngọc Căn rời quê hương đến Thâm Quyến. Giữa thành phố nhộn nhịp, trong lúc chưa có công việc ổn định, Tào Ngọc Căn sống tại một căn nhà hoang ở vùng ngoại ô, xung quanh đầy cỏ dại, không gian sống cũ kỹ và đổ nát.
Hành trình kiếm sống của Tào Ngọc Căn mở đầu với quầy hàng bắp rang bơ trên phố. Tuy đã nỗ lực rất nhiều, nhưng số tiền kiếm được chỉ đủ chi tiêu hằng ngày mà không dư dả được bao nhiêu.
Sau một năm phiêu bạt ở thành phố với đủ nghề khác nhau, Tào Ngọc Căn dành dụm được 1000 tệ. Với những người sống ở làng quê, đây có thể là số tiền lớn, đủ trang trải qua ngày. Tuy nhiên, khi sống giữa chốn phồn hoa đô hội như Thâm Quyến, đó lại là số tiền ít ỏi.
Trong lúc không tìm được con đường làm ra tiền nhiều hơn, Tào Ngọc Căn chọn đi thu mua đồng nát. Ông dùng 1000 tệ còn lại mua một chiếc xe ba gác làm phương tiện đi khắp các con đường ở Thâm Quyến để mưu sinh.
Cứ 5h sáng, Tào Ngọc Căn đi xe ba gác ra khỏi nhà, thu mua đồng nát và chỉ trở về nhà lúc 21h đêm. Cuộc sống mưu sinh vất vả, thức khuya dậy sớm, làm việc không quản mưa nắng nhưng cũng chỉ kiếm được 100- 200 tệ/ngày. Mỗi khi nói chuyện với vợ và con ở quê, Tào Ngọc Căn không hề tiết lộ công việc thu mua đồng nát đang làm.
Trong một lần gặp gỡ, Tào Ngọc Căn được ngắm chiếc máy ảnh mà một người bạn mới mua. Sản phẩm này chỉ có ở nước ngoài, không có bán ở Trung Quốc. Tào Ngọc Căn cho rằng, nếu có cơ hội phổ biến mặt hàng này chắc chắn sẽ được nhiều khách trong nước đón nhận.
Ôm ấp hoài bão lớn trong đời, Tào Ngọc Căn nghiên cứu và vẽ chiếc máy ảnh kỹ thuật số sau đó tìm đến các cơ sở sản xuất máy ảnh với hy vọng có ai đó hợp tác sản xuất. Sau nhiều nỗ lực, một ông chủ đồng ý sẽ sản xuất mẫu máy ảnh giúp Ngọc Căn. Lâu dần, ông mở cơ sở sản xuất riêng, song công việc này không kéo dài được lâu. Năm 2010, kinh tế gặp khó khăn, cơ sở sản xuất máy ảnh cũng đóng cửa, khách hàng không có, Ngọc Căn rời thành phố về quê sinh sống.
Thời điểm đó, công ty chuyển phát nhanh YTO Express ở An Huy của một người họ hàng kinh doanh không được như kỳ vọng, Tào Ngọc Căn đề nghị chuyển nhượng lại để vực dậy việc làm ăn.
Doanh nghiệp đứng trước khó khăn chồng chất, Tào Ngọc Căn vẫn cố gắng tìm hiểu kiến thức về vận hành công ty, tuyển dụng nhân viên để bắt đầu quá trình xây dựng lại mọi thứ. Bước đi đầu tiên mà ông chủ này thực hiện chính là cải cách tiền lương cho nhân viên, bao gồm tiền lương cơ bản và hoa hồng. Đây chính là cách để tạo sự hăng hái, nỗ lực cho nhân viên giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Không chỉ điều hành vĩ mô, Tào Ngọc Căn trực tiếp tham gia vào công việc chuyển phát nhanh, hiểu rõ từng công đoạn và quy trình, thấu hiểu khó khăn của nhân viên.
Từ một công ty làm ăn khó khăn và chật vật, Tào Ngọc Căn đã vực dậy YTO Express An Huy và đưa quy mô nhân viên lên vài ngàn người, kho hàng cũng tăng diện tích lên hàng ngàn m2. Việc kinh doanh của công ty thuận lợi, chinh phục được khách hàng đã mang đến thành công cho người đàn ông ở tuổi gần 50. YTO Express An Huy đứng đầu về chất lượng dịch vụ tại địa phương.
Hiện, Tào Ngọc Căn là một người giàu có được nhiều người biết đến ở An Huy và Trung Quốc. Sau những gì gặt hái được, ông luôn đồng hành cùng các chương trình thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn, làm đường cho quê hương... Những việc làm của ông càng khiến người dân cùng quê thêm tự hào và Tào Ngọc Căn cũng nhận được nhiều danh hiệu trong top doanh nhân hàng đầu An Huy.