Người đàn ông ở TPHCM sưu tầm 300.000 vé số độc lạ, giá bằng căn chung cư
(Dân trí) - Với niềm đam mê kỳ lạ, suốt hai thập kỷ qua, ông Nguyễn Minh Đức (62 tuổi) vẫn cần mẫn sưu tầm, gìn giữ những tấm vé số.
Ngôi nhà ông Nguyễn Minh Đức (62 tuổi) nằm trên mặt tiền con đường thuộc phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM, chứa hơn 50 thùng carton có tổng khối lượng gần 1 tấn.
Ở mỗi thùng, ông xếp chồng những "album vé số" ngay ngắn, thẳng thơm. Mỗi tờ vé số đều được lồng kính, cho vào túi bóng cẩn thận để không mất góc, sờn rách.
Thói quen này được ông duy trì 22 năm nay, từ khi sưu tầm vé số. Vào thập niên 2000, ông có niềm đam mê những con tem cổ có giá trị lịch sử. Sau đó, tem được bán đại trà, thú vui này cũng dần biến mất.
"Thứ gì hiếm mới trở nên quý. Tôi bắt đầu mua vài tờ vé số "cho vui", sau lại thấy nó hay quá quyết định lưu trữ, sưu tầm. Đối với tôi, vé số cũng gắn liền với cột mốc lịch sử và câu chuyện của con người", ông nói.
Tính đến nay, số lượng vé số của ông sưu tầm là 300.000 tờ, được chia làm 10 bộ sưu tập với những chủ đề khác nhau. Tiêu chí chọn vé số sưu tầm của ông là dãy số đẹp, thiết kế hình ảnh đẹp, có tuổi đời lớn hoặc có giá trị lịch sử.
Cụ thể, ông có hẳn bộ sưu tập những con số đẹp bao gồm dãy trùng lặp, sảnh tiến, sảnh lùi... Ông cho biết, thông thường, người ta mua vé số mong trúng nên không bao giờ lựa chọn những con số như 000000, 123456... Người đàn ông quê gốc Tiền Giang phải tìm hiểu rồi liên hệ với các đại lý để xin họ để lại số cho mình.
Đặc biệt, ông có những bộ sưu tập vé số giá trị về mặt thời gian, trải dài từ thời Pháp thuộc đến hiện nay. Trong đó, tấm vé số quý nhất được ông mua về từ Pháp, phát hành năm 1937 ở ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
"Mỗi tấm vé số biểu thị một cột mốc đáng nhớ", ông Đức nói.
Ông vẫn rất nâng niu tấm vé số ngày 1/4/2020, rơi vào đợt dịch Covid-19 đầu tiên. Bởi tình hình dịch bệnh phức tạp, xổ số kiến thiết phải dừng phát hành trong 15 ngày.
Tuy nhiên, ông Đức vẫn có được tấm vé này nhờ vào thói quen mua trước. Tình huống trên đã khiến tấm vé số của ông trở nên đặc biệt, đánh dấu giai đoạn Việt Nam kiên cường chống dịch.
Ông kể, có nhiều tấm vé số trúng thưởng giá trị từ vài triệu đến chục triệu đồng. Tuy nhiên, vì quá yêu thích các dãy số, ông quyết định không mang đổi và lồng vào bộ sưu tập của mình.
Có giai đoạn, để săn lùng được dãy số ưng ý, ông đã phải gọi điện thoại tìm ở Huế, Trà Vinh, Vĩnh Long... Bộ sưu tập sẽ "hoàn hảo" nhất khi có đủ dãy số đẹp theo cùng chủ đề.
Bên cạnh đó, có tấm vé số của ông Đức được trả đến 7 triệu đồng nhưng ông không bán. Ông cho rằng đó là những tấm vé "không thể tìm lại được lần hai".
Về giá trị bộ sưu tập, ông Đức cho biết khó có thể quy đổi ra tiền mặt. Ông chia sẻ: "Tôi ví dụ, vé số hiện tại bạn mua với giá 10.000 đồng/tờ, nhưng 20, 30, 40 năm sau nó lại mang giá trị khác".
Người đàn ông 62 tuổi không nhớ chính xác mình đã dành bao nhiêu tiền cho niềm đam mê vé số. Tuy nhiên, tính theo số nhân, ông đã bỏ ra gần 3 tỷ đồng cho hàng trăm nghìn tấm vé số.
Ông kể: "Hơn 20 năm trước, việc sưu tầm là vô cùng khó khăn bởi internet chưa phổ biến, các hội nhóm chưa nở rộ, người cùng đam mê không được kết nối để trao đổi".
Hiện tại, ông có các nguồn tìm kiếm là đại lý vé số, bạn bè cùng nhóm sưu tầm. Có những tấm vé số tìm rất vất vả, thậm chí là phải... mất luôn tiền cọc. Một lần, ông gửi mua hàng từ nước ngoài về hết 70 USD (khoảng 1,6 triệu đồng). Sau khi ra bưu điện, họ lại nói ông kiện hàng đã thất lạc, thế là ông phải buồn bã ra về.
"Sau này, tôi chỉ dám nhờ người xách tay về, bởi vé số nhỏ, mỏng rất dễ mất", ông Đức kể.
Mỗi ngày, người đàn ông 62 tuổi luôn mang vé số ra ngắm nghía, sắp xếp và chùi miếng giấy kiếng bóng loáng.
"Gia đình tôi rất ủng hộ niềm đam mê này. Tôi không hút thuốc, không rượu chè, chỉ có vé số là niềm vui của tuổi già", ông hạnh phúc chia sẻ.