Người đàn ông ở TPHCM đạp xe 15km mỗi sáng đến công sở
(Dân trí) - Gần 4 năm qua, anh Thắng bền bỉ đạp xe đi làm, quãng đường tăng dần lên, đến nay là 15km từ quận Tân Bình đến TP. Thủ Đức (TPHCM).
7h mỗi sáng, anh Hoàng Anh Thắng, 31 tuổi, dắt xe đạp rời nhà đến công ty với quãng đường 15km. Dù 9h mới bắt đầu làm việc, nhưng anh lựa chọn đi sớm để có thể cảm nhận cuộc sống qua những vòng đạp xe.
Mục đích đạp xe ban đầu của anh Thắng chỉ để cải thiện sức khỏe thông qua những lần đi chơi hoặc tập thể thao. Nhưng dần dần, anh trở nên "nghiện", biến xe đạp thành phương tiện đi làm trong gần 4 năm qua mà không cần quan tâm tới những bản tin về giá xăng.
Đạp xe 15km đi làm mỗi ngày
Năm 2019, anh Thắng đầu tư một chiếc xe đạp, giá dưới 1 triệu đồng, bắt đầu đạp xe đi làm. Thời điểm này, anh kết hợp di chuyển bằng xe đạp và xe máy. Một năm sau, anh chuyển hẳn sang xe đạp để "thử thách bản thân".
Những ngày đầu đạp xe đi làm, quãng đường từ nhà đến cơ quan dài 4km. Những năm qua, do nhiều lý do cá nhân và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, anh Thắng phải thay đổi địa chỉ nhà và môi trường làm việc, khiến khoảng cách tăng dần lên, đến nay là 15km từ quận Tân Bình đến phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức. Anh xem việc đạp xe với những khoảng cách xa là sự tiến bộ tự nhiên của bản thân.
"Khoảng cách tăng dần không phải là trở ngại, mà tôi xem như thử thách bản thân. Ban đầu, tôi chỉ di chuyển trong thành phố với cự ly nhỏ, đạp xe thể dục và đi dạo kết hợp đi làm.
Nhưng có tuần, tôi đạp xe 100-200km để rèn luyện - hiện là khoảng cách xa nhất của mình, nên xem 15km đến công ty như bài khởi động", anh Thắng nói và ngưỡng mộ một số người bạn đạp xe đi xa gấp 10 lần, xuyên Việt thậm chí xuyên Châu Á bằng xe đạp.
Để kịp giờ làm việc và chủ động, mỗi sáng, anh Thắng đều dậy từ 6h, sắp xếp lịch trình cố định trong ngày. Trong bộ đồ công sở, đặt ngay ngắn chiếc cặp đựng máy tính phía trước xe và khóa kĩ càng, anh bắt đầu "hành trình" đến công ty.
Thông thường, nếu anh đạp xe thong thả, không ăn sáng, không ghé quán cà phê, thời gian từ nhà đến công ty mất khoảng 45 phút. Buổi chiều tan làm, anh tăng tốc hết cỡ, sau 30 phút về đến nhà.
"Có một nghịch lý là đường nội đô ở TP.HCM rộng, dù tôi đi trục đường chính cũng không bị ách tắc", anh cho biết.
Với niềm đam mê xe đạp, những năm qua, anh đã đổi từ những chiếc xe giá rẻ đến mức đắt đỏ. Chi phí trung bình bảo dưỡng xe không đáng kể từ 20.000-50.000/tháng.
Khi đã quen với xe đạp, anh cảm thấy thoải mái, được rèn luyện sức khỏe và cảm nhận cuộc sống nhiều hơn. Tuy nhiên, anh cũng khuyến cáo, đạp xe đi làm phải phù hợp với công việc và khả năng riêng mỗi người.
"Dựa vào nhu cầu bản thân, tôi chọn chiếc xe có kiểu dáng hỗ trợ di chuyển thoải mái nhất, phần nào khắc phục được nhược điểm của trang phục công sở gò bó", anh nói.
"Khó nhất vẫn là vượt qua tâm lý bản thân"
Giữa thời đại giá xăng tăng liên tục kéo theo nhiều chi phí khác cũng gia tăng, nhiều người quay cuồng trong cơn bão giá. Với anh Thắng, việc giá xăng tăng được xem là "gia vị" khi sử dụng xe đạp đi làm, quan trọng nhất là những niềm vui trên quãng đường 15km đến công ty mỗi ngày.
Đạp xe đi làm giúp anh Thắng rèn luyện bản thân trong khuôn khổ và lập kế hoạch về quản lý thời gian.
"Đạp xe mất nhiều thời gian hơn các phương tiện khác, nên tôi cần có sự chuẩn bị tốt nhất. Mọi thứ từ công việc đến thời gian, đều phải nằm trong tầm kiểm soát", anh nói.
Nhờ đam mê đạp xe, anh bỏ được thói quen hút thuốc lá, từ đó cải thiện sức khỏe.
"Đạp xe một thời gian đâm ra lại thích cái không khí thư thái của buổi sớm, không phải hối hả tất bật, không phải bon chen. Mọi thứ đều có dư thời gian nên bản thân luôn có sự chủ động và khả năng kiểm soát cuộc sống của mình", anh Thắng chia sẻ.
Thuộc túyp người ưa xê dịch và trải nghiệm, anh từng cùng những người bạn đạp xe đi Vũng Tàu, vượt đèo Khánh Lê (giáp ranh huyện Khánh Vĩnh tỉnh Khánh Hòa và huyện Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng), lên đỉnh đồi Thánh Giá (Đà Lạt).
"Nhìn bên ngoài thì thấy khủng khiếp, nhưng đạp xe đường xa không khó khăn như mọi người thấy, khó nhất vẫn là vượt qua tâm lý bản thân", người đàn ông tâm sự.
Một số đồng nghiệp, bạn bè, người thân hay những người cùng đam mê thường xuyên nhờ anh Thắng tư vấn mua xe đạp để tiện đi làm hay tập thể dục.
Với kinh nghiệm bản thân, anh chia sẻ về những tiêu chí chọn xe, những bước trang bị, hay các bài luyện tập trước khi bắt tay vào bộ môn này, hi vọng xây dựng một cộng đồng văn minh đạp xe đi làm.