Giá xăng tăng, dân công sở ở Hà Nội đạp xe đi làm, thay ô tô bằng tàu điện

Tô Sa

(Dân trí) - Trong bối cảnh giá xăng liên tục lập đỉnh mới, dân công sở tìm cách xoay xở bằng cách sử dụng nhiều phương tiện khác nhau thay thế ô tô và xe máy.

Mua xe đạp gấp mang lên tàu điện 

8h sáng, anh Mạnh Cường, 27 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội đạp xe đến ga Văn Quán. Sau khi gửi xe, anh bắt chuyến tàu trên cao Cát Linh - Hà Đông, xuống tại ga Cát Linh rồi đi bộ đến cơ quan. Cả hành trình kéo dài 30 phút, không tắc đường, không khói xe, không mệt mỏi.

Từ ngày giá xăng liên tục "lập đỉnh", quay cuồng trong bão giá, anh Cường chuyển qua sử dụng phương tiện công cộng, chấm dứt tình trạng mỗi sáng mất hơn một tiếng đồng hồ vượt ùn tắc đến cơ quan.

Giá xăng tăng, dân công sở ở Hà Nội đạp xe đi làm, thay ô tô bằng tàu điện - 1

Từ 7h30 sáng mỗi ngày, tàu điện Cát Linh - Hà Đông chật cứng người (Ảnh: Viên Minh).

Mỗi tuần, anh Cường đổ xăng 100.000 đồng/lần, trung bình 400.000 đồng/tháng. Trong khi đó, giá vé tàu đường sắt trên cao chỉ 140.000 đồng/tháng nếu mua theo diện tổ chức. Cách đây một tháng, khi tình trạng giá xăng tăng không ngừng, nam nhân viên văn phòng quyết định thay đổi phương án di chuyển.

"Nhà cách ga tàu Văn Quán chỉ 3km nên tôi chọn cách dậy sớm, đạp xe ra ga đi bộ lên tàu điện. Không chỉ hỗ trợ giảm cân, đạp xe sáng sớm còn giúp tinh thần tôi sảng khoái", anh Cường nói.

Trong khoảng 15 phút trên tàu, anh tranh thủ nghỉ ngơi, xử lý công việc hoặc chợp mắt. Tổng quãng đường di chuyển dài 8km mất 30 phút, nhanh gấp đôi so với đi xe máy trước đây.

"Hiện tại, mỗi tháng tôi chỉ đổ xăng một lần, dùng xe máy đi chơi cuối tuần. Tôi cũng dự định mua một chiếc xe đạp trợ lực điện, có thể thuận tiện gấp gọn đưa lên tàu", anh chia sẻ.

Theo anh Cường, xu hướng kết hợp sử dụng xe đạp/ xe trợ lực điện gấp và phương tiện công cộng để đi làm đang trở nên thịnh hành.

Từ khoảng 7h30, tàu điện bắt đầu đông đúc, nhân viên công sở bên cạnh hộp cơm, túi xách, còn mang theo xe đạp gấp để tiện đi lại.

Trong các hội nhóm anh tham gia, nhiều người phân tích giá thành mua xe trợ lực điện gấp lợi hơn xe máy như thế nào, xin tư vấn để lựa chọn phương tiện thích hợp.

"Xu hướng này rất phổ biến ở nước ngoài và đang bắt đầu nhen nhóm tại Việt Nam. Tôi nghĩ trong tương lai, nếu bão giá chưa có dấu hiệu giảm, người dân có thể lựa chọn hình thức di chuyển mới mẻ này", anh Cường cho hay.

Giá xăng tăng, dân công sở ở Hà Nội đạp xe đi làm, thay ô tô bằng tàu điện - 2

Anh Cường mua vé tháng tàu điện Cát Linh - Hà Đông giúp tiết kiệm chi phí (Ảnh: Viên Minh)

Là người kinh doanh xe đạp gấp tại Hà Nội, anh Hà Xuân Nam rất đam mê và xem xe đạp gấp như một môn thể thao kể từ sau lần chấn thương cột sống do đá bóng hồi năm 2019 khiến anh không thể chơi thể thao nặng.

Trong cuộc sống hàng ngày, đi làm, tập thể dục, anh Nam đều sử dụng xe đạp gấp. Xung quanh anh, nhiều người bạn cũng chuyển dần sang đạp xe đi làm. Từ năm 2020, anh nhập xe đạp gấp về nghiên cứu và thử bán. Trong vòng một năm, anh bán được hơn 200 chiếc.

"Thời gian này, xu hướng kết hợp phương tiện công cộng và xe đạp gấp nở rộ trong cộng đồng. Nhu cầu đa dạng, phù hợp với mọi lứa tuổi mà chi phí không quá lớn.

Hơn nữa, đạp xe giúp nâng cao sức khỏe và tiết kiệm chi phí", anh Nam kể nhóm bạn của mình đã thành lập một cộng đồng những người đạp xe đi làm mang tên "Xe đạp gấp siêu cấp - Việt Nam Folding Bike" thu hút hơn 1.000 thành viên với mong muốn chia sẻ những trải nghiệm.

Giá xăng tăng, dân công sở ở Hà Nội đạp xe đi làm, thay ô tô bằng tàu điện - 3

Xu hướng kết hợp phương tiên công cộng và xe đạp gấp để đi làm nở rộ tại Hà Nội thời gian này (Ảnh: NVCC)

Giá xăng tăng, dân công sở ở Hà Nội đạp xe đi làm, thay ô tô bằng tàu điện - 4

Dân công sở đưa xe đạp gấp lên tàu điện để tiện sử dụng (Ảnh: Viên Minh)

Giá xăng tăng, bỏ ô tô đi phương tiện công cộng tới công sở

Từ ngày được một người bạn "khai sáng" về tàu điện trên cao, anh Đinh Văn Nam, 30 tuổi, quận Hà Đông, không còn lái ô tô đi làm.

Sau dịch Covid-19, đường phố Hà Nội quay trở lại trạng thái "bình thường cũ", đông đúc và tấp nập khiến anh Nam mệt mỏi. Từ nhà đến công ty ở quận Đống Đa khoảng 10km, anh phải vượt qua nhiều "điểm đen" ùn tắc như Khuất Duy Tiến và Ngã Tư Sở.

Không chỉ tắc đường, tốn nhiều thời gian và lái xe căng thẳng, thì giá xăng tăng cũng là trở ngại với anh Nam. Mỗi tháng, anh bỏ ra 3 triệu đồng tiền xăng, cộng thêm chi phí gửi xe. Đôi khi, để kiếm một bãi gửi xe ô tô giữa trung tâm Hà Nội cũng rất khó khăn.

Cách đây 2 tháng, anh Nam đi thử tàu điện trên cao, bỏ qua những ngại ngần sẽ giống xe buýt truyền thống chen lấn và đông đúc. Trải nghiệm tốt ngoài mong đợi, anh quyết định mua vé tháng. Từ đó, mỗi sáng, 8h anh rời nhà, đi bộ ra ga tàu cách 200m. Xuống ga cuối, anh chỉ mất 10 phút đi bộ đến công ty.

Nói về xu hướng xe đạp gấp kết hợp tàu điện, anh Nam cảm nhận không thực sự thuận tiện. Mỗi chiếc xe đạp nặng từ 7-10kg, trông khá cồng kềnh. Thay vào đó, nếu kết hợp phương tiện công cộng và dịch vụ gọi xe công nghệ, theo anh, sẽ là bài toán hợp lý hơn trong bối cảnh bão giá hiện nay.

Giá xăng tăng, dân công sở ở Hà Nội đạp xe đi làm, thay ô tô bằng tàu điện - 5

Giá xăng tăng là một trong số nguyên nhân anh Nam chuyển qua sử dụng phương tiện công cộng (Ảnh: Viên Minh)

Giá xăng tăng, dân công sở ở Hà Nội đạp xe đi làm, thay ô tô bằng tàu điện - 6

Đi tàu điện trên cao giúp dân công sở thoát khỏi cảnh ùn tắc, nhất là những ngày nóng nực (Ảnh: Viên Minh)

Trong khi đó, Nguyễn Lê Thảo Vy, 25 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội mỗi ngày vẫn "trung thành" đi xe máy đến công ty cách nhà 5km. Mỗi tháng, cô chi 500.000 đồng tiền xăng, nói rằng mức giá này "trong ngưỡng chấp nhận được".

Dù được nhiều người xung quanh khuyên chuyển sang phương tiện công cộng, nhưng là một người ngại thay đổi, Vy vẫn đang cân nhắc: Hoặc đi xe buýt hoặc mua xe đạp điện.

"Tôi thấy đi xe máy rất chủ động thời gian và quãng đường, còn xe buýt thường xuyên chật chội, dừng nghỉ liên tục khiến tôi dễ chóng mặt. Hơn nữa, nhà tôi không gần trạm xe buýt nào cả", Vy tâm sự.

Còn về phương án di chuyển bằng xe đạp điện, cô cho biết đã có sẵn xe đạp, chỉ cần mua thêm bộ trợ lực điện có giá 6-9 triệu đồng, là có thể biến xe đạp thường thành xe đạp điện.

Một chiếc xe đạp điện với tốc độ 35km/h hoàn toàn phù hợp với công việc của Vy. Một tuần, cô chỉ cần sạc một lần, tiết kiệm tối ưu tiền điện. Nhưng nữ nhân viên văn phòng lo ngại bộ trợ lực điện không bền như "lời quảng cáo".

"Giá xăng tăng mỗi ngày, tôi thực sự đau đầu không biết nên đầu tư xe đạp điện, đi xe buýt hay vẫn tiếp tục với chiếc xe máy của mình", Vy than thở.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, giá xăng "lập đỉnh" được xem là một trong những nguyên nhân thời vụ gia tăng hành khách trong thời điểm này.

Về việc mang xe đạp gấp lên tàu điện, theo ông Trường, đơn vị đã có quy chế theo thông tư của Bộ Giao thông Vận tải về những hành lý có kích thước, trọng lượng được phép đưa lên tàu.

Theo đó, những chiếc xe đạp gấp, kích thước nhỏ gọn nằm trong danh mục được phép.

"Nhưng nếu người dân không gấp xe, mà để cồng kềnh, thì chúng tôi không khuyến khích", ông Trường nói và cho biết, tuy không thống kê, nhưng ghi nhận lượng người mang xe đạp gấp lên tàu điện trên cao ngày một nhiều.