Người đàn ông 20 năm "canh gác" cửa ô cuối cùng của Hà Nội

(Dân trí) - Trở về từ chiến trường miền Nam, ông Lê Văn Nhân (72 tuổi) mang nỗi niềm của người lính luôn nặng tình với đất nước. Năm 2002, ông Nhân tự nguyện nhận trông coi Ô Quan Chưởng - cửa ô cuối cùng của Hà Nội như một cách để thoả mãn mong muốn của bản thân. Gần 20 năm nay, nhiều người vẫn gọi ông là “kẻ bao đồng tận tụy”.

Ô Quan Chưởng là cửa ô cuối cùng của kinh thành Thăng Long xưa, nằm trên ngã tư Hàng Chiếu – Đào Duy Từ - Thanh Hà. Cửa ô này được biết đến là nơi tưởng nhớ công lao của viên quan Chưởng Cơ và 100 binh lính nhà Nguyễn thời kháng chiến chống Pháp. Ngày nay, Ô Quan Chưởng sau nhiều lần tu bổ vẫn giữ nguyên được nét kiến trúc xưa và trở thành một trong những di tích lịch sử quan trọng của Hà Nội.

Người đàn ông 20 năm canh gác cửa ô cuối cùng của Hà Nội - 1

Ông Lê Văn Nhân (72 tuổi) người tự nguyện trông coi Ô Quan Chưởng gần 20 năm nay với mong muốn đóng góp công sức của mình cho cộng đồng.

Nhắc đến Ô Quan Chưởng, không ai là không biết đến ông Lê Văn Nhân, người đàn ông đã gắn bó 1/3 cuộc đời mình cùng với sự trường tồn của cửa ô Thăng Long cuối cùng.

20 năm lặng lẽ làm “kẻ bao đồng tận tụy”

Hàng chục năm về trước, Ô Quan Chưởng sừng sững giữa đường phố Hà Nội như là một chứng nhân lịch sử “bất tử” từ kháng chiến đến thời bình, song vết tích thời gian hiện rõ trên những mảng tường đầy rêu xanh đã khiến cửa ô này trở nên xuống cấp.

Chính quyền địa phương ngày ấy đã nhanh chóng tìm người để trông nom và bảo vệ cho Ô Quan Chưởng khỏi sự “xâm chiếm” của hàng quán. Nhưng nhiều người đến rồi lại đi, không ai gắn bó được với công việc này lâu dài.

Giữa lúc đó, ông Lê Văn Nhân tự nguyện đứng ra nhận làm người gác cổng cho Ô Quan Chưởng với lời hứa nhất định sẽ giữ cho nơi này được bình yên như nó vốn có.

Người đàn ông 20 năm canh gác cửa ô cuối cùng của Hà Nội - 2
Ông Nhân mang nỗi niềm của một người lính gác ở chiến trường xưa đã tự nguyện nhận trông coi cửa ô cuối cùng của Hà Nội với tiền lương ít ỏi.

Nhà ông Nhân ở phố Thanh Hà cách Ô Quan Chưởng khoảng 30m. Cả cuộc đời gắn bó với nơi này, ông như cuốn “từ điển sống” về những câu chuyện lịch sử xung quanh cửa ô với sự thay đổi của nhịp sống đô thị qua từng thời kỳ. Từ những ngày đầu ông Nhân nhận trông Ô Quan Chưởng, nơi này chỉ giống một lối đi thông thường như bao lối đi khác, rậm rạp với cây cỏ mọc hoang và gần như đã bị lãng quên.

Người đàn ông 20 năm canh gác cửa ô cuối cùng của Hà Nội - 3

Theo ông Nhân, cửa ô này đã qua 4 lần trùng tu, nhưng lối kiến trúc xưa và giá trị lịch sử của nó thì vẫn còn vẹn nguyên.

Ông Nhân bắt đầu dọn dẹp cỏ cây, tỉ mỉ nhổ từng khóm rêu dài mọc trên tường, tự tay lau sạch lớp bụi ở cửa, ban thờ… những nơi vì thiếu bàn tay người chăm sóc nên lớp bụi cứ dày lên mỗi ngày.

“Những năm 2000, tôi nhận việc này với mức lương chỉ vài trăm nghìn đồng một tháng. Nhưng ngày đấy tôi không nghĩ nhiều, không ai làm thì mình làm. Làm không được tiền cũng được nhiều cái khác”, ông Nhân chia sẻ.

Người đàn ông 20 năm canh gác cửa ô cuối cùng của Hà Nội - 4
Mỗi buổi sáng, ông Nhân thường quét dọn từ 6h30’ để giữ cho di tích sạch sẽ trước khi bắt đầu bước vào một ngày mới

Gần 20 năm qua, công việc của ông Nhân đến giờ vẫn bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào 6 giờ tối, thậm chí có ngày muộn hơn. Ông quét dọn lá cây, chăm sóc khu miếu thờ, quan sát những thay đổi của Ô Quan Chưởng qua từng ngày để nếu có hỏng hóc, xuống cấp ở đâu, ông gọi điện báo cho chính quyền để kịp thời tu sửa.

Một năm 365 ngày, ông Nhân đi làm đủ không “nghỉ phép” ngày nào, nhiều khi còn làm cả những ngày lễ tết vì ông luôn nghĩ nếu Ô Quan Chưởng không có người trông coi, nơi này sẽ không còn được uy nghiêm như đúng những gì thuộc về nó.

Người đàn ông 20 năm canh gác cửa ô cuối cùng của Hà Nội - 5
Dưới chân cửa ô có một lối nhỏ để lên tầng 2, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, ông Nhân mở cửa cho một số du khách muốn tham quan, tìm hiểu.
Người đàn ông 20 năm canh gác cửa ô cuối cùng của Hà Nội - 6
Ngày Rằm, mùng 1 hàng tháng, ông đều tất bật chuẩn bị hương khói cúng các quan để thể hiện lòng thành kính với các vị anh hùng dân tộc.

Vì quá “mê” nghề, ông tự sắm cho mình bộ quần áo giống của bảo vệ để mặc cho đàng hoàng. Ông Nhân bảo: “Tôi nghĩ đây là nhân duyên chứ không còn là một công việc để kiếm tiền. Tôi trông ở đây vì muốn di tích lịch sử phải được bảo tồn và muốn cho con ngõ này luôn được bình yên”.

“Gặp những người không tử tế, họ gọi tôi là ông già dở hơi”

Trông coi Ô Quan Chưởng không phải một công việc vất vả nhưng luôn đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và không ngại va chạm.

Đặc biệt hơn những khu di lịch lịch sử khác, xung quanh Ô Quan Chưởng cuộc sống thường ngày của người dân vẫn diễn ra nhộn nhịp, hàng quán mỗi ngày một đông, xe cộ càng lúc càng nhiều. Chiếc vòm cổng của cửa ô trở thành nơi dừng chân tránh nắng của nhiều hàng rong và khách bộ hành.

Hàng ngày, ông Nhân gặp gỡ và tiếp xúc với hàng trăm người lạ đi qua khu vực này. Để tránh sự “xâm chiếm” của xe cộ, hàng quán… tràn lan dưới chân cửa ô, ông Nhân liên tục nhắc nhở mọi người di chuyển nhanh, tránh tụ tập đông người lâu vì đây là khu di tích lịch sử.

Đôi khi người đi qua rồi, rác ở lại, ông lại cặm cụi thu dọn sạch sẽ. Nhiều ngày, ông Nhân phải thu dọn cả nắm kim tiêm của những con nghiện để lại trong đêm vắng người.

Người đàn ông 20 năm canh gác cửa ô cuối cùng của Hà Nội - 7
Nhờ có ông Nhân, cửa ô của Hà Nội vẫn giữ được sự bình yên giữa nhịp sống hối hả của thủ đô.

Theo anh Tuyến, một người chạy xe ôm gần khu vực này chia sẻ: “Ô Quan Chưởng không có ông Nhân chắc thành nơi họp chợ. Những lúc giờ tan tầm bao nhiêu xe cộ, ông Nhân ra phân làn, chỉ đường cho mọi người đâu ra đấy”.

Người đàn ông 72 tuổi dành 1/3 cuộc đời để gắn bó với công việc mà nhiều người cho là bao đồng. Bất kể nắng mưa, sớm chiều, ông Nhân không ngại vất vả nhưng khi nghĩ lại cả chặng đường làm công việc này, ông bảo: “Đã có lúc tôi muốn dừng lại.”

Người đàn ông 20 năm canh gác cửa ô cuối cùng của Hà Nội - 8
Ông Nhân đã từng nghĩ về chuyện dừng lại, nhưng vì cái tâm của người cựu chiến binh, ông vẫn quyết tâm làm đến khi không còn sức để tiếp tục.

Đó là khi có va chạm xảy ra giữa ông Nhân với người lạ. Một số người bị nhắc nhở thường tỏ ra không hài lòng, lên giọng quát tháo, thâm chí chửi bới và xúc phạm ông Nhân vì cho rằng ông không có quyền ở khu vực này. “Câu nói tôi thường nghe nhất là “Ông già bao đồng, dở hơi. Có phải đất nhà ông đâu mà lắm chuyện”, ông Nhân kể.

Những lúc như vậy, ông thường kiên quyết lên tiếng “bảo vệ” Ô Quan Chưởng, với những trường hợp quá gay gắt và ngoan cố, ông gọi điện báo công an phường đến giải quyết.

Người đàn ông 20 năm canh gác cửa ô cuối cùng của Hà Nội - 9
Ông Nhân luôn muốn giữ cho nơi này khang trang, sạch sẽ trong mắt du khách quốc tế và những người yêu Hà Nội.

“Khi đó tôi nghĩ tại sao một ông già như tôi, đang làm công việc này lại phải nghe những lời xúc phạm như vậy. Tôi nghĩ tôi đã quá tuổi để hàng ngày phải đi đôi co với những người thiếu ý thức. Nhưng sau đấy thì tôi vẫn làm, rốt cuộc công việc này, tôi vẫn gắn bó với nó vì cái tâm mình nhiều hơn”.

Bao nhiêu năm nay, ông Nhân coi Ô Quan Chưởng như ngôi nhà thứ 2 của mình. Đi xa thì lo lắng, bồn chồn, thấy người ta phá hoại, lấn chiếm thì bất bình lên tiếng. Khu cửa ô cuối cùng của Hà Nội có lẽ vì thế mà vẫn giữ được vẹn nguyên sự thành kính và thiêng liêng của một nơi ghi dấu ấn hào hùng dân tộc.

Thanh Thuý

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm