Ngôi nhà phong cách châu Âu, ngập hương hoa của nữ giáo viên Hà Nội
(Dân trí) - Vợ chồng chị Thu Hạnh đã dành nhiều tâm huyết để thực hiện ngôi nhà ngoại ô Hà Nội, biến đây trở thành "resort thu nhỏ" của cả gia đình.
Sớm tinh mơ, khi nghe tiếng chim líu lo trong vườn nhà, bể cá chảy róc rách, chị Thu Hạnh tỉnh giấc. Chị mở cửa sổ căn phòng gác mái, hít một hơi thật sâu, cảm nhận không khí trong lành, se se lạnh của vùng ngoại ô Hà Nội. Hương hoa hồng thoang thoảng, quyện trong màn sương mờ.
Hơn một năm nay, cứ tới chiều thứ 6 cuối tuần, vợ chồng chị Tạ Thị Thu Hạnh (44 tuổi, giáo viên) lại "khăn gói" rời căn chung cư ở nội đô để về ngôi nhà thứ hai ở Sóc Sơn, Hà Nội.
Chị Hạnh tâm sự, chị sinh ra và lớn lên ở Tuyên Quang, tuổi thơ gắn liền với những cánh đồng, khu vườn xanh bóng mát. Từ nhỏ chị đã yêu thiên nhiên, luôn ước mơ có một khu vườn cổ tích ngập tràn hoa. "Mình thường tâm sự với chồng, nhất định sẽ mua một mảnh đất ở ngoại ô để khi về hưu, có nơi trồng cây, làm vườn, rời thành phố ồn ào, tấp nập", chị Hạnh tâm sự.
Khoảng ba năm trước, anh chị tìm được mảnh đất 1.200m2 ở Sóc Sơn, cách trung tâm thành phố khoảng 40 phút lái xe. Chị Hạnh bắt đầu lên ý tưởng dựng ngôi nhà nhỏ mang phong cách kiến trúc của làng quê châu Âu, có gác mái, lò sưởi, bao quanh là vườn cây ăn quả, phía trước là vườn hồng, bể bơi.
"Thời điểm mình xây dựng đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát, việc liên lạc, gặp gỡ kiến trúc sư, giám sát thợ đều rất khó khăn", chị Hạnh kể. "Phải mất cả năm trời, ngôi nhà mới bắt đầu thành hình", chị nói thêm.
Sau khi hoàn thành ngôi nhà, hàng tuần, vợ chồng chị Hạnh đều về đây để tự tay cuốc đất, trồng cây, làm vườn, bón phân... Nữ giáo viên vốn nhiều năm cầm phấn, cầm bút, nay cũng thành thục cầm cuốc, cầm xẻng, "còng lưng" làm vườn giữa trời nắng nóng.
"Vất vả nhiều đấy, da mình đen, sạm đi, bàn tay chai sần... Nhưng hai vợ chồng cảm thấy khỏe, vui và hạnh phúc lắm. Mình tự học từng chút về kĩ thuật trồng hồng còn ông xã thì dày công sưu tầm các giống hoa ở khắp nơi", chị Hạnh chia sẻ.
Quanh nhà, chị Hạnh trồng một số cây ăn quả gia đình yêu thích như mít, na, khế chua, trứng gà... Khu vườn trước nhà là nơi sưu tập đủ giống hoa hồng từ hồng cổ Sa Pa, bạch xếp, hồng đào, tường vi và một số loại hồng ngoại. "Hồng ngoại khó chăm nên hai vợ chồng mình vẫn đang học hỏi kinh nghiệm", chị Hạnh nói.
Trước đây, gia đình chị Hạnh rất mê du lịch, nhất là tới những vùng đất hoang sơ, gần gũi thiên nhiên như Hà Giang, Pù Luông (Thanh Hóa)...
Khi xây ngôi nhà thứ hai, chị muốn biến không gian này thành "resort thu nhỏ" của gia đình, có dấu ấn những vùng đất anh chị từng đi qua. Trước cửa nhà, họ trồng một cây mận trắng Sơn La, một cây hoa đào Hà Giang... Nhiều món đồ nội thất trong nhà như bàn ghế, tủ để đồ được đóng từ gỗ tàu biển.
Chị Hạnh chỉ vào chiếc tủ lớn trong phòng khách, chia sẻ: "Đây là gỗ của những con tàu nhiều năm tuổi. Tàu cũ hỏng, không còn sử dụng được nhưng phần gỗ ngâm trong nước muối biển nhiều năm nên vẫn chắc chắn, không mối mọt. Mình yêu thích loại gỗ này vì chúng có thể tái chế, bền vững, "hồi sinh" trong một hình hài mới nhưng vẫn giữ những nét dấu ấn của thời gian".
Từ khi có ngôi nhà thứ hai, vợ chồng chị Hạnh thấy cuộc sống mới mẻ, nhiều năng lượng hơn. Cuối tuần, anh chị thường xuyên đón bạn bè, người thân tới thăm ngôi nhà ngoại ô, cùng nhau nấu ăn, vui chơi, tâm sự...