Ninh Bình:
"Mạnh tay" xử lý nạn tận diệt chim trời
(Dân trí) - Công an Ninh Bình đang phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh liên tiếp kiểm tra, xử lý các trường hợp săn, bắt chim hoang dã trái phép để bảo vệ hệ sinh thái môi trường.
UBND tỉnh Ninh Bình vừa có chỉ đạo tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi săn, bắt động vật hoang dã trái phép, nhất là sử dụng các loại bẫy, lưới, chất nổ, chất độc, điện trong đánh bắt các loài chim hoang dã, góp phần bảo vệ hệ sinh thái và môi trường.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh phối hợp với Hạt Kiểm lâm các địa phương trên địa bàn tổ chức ra quân kiểm tra, xử lý các trường hợp săn, bẫy, bắt, buôn bán, vận chuyển chim hoang dã trên địa bàn.
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 2 vụ, 2 cá nhân giăng lưới mờ để bẫy, bắt chim hoang dã tại cánh đồng thuộc thôn Phú Trì và thôn Hậu Thôn, xã Yên Thái, huyện Yên Mô, thu giữ 200m lưới và cọc tre, lập biên bản xử phạt theo quy định của pháp luật, yêu cầu ký cam kết không tái phạm.
Cũng tại xã Yên Thái, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ hơn 250m lưới và nhiều cọc tre của một số đối tượng khác giăng ra để săn, bắt chim hoang dã.
Bên cạnh việc kiểm tra xử lý, Phòng Cảnh sát môi trường cùng Hạt Kiểm lâm các huyện tại Ninh Bình còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, cấm săn, bắt các loài động vật hoang dã nhằm nâng cao nhận thức cho người dân.
Trước đó, ngày 16/11, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Ninh Bình phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình, Công an huyện Kim Sơn, Ban quản lý rừng phòng hộ Kim Sơn, Đồn Biên phòng Kim Sơn, chính quyền địa phương các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải tổ chức tiến hành kiểm tra xử lý tình trạng săn, bẫy, bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép các loài chim tự nhiên, động vật hoang dã.
Tại khu vực bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tình trạng giăng lưới mờ để bẫy chim hoang dã đã gỡ bỏ, lập biên bản thu giữ 520m lưới, 01 loa tự chế để bẫy, bắt chim và bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Kim Sơn xử lý theo quy định của pháp luật.
Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, việc xử lý tình trạng săn, bẫy, bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép các loài chim tự nhiên, động vật hoang dã của một số người dân đã ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, đe dọa nguy cơ tuyệt chủng của loài chim.
Trong thời gian tới lực lượng chức năng tiếp tục tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật, để người dân hiểu và không tham gia bẫy, săn bắt mua bán, vận chuyển các loài động vật hoang dã, chim tự nhiên. Triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ chim hoang dã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đặc biệt vào mùa chim di cư;
Phối hợp với các Hạt Kiểm lâm, UBND các địa phương trong công tác tuyên truyền, bảo vệ động vật hoang dã, chim hoang dã, tạo vùng di cư an toàn cho các loài chim, góp phần xây dựng môi trường du lịch sinh thái thân thiện, bền vững tại Ninh Bình.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, nạn săn, bẫy, bắt, buôn bán vận chuyển trái phép các loài chim tự nhiên ở Ninh Bình thời gian qua trở nên nhộn nhịp gây bức xúc trong dư luận. Nhiều người dân vì lợi nhuận trước mắt mà bất chấp các quy định của pháp luật, tận diệt các loài chim trời phá vỡ hệ sinh thái môi trường.
Một số nhà hàng tại Ninh Bình chuyên bán các món thịt chim với đủ các loại chim trời như: cò, vạc, sâm cầm, cuốc, diệc, cu gáy… Việc làm này trở nên phản cảm với du khách, bởi tại Ninh Bình hiện nay có một số điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông du khách đến tham quan, đang bảo vệ tốt, là nơi trú ngụ của các loài chim quý hiếm như: Vườn chim Thung Nham, đầm Vân Long, khu du lịch Tràng An, vườn quốc gia Cúc Phương…
Trước đó, tỉnh Ninh Bình đã có văn bản yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn không ăn thịt chim trời. Việc cấm tiêu thụ các loài chim trời góp phần bảo vệ chúng khỏi bị tiêu diệt bởi nạn săn bắn, bẫy bắt để tận diệt một cách không thương tiếc.