Nghệ nhân 40 năm “giữ hồn” cho chiếc bánh Trung thu truyền thống

(Dân trí) - Suốt 40 năm qua, gia đình nghệ nhân Trần Văn Bản (Thường Tín, Hà Nội) vẫn vững tay đẽo đục, giữ nghề làm khuôn bánh Trung thu truyền thống bằng gỗ.

Với 40 năm kinh nghiệm và là người duy nhất trong làng còn bám trụ với nghề làm khuôn bánh Trung thu truyền thống, nhưng ông Trần Văn Bản, thôn Thượng Cung (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội) vẫn miệt mài đục từng khuôn bánh, luôn tìm tòi, sáng tạo để phát triển nghề.

Nghệ nhân 40 năm “giữ hồn” cho chiếc bánh Trung thu truyền thống - 1
Ông Trần Văn Bản đã có 40 năm làm khuôn bánh truyền thống

Hàng năm, trước khi đến rằm tháng 8 âm lịch, gia đình ông Trần Văn Bản lại tất bật với công việc đục khuôn bánh Trung thu. 40 năm nay, căn nhà nhỏ ở làng Thượng Cung (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội) vẫn đều đặn tiếng đẽo, khoan, đục gỗ bất kể ngày đêm.

Trước đây, ở làng vốn có nhiều người làm nghề này nhưng hiện giờ chỉ còn gia đình ông Trần Văn Bản vẫn gắn bó với nghề làm khuôn bánh trung thu bằng gỗ. Nghề mộc thì làm quanh năm, nhưng mùa Trung thu tại nhà ông Bản chính thức bắt đầu từ tháng 4 Dương lịch.

Nghệ nhân 40 năm “giữ hồn” cho chiếc bánh Trung thu truyền thống - 2
Trong xã Thượng Cung chỉ còn một mình ông Bản làm khuôn bánh Trung thu.

Được biết, ông Bản sử dụng gỗ xà cừ và gỗ thị - là những loại an toàn nhất dùng trong ngành thực phẩm để sản xuất ra khung bánh trung thu.

Để làm ra một khuôn bánh Trung thu hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn, từ xẻ gỗ, xử lý độ ẩm, cắt phôi, bào nhẵn, kẻ mực rồi ngâm mỡ. Có như vậy bánh làm ra sẽ đẹp mắt, không bị dính. Người nghệ nhân cho hay, ngày xưa cả làng đều làm khuôn bánh, mỗi mùa xuất hàng cả vạn cái.

Nghệ nhân 40 năm “giữ hồn” cho chiếc bánh Trung thu truyền thống - 3
Từng bước làm khuôn ông Bản đều cẩn thận, tỉ mỉ.

Bước đầu tiên để làm khuôn là pha gỗ thành hình khuôn theo kích thước và mẫu mã khách hàng yêu cầu. Sau đó, khúc gỗ này được bào nhẵn để làm phẳng bề mặt nền đáy

Công đoạn quan trọng nhất và được làm thủ công là đục đẽo hình trang trí trong khuôn. Việc này đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ, sáng tạo, cẩn thận trong từng đường nét.Từng công đoạn làm khuôn được ông Bản thực hiện một cách chính xác đúng như nguyên mẫu, kiểm tra thật kỹ lưỡng.

Những chiếc dùi đục tạo hình được ông Bản sử dụng một cách thuần thục. Dù đã nhiều tuổi xong những động tác đục đẽo, tạo hình của ông lại rất cẩn thận, khéo léo.

Nghệ nhân 40 năm “giữ hồn” cho chiếc bánh Trung thu truyền thống - 4
Những chiếc khuôn với đủ các hình thù, giản dị bề ngoài nhưng cầu kì đến từng chi tiết bên trong.

Bất kì hình thù gì, chỉ cần khách yêu cầu, gia đình ông Bản đều có thể hoàn thành. Trung bình mỗi chiếc khuôn truyền thống giản dị bề ngoài nhưng cầu kì đến từng chi tiết bên trong mất khoảng 2 tiếng. Ông Bản chia sẻ: “Bây giờ có máy móc hỗ trợ tôi cũng đỡ vất vả hơn nhiều, ngày xưa từng công đoạn đều phải đục đẽo và làm hoàn toàn bằng tay rất mất thời gian, công sức”.

Nghệ nhân 40 năm giữ nghề làm khuôn gỗ bánh Trung thu

Là một người tâm huyết với nghề, ông luôn cố gắng hết sức để làm hài lòng khách hàng. Ông Bản cho biết: “Sản phẩm tôi làm ra phải đúng như yêu cầu khách hàng, đến khi nào người ta ưng ý mới thôi.Mình làm sản phẩm không chỉ để kiếm tiền mà sản phẩm chứa đựng cả giá trị tinh thần to lớn. Đó là kinh nghiệm bao năm nay tôi luôn chắt chiu trong từng sản phẩm mình làm ra”

Nghệ nhân 40 năm “giữ hồn” cho chiếc bánh Trung thu truyền thống - 5
Ông Bản luôn tìm tòi, sáng tạo và tìm nhiều hướng đi cho nghề làm khuôn bánh.

Mỗi mùa Trung thu, gia đình ông Bản làm ra khoảng 500-600 khuôn bánh. Giá khuôn dao động từ 150.000 đến 500.000 nghìn đồng một chiếc, tùy kích cỡ. Có những chiếc khuôn bánh cỡ to, cầu kì có giá lên tới cả triệu đồng.

Theo ông Bản, khoảng 5 năm trở về trước lượng khuôn nhà ông bán không được nhiều do có sự xuất hiện của nhiều loại khuôn nhựa giá thành rẻ chỉ từ 30.000- 50.000 một chiếc. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, người ta lại bắt đầu quay lại dùng khuôn gỗ truyền thống để làm bánh do tính an toàn thực phẩm cao hơn, chất lượng tốt hơn.

Nghệ nhân 40 năm “giữ hồn” cho chiếc bánh Trung thu truyền thống - 6
Nhờ có máy móc hỗ trợ mà công việc đã bớt vất vả đi nhiều.

Sau khi sản xuất khuôn bánh hoàn thành, phế phẩm được ông Bản dùng làm củi đốt, tránh trường hợp đổ ra môi trường gây ô nhiễm. Ông Bản luôn có niềm mong muốn nghề làm khuôn bánh truyền thống sẽ được truyền lại cho thế hệ sau. Chiếc bánh Trung Thu chứa đựng rất nhiều ý nghĩa vì vậy để làm được một chiếc bánh ngon, có tâm huyết cũng cần sử dụng bằng một chiếc khuôn chất lượng nhất.

Nghệ nhân 40 năm “giữ hồn” cho chiếc bánh Trung thu truyền thống - 7
Ông Bản hướng dẫn cho cháu nội làm khuôn bánh.

Vừa thoăn thoắt đôi tay đục đẽo, tiếng chày gõ dùi đục vẫn vang lên đều đều, ông Bản tâm sự: “Trung thu là dịp đoàn viên, tết của tình thân. Chiếc bánh Trung thu muôn đời nay vẫn gắn liền với truyền thống dân tộc, tôi sẽ luôn giữ gìn, truyền lại nghề cho thế hệ con cháu để những tinh hoa dân tộc không bao giờ mất đi”.