Mỹ lo diệt không hết cá trắm đen, cá chép, cá mè hoa xâm hại hệ sinh thái

Huy Hoàng

(Dân trí) - Tại Chicago (Mỹ), chính quyền đã tiêu tốn hàng tỷ USD để làm loại rào chắn đặc biệt ngăn chặn cá chép châu Á xâm hại tiến vào vùng Ngũ Hồ. Trong khi ở con sông gần Yankton, cá mè trắng đang thống trị.

Cá chép xâm lấn (còn gọi là cá chép châu Á) hiện trở thành mối đe dọa đáng kể với các sông hồ thuộc khu vực phía Nam Dakota (Mỹ). Đây vốn là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá đối với hàng nghìn người câu cá và du khách mê chèo thuyền, yêu các bộ môn thể thao dưới nước.

Cá chép thi nhau nhảy lên thuyền, ngư dân Mỹ bắt không kịp (Nguồn video: South Dakota).

Đó là lý do tại sao các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Nam Dakota đang hợp tác cùng chính quyền bang nhằm đảm bảo nguồn tài nguyên thiên nhiên này không bị "loài cá bị ghét nhất nước Mỹ" xâm hại.

Ở Mỹ có hai loại cá chép riêng biệt gồm cá chép thường và cá chép châu Á. Những người câu cá ở Nam Dakota có lẽ đã quen thuộc với cá chép thông thường. Chúng xuất hiện ở hầu hết các tuyến đường thủy tại đây.

Mỹ lo diệt không hết cá trắm đen, cá chép, cá mè hoa xâm hại hệ sinh thái - 1

Cá chép nhảy lên thuyền người dân (Ảnh cắt từ clip).

Loài này được đưa từ châu Âu sang Mỹ vào năm 1831. Dù về mặt kỹ thuật, chúng là loài xâm lấn nhưng vẫn được coi là "nhập tịch" vào các tuyến đường thủy của bang.

Những loài thuộc họ cá chép xâm hại phải kể tới cá trắm cỏ, cá trắm đen, cá mè hoa, cá chép. Chúng là động vật bản xứ có nguồn gốc từ Đông Á, được đưa tới Mỹ trong thập niên 1970 với mục đích làm sạch bể chứa, ao thủy canh và ao xử lý nước thải.

Nhưng các trận lũ lụt đã tạo điều kiện để chúng trốn thoát, trốn ra môi trường tự nhiên. Vào đầu những năm 2000, tất cả lưu vực sông Mississippi, sông Missouri, tiếp đó là sông ở Ohio và Illinois đều xuất hiện quần thể cá chép xâm hại.  

Các chuyên gia nhận định, cá chép xâm hại gồm nhiều loài. Dù có đặc điểm riêng nhưng chúng đều dẫn tới việc tàn phá hệ sinh thái. Cá mè hoa và cá mè trắng là những loài phổ biến nhất. Trong khi cá mè hoa ăn động vật phù du thì cá mè trắng ăn thực vật phù du. Chúng đều trực tiếp cạnh tranh nguồn thức ăn với các loài cá bản xứ.

Mỹ lo diệt không hết cá trắm đen, cá chép, cá mè hoa xâm hại hệ sinh thái - 2

Ngư dân bắt được một con cá cỡ lớn (Ảnh: Illinois).

Cá mè trắng còn gọi là "cá chép bay". Chúng xuất hiện ở nhiều sông hồ như sông James với khả năng bay cao vài mét lên mặt nước, thậm chí bay vọt vào thuyền gây nguy hiểm cho du khách và người chơi lướt ván.

Cá trắm cỏ giống cá chép thường, đều ăn thực vật thủy sinh. Chúng được coi là mối đe dọa lớn với vùng đầm lầy, phá hủy môi trường sống của cá bản xứ, chim, động vật lưỡng cư và loài bò sát.

Và cuối cùng là cá trắm đen, loài chuyên ăn ốc sên, tôm nước ngọt, côn trùng và tôm hùm đất. Chúng cũng trực tiếp cạnh tranh nguồn thức ăn với cá, rùa, chim, gấu mèo, rái cá...

Nhờ tốc độ sinh sản nhanh, cá chép đang gây rối loạn hệ sinh thái đường thủy ở Mỹ. Tình trạng lũ lụt gia tăng tạo điều kiện cho loài này lan tới nhiều địa điểm mới. Ví dụ trận lụt năm 2011 khiến nước sông Missouri tràn vào hồ Yankton. Nhờ đó, cá xâm hại tiến cả vào hồ Yankton và sông James. Hiện tại, cá mè trắng đang thống trị các con sông gần Yankton với số lượng nhiều tới mức có thể lao thẳng vào thuyền của người dân.

Mỹ lo diệt không hết cá trắm đen, cá chép, cá mè hoa xâm hại hệ sinh thái - 3

Cá chép xâm lấn đang trở thành vấn nạn khiến chính quyền Mỹ tìm cách tháo gỡ (Ảnh: News).

Khi loài cá chép đang xâm lấn đường thủy, nhiều chuyên gia tại Mỹ nhận định "gần như không thể loại bỏ hoàn toàn".

"Đó là lý do tại sao các biện pháp phòng ngừa rất quan trọng để ngăn sự xâm lấn của chúng", Alison Coulter, trợ lý giáo sư của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học South Dakota cho biết.

Tại Chicago, chính quyền địa phương đã chi hàng tỷ USD để làm rào chắn đặc biệt nhằm ngăn chặn cá chép xâm lấn vùng Ngũ Hồ. Giới chức lo ngại, nếu cá chép xâm lấn vào Ngũ Hồ, chúng sẽ phá vỡ ngành thương mại đánh cá trị giá hơn 7 tỷ USD và ngành du lịch trị giá hơn 10 tỷ USD.