Mua nhà trăm triệu/m2 ven đô trốn khói bụi, người Hà Nội ám ảnh tắc đường

Hồng Anh

(Dân trí) - Sống trong căn nhà hơn chục tỷ đồng, có ô tô di chuyển nhưng mỗi ngày anh Tuệ phải chật vật vượt qua các điểm ùn tắc trên tuyến Đại lộ Thăng Long, hầm chui Trung Hòa, Trần Duy Hưng... để vào nội đô.

Bán nhà, chuyển chỗ ở vì… tắc đường

Chuyển về ngôi nhà mới chưa được ít lâu, chị Vũ Tuyết Mai (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã thấy hối hận về lựa chọn của mình. Vợ chồng chị Mai vốn ở nhà đất trong nội đô.

Ngôi nhà nằm trong một con phố thuộc quận Đống Đa. Sống ở nhà mặt đất nhiều năm, chán cảnh thời tiết nồm ẩm, mỗi lần gửi ô tô lại phải đi xa 700-800m, chị Mai bàn với chồng mua chung cư để ở.

Sau khi tìm hiểu nhiều dự án, chị quyết định mua một căn chung cư ở quận Nam Từ Liêm vì nơi đây có cảnh quan thoáng đãng, công viên, hồ nước rất đẹp. Thiết kế căn hộ tối ưu với nhiều đồ dùng được nhập khẩu. Chị Mai và chồng chốt mua căn hộ này với giá gần 6 tỷ đồng, trung bình 65 triệu đồng/m2.

Mua nhà trăm triệu/m2 ven đô trốn khói bụi, người Hà Nội ám ảnh tắc đường - 1

Chị Mai thường chịu chung cảnh tắc đường với nhiều người dân khi đi qua nút giao Đại lộ Thăng Long - Lê Quang Đạo (Ảnh: Hồng Anh).

 "Các con tôi có phòng riêng, chồng không phải gửi xe quá xa, không gian sinh hoạt hiện đại nên mới đầu, các thành viên trong nhà ai cũng thích", chị Mai nói.

Tuy nhiên, về ở một thời gian, chị nhận ra bất cập trong vấn đề di chuyển, đi học, đi làm. Con trai chị Mai học ở một trường cấp 2 gần nơi chị làm việc nên hàng ngày được chị đưa đón đi về.

Trường cách nhà hơn 7km. Để tránh những điểm tắc khi di chuyển dọc tuyến Đại lộ Thăng Long, qua hầm chui Trung Hòa lên Trần Duy Hưng, ngày nào chị Mai cũng phải đi trước 1 tiếng so với giờ vào học của con. Đoạn đường này lẽ ra chỉ mất 15 phút di chuyển trong điều kiện bình thường.

"Không ít lần, tôi đưa con đến lớp muộn vì tắc đường. Trong khi con rất ý thức, không muốn ảnh hưởng đến thành tích thi đua của lớp", chị Mai kể.

Có nhà cùng khu với chị Mai, chị Nguyễn Thị Tâm (36 tuổi) cũng phải luyến tiếc tạm chia tay căn hộ ở tầng 11 sau một thời gian chật vật đi làm dọc tuyến đường Đại Lộ Thăng Long.

Mua nhà trăm triệu/m2 ven đô trốn khói bụi, người Hà Nội ám ảnh tắc đường - 2

Dù rất yêu thích tiện ích ở khu chung cư mình sinh sống nhưng vợ chồng chị Tâm buộc phải cho thuê nhà, chuyển về nội đô (Ảnh: Hồng Anh).

 Chị Tâm cho một người em cùng quê thuê nhà với mức giá ưu đãi vì tin tưởng người em sẽ vừa ở, vừa giữ đồ cho mình.

"Trong nhà nhiều đồ đẹp, tôi từng nghĩ hai vợ chồng sẽ ở lâu dài nên tỉ mỉ chọn mua từng món đồ. Nhưng ở được một năm, tôi đành cho thuê chuyển về đường Trường Chinh vì ở nhà cũ đi xa, đường thường xuyên tắc rất mệt mỏi", chị Tâm cho hay.

Mua nhà cả trăm triệu đồng/m2 nhưng lối đi về vẫn chật vật

Từ nhiều ngày nay, khu vực đường gom Đại lộ Thăng Long dựng rào chắn nhiều vị trí phục vụ thi công chuyển đường ống cấp nước, khiến các phương tiện di chuyển khó khăn, đặc biệt trong đầu giờ sáng. Những lô cốt được dựng giữa đường khiến người tham gia giao thông di chuyển khó khăn.

"Nhiều đoạn sau khi thi công xong, hoàn trả mặt bằng thì mặt đường đã trở thành một bãi chiến trường với toàn ổ voi. Chẳng hạn như đoạn gần nút giao rẽ từ Đại lộ Thăng Long sang Thiên Đường Bảo Sơn (chiều từ nội thành đi Hòa Lạc)", một độc giả của Dân trí chia sẻ. 

Nhiều người cũng đồng tình cho rằng, chất lượng mặt đường kém sau khi thi công là một trong những nguyên nhân khiến giao thông di chuyển khó khăn. 

Mua nhà trăm triệu/m2 ven đô trốn khói bụi, người Hà Nội ám ảnh tắc đường - 3

Đại lộ Thăng Long tắc cả làn trong lẫn làn ngoài vào khung giờ sáng những ngày qua (Ảnh: Minh Quang).

Anh Mai Văn Tuệ nhà ở khu đô thị trên đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức chia sẻ, dọc tuyến đường Đại lộ Thăng Long thường xuyên có các công trình thi công.

"Từ tháng 3 tới nay có hoạt động thi công dự án đường Lê Quang Đạo kéo dài nối quận Nam Từ Liêm với quận Hà Đông. Thời gian này thêm các lô cốt chuyển đường ống nước. Điều này khiến giao thông luôn ở trong tình trạng căng thẳng", anh Tuệ nói.

Trong năm học, anh Tuệ luôn nhanh chóng rời công ty đúng 17h để đón con, sau đó cả hai lại chen vào dòng người để di chuyển về căn nhà liền kề trong khu đô thị. 

Con trai đã học cấp 3 nhưng vì không an tâm để con tự đến trường nên ngày nào, anh Tuệ cũng mất từ 2-3 tiếng để đưa con đi và về. Nếu trời mưa thì còn lâu hơn nữa.

Mua nhà trăm triệu/m2 ven đô trốn khói bụi, người Hà Nội ám ảnh tắc đường - 4

Khu đô thị anh Tuệ sống ô tô đỗ liền cửa, không gian thoáng đãng, tuy nhiên anh Tuệ mất nhiều thời gian di chuyển mỗi lần đi làm vì đường tắc (Ảnh: Hồng Anh).

Anh Tuệ nói: "Tôi mua căn nhà liền kề trong khu đô thị mới cả chục tỷ đồng (tính theo m2 là hơn 100 triệu đồng/m2), chấp nhận đi xa một chút để sống cho thoáng đãng nhưng lại vô cùng chật vật mỗi lần đi về. Ở nội đô đi lại có dễ thở hơn chút nhưng chật chội, ô nhiễm. Thật sự, nhiều lúc tôi nghĩ không biết nên ở đâu cho hợp lý".

Chuyển từ nội đô về An Khánh, Hoài Đức sinh sống được 9 năm, anh Nguyễn Thành Chung (35 tuổi) cho hay, mật độ dân số ở khu vực phía Tây Hà Nội tăng lên đáng kể trong những năm qua. Điều này kéo theo áp lực lớn cho hệ thống giao thông.

"Ngày càng có nhiều dự án mọc lên ở hai bên Đại lộ Thăng Long và các xã ngoại thành gần thành phố. Trước đây, nhiều người vì không có kinh tế nên chấp nhận rời xa nội đô, về khu vực này để mua nhà rẻ.

 Giờ đây, ngoài nhóm người trên thì không ít người có điều kiện kinh tế tốt, chấp nhận mua nhà ở xa nội đô dù giá đắt đỏ để hưởng những tiện ích về sinh hoạt và không gian sống nhiều cây xanh trong các khu đô thị, khu biệt thự, nhà liền kề. Tuyến đường Đại lộ Thăng Long vì thế ngày càng trở nên đông đúc", anh Chung nói.

Theo anh Chung, trước đây, anh chỉ mất 5-7 phút di chuyển bằng ô tô hoặc 15 phút di chuyển bằng xe máy để đi làm ở công ty gần Big C Thăng Long (đường Trần Duy Hưng). Tuy nhiên, vài ba năm gần đây khi dân cư đông đúc, nhiều lần, anh mất cả tiếng đồng hồ mới tới được nơi làm.

"Không phải do lễ tết, mưa rét hay công trường thi công, nhiều khi đường tắc vì quá nhiều xe cộ, ý thức người tham gia giao thông chưa cao.

Các phương tiện di chuyển trên Đại lộ Thăng Long đa số đều gặp tình trạng tắc kiểu "thắt cổ chai". Lượng phương tiện đổ vào nội đô quá lớn, điểm tắc thường là điểm dừng đèn đỏ giao cắt với trục đường khác hay hầm chui Trung Hòa", chị Thu Thủy (nhà ở Dương Nội, Hà Đông) cho hay.

Anh Chung, anh Tuệ hay chị Mai, chị Tâm… là những người dân có trải nghiệm chân thực nhất về tình hình giao thông khi di chuyển từ cửa ngõ phía Tây vào nội đô. Khi ngày càng có nhiều tòa nhà, khu chung cư mọc lên hai bên trục đường này, họ cảm thấy nhọc nhằn hơn mỗi lần đi làm ở nội đô.

Mua nhà trăm triệu/m2 ven đô trốn khói bụi, người Hà Nội ám ảnh tắc đường - 5

Đại lộ Thăng Long thường xuyên xuất hiện các hoạt động thi công (Ảnh: Minh Quang).

Đại lộ Thăng Long được mệnh danh là một trong những "đại lộ hiện đại" nhất Việt Nam, nối cửa ngõ phía Tây với các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình. Đại lộ Thăng Long có 2 dải đường cao tốc (4 làn xe) và 2 dải đường đô thị.

Đại lộ Thăng Long đi qua hàng loạt khu đô thị lớn như Vinhomes Green Bay Mễ Trì, Mễ Trì Thượng, Vinhomes Smart City, Geleximco, Bắc An Khánh, Nam An Khánh...  

Những năm đầu, việc lưu thông qua đại lộ này không đến nỗi, nhưng kể từ khi các khu đô thị ở phía Tây Nam Thủ đô mọc lên, Đại Lộ Thăng Long được mở rộng nhưng lại dần trở thành lối đi về chật vật của không ít người dân sinh sống dọc trục đường này.

"Vòng quanh thành phố" để đi làm

Sinh sống trong ngôi nhà nhỏ tại Long Biên, Hà Nội, chị Thu Phương (32 tuổi) cảm thấy khá dễ chịu bởi xung quanh có nhiều cây xanh, đường sá đi lại thông thoáng.

Tuy nhiên, để có được cảm giác thư thái này, chị Phương phải "đánh đổi" bằng những phút giây di chuyển ròng rã trên đường khi đi làm từ Long Biên tới cơ quan ở phường Yên Hòa, Cầu Giấy. Không ít lần, chị Phương mất 2 tiếng đồng hồ mới về đến nhà vì cầu Vĩnh Tuy bị tắc cứng.

Mua nhà trăm triệu/m2 ven đô trốn khói bụi, người Hà Nội ám ảnh tắc đường - 6

Chị Phương phải tính toán giờ ra khỏi nhà để tránh các điểm tắc khi đi qua đường Láng - Ngã Tư Sở (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Giờ làm việc của tôi bắt đầu lúc 8h và kết thúc lúc 17h30. Tuy nhiên, tôi thường đi làm lúc 6h và về đến nhà lúc 19h.

Nếu đi làm qua tuyến cầu Vĩnh Tuy - vành đai 2 trên cao - đường Láng (khoảng cách 15km), tôi phải rời khỏi nhà trước 6h, bởi chỉ cần đi muộn 15 phút là đường Láng sẽ tắc cứng. Nếu xuất phát đúng giờ, tôi chỉ mất 45 phút lái ô tô. Nhưng nếu đi muộn thì tôi có thể mất tới 1-2 tiếng trên đường", chị Phương kể.

Buổi chiều khi trở về nhà, chị Phương thường di chuyển theo trục Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - đường 5 - cầu Đông Trù (khoảng cách 25km) để tránh các điểm tắc nghẽn ở đường Láng. Tuy đi xa hơn nhưng thời gian di chuyển thường chỉ hết khoảng 1 tiếng đồng hồ. 

"Nghe chị tôi kể về lộ trình vòng vèo ấy, nhiều đồng nghiệp nói vui "mỗi ngày, tôi phải đi quanh thành phố" để đi làm", chị Phương nói.

Theo chị Phương, ám ảnh nhất với chị là những ngày trời mưa, bởi đường vốn đã tắc sẽ càng thêm tắc. Có ngày trời mưa, dù hoàn thành công việc lúc 18h nhưng chị Phương quyết định nán lại cơ quan tới 20h mới ra về vì tra cứu trên Google Maps, mọi con đường đều chuyển màu đỏ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm