DNews

Tắc đường ở Hà Nội: Dậy từ 5h đi biếu quà, lê lết ngày 8 tiếng trên đường

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Nhiều hôm, chị Hà đi làm lúc 5h và về nhà lúc 20-21h vẫn không thoát được cảnh nghẹt thở vì tắc đường. Một ngày nữ nhân viên văn phòng này có thể mất 7-8 tiếng ở trên đường.

Tắc đường ở Hà Nội: Dậy từ 5h đi biếu quà, lê lết ngày 8 tiếng trên đường

Đường tắc không lối thoát

5h sáng 2/2, sau khi sửa soạn mâm lễ đơn giản để cúng ông Công, ông Táo, chị Nguyễn Minh Hà (Hoài Đức, Hà Nội) tất tả đi làm. Sáng sớm, sương mù dày đặc, chị Hà cố lái xe cẩn thận để di chuyển vào nội đô.

Lý giải về nguyên nhân phải đi làm từ sớm tinh mơ, chị Hà cho hay, chị là nhân viên truyền thông của một công ty lớn. Khoảng gần một tuần nay, chị không làm việc ở văn phòng mà chạy đôn chạy đáo khắp nơi lo công tác đối ngoại, biếu quà các đơn vị đối tác, khách hàng…

Tắc đường ở Hà Nội: Dậy từ 5h đi biếu quà, lê lết ngày 8 tiếng trên đường - 1

Nhiều tuyến đường ở Hà Nội ùn tắc dù không phải giờ cao điểm (Ảnh: Trần Thanh).

Đường sá cuối năm luôn trong tình trạng kẹt cứng, không lối thoát dù không phải khung giờ cao điểm. Điều này khiến chị Hà thấy mệt mỏi, kiệt sức mỗi lần ra đường.

Nữ nhân viên văn phòng này kể: "Bình thường tôi đi làm lúc 7h30, mất 45 phút đến cơ quan. Những ngày này, tôi đều phải đi sớm hơn. Cuối năm mọi người đổ dồn đi mua sắm, biếu Tết nên mọi ngả đường lúc nào cũng đông đúc.

Mấy ngày đầu, tôi còn có ô tô công ty đưa đi tặng quà, nhưng sau đó thấy di chuyển xe máy nhanh hơn nên mấy chị em trong phòng chia nhau đi. Đối tác của công ty thì ở khắp Hà Nội mà đi đến đâu thì cũng thấy tắc đường".

Tuần này rút kinh nghiệm, chị Hà dậy sớm từ 5h sáng sau đó đến nhận quà ở cơ quan rồi di chuyển đến nhà riêng hoặc cơ quan của đối tác, khách hàng. "Năm nay, sếp tôi yêu cầu đặt các món ăn truyền thống như bánh chưng, giò, đồ khô măng, miến… rồi đóng thành gói quà.

Tắc đường ở Hà Nội: Dậy từ 5h đi biếu quà, lê lết ngày 8 tiếng trên đường - 2

Ra đường những ngày này với nhiều người là nỗi ám ảnh (Ảnh: Nguyễn Hải).

Chính vì vậy, chúng tôi càng thêm vất vả khi quà phải nhận từ sớm để đảm bảo độ tươi ngon, sau đó biếu ngay trong ngày. Nhiều hôm đi từ 5h đến 20-21h vẫn chưa thoát cảnh nghẹt thở vì tắc đường. Cả ngày có khi 7-8 tiếng tôi lê lết trên đường", chị Hà thở dài nói.

Gần 2 tuần nay, anh Vũ Tuấn Đức (35 tuổi) thường mất 1-1,5 tiếng mỗi chiều di chuyển khi đi từ nhà ở ga Nhổn (quận Bắc Từ Liêm) lên công ty ở Liễu Giai (quận Ba Đình).  

Quãng đường 10km đã xa lại càng thêm xa khi lộ trình đường 32 - Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Xuân Thủy - Cầu Giấy - Nguyễn Khánh Toàn - Đào Tấn đông từ sáng đến chiều. Nhiều đoạn anh Đức đứng im cả gần chục phút đồng hồ.

"Nhìn con đường không còn một chỗ trống, ai cũng ngao ngán. Nhiều người không đủ kiên nhẫn còn tạt qua bên kia đường, đi ngược chiều. Đi làm những ngày này quả là cực hình", anh Đức nói.

Tắc đường ở Hà Nội: Dậy từ 5h đi biếu quà, lê lết ngày 8 tiếng trên đường - 3

Vào các khung giờ chiều tối, nhiều đoạn đường tắc nghẽn nghiêm trọng hơn (Ảnh: Hồng Anh)

Dân văn phòng chia sẻ kinh nghiệm "thoát tắc 3 sớm"

Chị Phương Thảo (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể tình trạng kẹt xe trên đường Nguyễn Trãi: "Buổi sáng nhiều đoạn tắc đến 11-12h, chiều chưa đến 16h xe đã ken cứng, kéo dài cả cây số".

 Nhiều ngày nay, để kịp chấm vân tay và không phải nộp phạt vì đi muộn, chị Thảo thường đi làm sớm hơn bình thường 30 phút. Thay vì ăn sáng ở nhà, chị Thảo mua đồ ăn đến cơ quan hoặc ăn quán bún, phở ở gần nơi làm việc.

 "Cứ đến gần Tết, mỗi ngày tôi lại mất 2-3h đồng hồ trên đường. Bình thường đường đã tắc, đến Tết lại càng tắc hơn", anh Vũ Văn Tuấn kể về hành trình đi làm hơn 15km từ  Thanh Trì đến Trần Duy Hưng (Đống Đa).

Sau những "trận" tắc đường, đặc biệt là vào những ngày mưa, dịp lễ, Tết, anh Tuấn rút ra "kinh nghiệm thoát tắc 3 sớm": Phải đi làm sớm hẳn, về thì về muộn hẳn, buổi tối đi ngủ sớm, sáng dậy sớm thì sẽ thoát tắc đường. "5h30 tôi dậy, 6h ở nhà đi, rất thong dong mà không sợ tắc đường", anh này cho hay.

Tranh thủ những ngày nghỉ trước dịp Tết, Đoàn Văn Huy (sinh viên Đại học Luật Hà Nội) cài đặt ứng dụng xe ôm công nghệ nhận chở khách để kiếm chút tiền về quê tiêu Tết. Những ngả đường kẹt cứng dường như là thử thách với một tài xế tay non như Huy. 

"Chạy xe ban ngày đông khách nhưng vì đường tắc nên tôi cũng không đi được nhiều chuyến. Nghe lời một tài xế kinh nghiệm, tôi chuyển sang chạy xe sớm hẳn. Hàng ngày tôi dậy lúc 4h để mở ứng dụng nhận khách", Huy kể. 

Nhu cầu đi lại, mua sắm, biếu xén khiến giao thông ùn tắc

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia giao thông quy hoạch Phan Lê Bình, giảng viên Đại học Việt - Nhật cho hay, lượng người, phương tiện tham gia giao thông vào dịp cận Tết tăng vọt là do nhiều nguyên nhân. Nhu cầu mua sắm các loại hàng hóa, đặc biệt là những món đồ liên quan đến Tết Nguyên đán 2024 tăng hẳn so với ngày thường.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình muốn hoàn thiện nốt những việc còn dang dở trước khi đón năm mới như xây, sửa nhà, sắm mới đồ đạc nên việc vận chuyển nguyên vật liệu, đồ nội thất cũng gia tăng áp lực lên giao thông.

Đặc biệt, nhiều cá nhân, doanh nghiệp cũng tổ chức đi biếu, tặng quà nên lượng người đổ ra đường càng lớn. Không chỉ cá nhân, đơn vị ở Hà Nội mà còn có nhiều đơn vị ở các tỉnh thành khác cũng đổ về Thủ đô tặng quà Tết.

"Vào dịp cuối năm âm lịch, nếu để ý sẽ thấy ô tô biển số ngoài Hà Nội tăng hẳn so với ngày thường. Điều này cũng tạo thêm gánh nặng cho mạng lưới đường bộ hiện có. Vậy nên, vấn đề ùn tắc cuối năm là tất yếu, không thể tránh được", chuyên gia Phan Lê Bình chia sẻ.

Có ý kiến cho rằng, các hệ thống giao thông công cộng như đường sắt trên cao, xe buýt BRT chưa phát huy được vai trò và giúp giảm ùn tắc ở Hà Nội, nhất là trong dịp cuối năm. Tuy nhiên, ông Phan Lê Bình cho rằng, điều này chưa hoàn toàn đúng.

Chuyên gia này lý giải: Phương tiện giao thông công cộng chủ yếu phục vụ hành khách di chuyển, đi học, đi làm. Dịp cận Tết, dù giao thông công cộng có vận hành tốt thì cũng không thể gánh được áp lực giao thông do tăng đột biến do các nhu cầu vận chuyển hàng hóa, mua sắm, biếu xén…

Để giảm thiểu tình trạng tắc đường dịp cuối năm, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, bên cạnh các giải pháp liên quan đến quy hoạch lâu dài (hạ tầng, giãn dân, giảm mật độ xây dựng nội đô…), điều quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức chấp hành các quy định và Luật giao thông.

Tắc đường ở Hà Nội: Dậy từ 5h đi biếu quà, lê lết ngày 8 tiếng trên đường - 4

Lực lượng chức năng căng mình phân luồng giao thông dịp Tết Nguyên đán 2024 (Ảnh: Hồng Anh).

"Dịp cuối năm vì ùn tắc nên nhiều người, đặc biệt là những người đi xe máy gần như bỏ qua các quy tắc về giao thông. Nhiều cá nhân sẵn sàng vượt đèn đỏ, lấn làn, tạt đầu ô tô để chen lên phía trước. Chính những hành vi này góp phần tạo ra ùn tắc giao thông không đáng có.

Ùn tắc là điều khó tránh nhưng nếu mỗi người khi ra đường vẫn tuân thủ các quy tắc giao thông thì vẫn có thể lưu thông được với tốc độ dù chậm nhưng bớt mệt mỏi và rút ngắn được thời gian trên đường.

Việc vượt đèn đỏ, lấn làn có thể giúp một vài cá nhân giải quyết được vấn đề nhất thời nhưng gây ảnh hưởng rất lớn đến mạng lưới giao thông xung quanh", ông Bình chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia này, cảnh sát giao thông ngoài đảm bảo công tác phân luồng cũng nên chú trọng phát hiện và xử phạt những trường hợp không tuân thủ Luật giao thông để cảnh tỉnh, nâng cao ý thức người dân, phần nào giúp giảm tình trạng ùn ứ không đáng có.