Mẹ Việt tại Philippines kể về hành trình sinh con dưới nước đầy xúc động

(Dân trí) - Khi Mai Linh bắt đầu những cơn gò dồn dập, cô được các bác sỹ đưa vào phòng sinh cá nhân, chồng cô bắt đầu bơm hơi và dẫn nước vào bồn; Linh bật nhạc thiền, ngồi trong bồn nước ấm, lắng nghe từng chuyển động của con trong cơ thể…

Ngay từ khi mang thai ở tuần thứ 4, Mai Linh (25 tuổi, giáo viên Yoga) hiện sống ở Philippines đã ấp ủ kế hoạch sinh con bằng phương pháp sinh dưới nước. Cô nêu ý tưởng với chồng và được anh ủng hộ.

“Phương pháp sinh trong nước với tư thế ngồi xổm hoặc quỳ bò, đốt xương cụt sẽ được mở hết cỡ, giúp người mẹ dễ dàng rặn em bé, giảm thiểu đau đớn.

Đặc biệt, trong môi trường nước ấm 37 độ C, gần giống với nước ối trong bụng mẹ, em bé khi sinh ra, được từ từ nhấc lên khỏi mặt nước sẽ thấy nhẹ nhàng, không quá sốc, hoảng sợ và cảm thấy an toàn hơn”, Mai Linh chia sẻ.

Mẹ Việt tại Philippines kể về hành trình sinh con dưới nước đầy xúc động - 1

Trước khi sinh con, Linh giữ tâm bình an, học cách lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn 

Để chuẩn bị cho quá trình sinh nở, Mai Linh dành thời gian đọc rất nhiều tài liệu về phương pháp sinh con này. Cô cũng xem video, tham khảo các câu chuyện các mẹ đã sinh trước đó để nắm rõ quy trình, những diễn tiến trong ca sinh.

Mẹ Việt tại Philippines kể về hành trình sinh con dưới nước đầy xúc động - 2

Để chuẩn bị cho quá trình sinh nở, Mai Linh dành thời gian đọc rất nhiều tài liệu về phương pháp sinh con này. Bản thân chồng Linh chính là người mua bồn nước, bơm hơi... hỗ trợ vợ trong quá trình sinh nở

Khi bước vào tuần thứ 37 của thai kỳ, Mai Linh và chồng soạn kế hoạch về việc sinh con dưới nước, để gửi đến bệnh viện và các bác sĩ trưởng khoa sản, phụ trách ca sinh của mình.

“Ban đầu, các bác sỹ khá bối rối khi nghe nguyện vọng của hai vợ chồng bởi trước đó có 2 trường hợp sinh con theo phương pháp này đã thất bại, phải chuyển sang sinh mổ. Tuy nhiên, về sau bệnh viện rất nhiệt tình hỗ trợ, bàn bạc kỹ với gia đình để chuẩn bị tốt nhất cho ca sinh”, Linh kể.

Cặp đôi cũng tự mình sắm sửa các dụng cụ cần thiết như: bồn nước bằng hơi, bơm hơi, cục làm nước ấm, ống nước… Hai giờ sáng ngày 4/8, khi ở tuần 41, Linh bắt đầu những cơn chuyển dạ đầu tiên. Khoảng 4 giờ sáng, khi những cơn gò dồn dập hơn, cô được chồng chở đến bệnh viện. Lúc này, tử cung của Linh đã mở 4 phân, các bác sỹ tiến hành thăm khám và theo dõi sát các cơn gò.

6 giờ sáng, Linh được chuyển đến phòng sinh cá nhân. Chồng Mai Linh bắt đầu bơm hơi cho bồn nước, dẫn nước vào bồn. Khi những cơn gò giảm còn 1-2 phút một lần, cô được đưa vào bồn với nước ấm 37 độ C, lưu thông liên tục. Bệnh viện bố trí 2 bác sỹ và 6 y tá, điều dưỡng trong phòng để hỗ trợ hai mẹ con.

Linh bật nhạc thiền, chọn tư thế bò (tư thế con mèo) để sinh con, cô cố gắng giữ tâm thế thoải mái nhất, lắng nghe cơ thể mình. Chồng Linh cũng túc trực bên cạnh, liên tục động viên vợ. Các bác sỹ hô: “1, 2, 3 push”, hướng dẫn cô rặn theo các cơn gò, Linh bình tĩnh, cố gắng cảm nhận từng chuyển động của con, em bé chào đời ngay sau đó, nặng 3,45kg.

Mẹ Việt tại Philippines kể về hành trình sinh con dưới nước đầy xúc động - 3

Sau khi tham khảo các phương pháp, Linh và chồng quyết định chọn cách sinh con dưới nước tại một bệnh viện Philippines.

Chồng Linh là người bế em bé từ dưới nước lên, áp vào ngực mẹ. Điều đặc biệt, bé không khóc mà mở to đôi mắt, chớp chớp nhìn mẹ rất đáng yêu. Khoảnh khắc lần đầu tiên được ôm con vào lòng, Mai Linh cảm thấy vỡ òa hạnh phúc.

“Mọi thứ diễn ra rất nhanh, mình không cảm thấy đau đớn gì, chỉ cảm nhận sự xúc động vỡ òa và niềm hạnh phúc ngọt ngào không thể diễn tả bằng lời”, Mai Linh tâm sự.

Mẹ Việt tại Philippines kể về hành trình sinh con dưới nước đầy xúc động - 4

Khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình Linh khi chào đón người con đầu lòng

 Các bác sỹ sau đó tiến hành đo đạc và thăm khám, chồng Linh là người trực tiếp cắt dây rốn cho con. Lúc này, bé bắt đầu cất tiếng khóc đầu tiên. Ca sinh nở diễn ra thành công, Mai Linh sau đó được lấy nhau thai rồi chuyển về phòng chăm sóc và hồi sức. Khoảng 7 giờ tối cùng ngày, hai mẹ con được xuất viện về nhà.

Mai Linh cho biết, sức khỏe của hai mẹ con đều tốt, bản thân cô cảm thấy rất thoải mái. Trong quá trình sinh con, cô chỉ đau bởi các cơn gò chứ khi rặn sinh thì không đau đớn.

“Kinh nghiệm của mình là các mẹ khi chuẩn bị sinh con hãy lấy niềm tin bởi những câu chuyện sinh con nhẹ nhàng, tích cực. Cần chuẩn bị chu đáo từ khi mang thai, mẹ bầu cũng cần giữ tâm bình an, học cách lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn, vận động nhẹ nhàng, ăn uống lành mạnh.

Đặc biệt, cần tìm hiểu kiến thức thai sản, quá trình sinh con, chuyển dạ… Khi đã trang bị tốt về sức khỏe, kiến thức thì ca sinh sẽ dễ dàng, nhẹ nhàng và không còn khó khăn gì”, Mai Linh nói.

Sinh con dưới nước là phương pháp sinh nở khá phổ biến ở các nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ, Nga… Ngoài cảm giác bớt đau đớn khi chuyển dạ, phương pháp sinh con này còn được cho là tạo môi trường quen thuộc cho thai nhi khi chào đời.

Theo các chuyên gia, khi áp dụng bất cứ phương pháp sinh nở nào, các mẹ bầu cần thăm khám, trang bị kiến thức và nhận sự tư vấn, hỗ trợ từ đội ngũ của người có chuyên môn.

Hà Trang