Mất ngủ vì rượu thuốc

Giấc ngủ đến nhanh hơn nhưng không sâu, hay mộng mị và tỉnh dậy lúc 4-5h sáng là những điều chị Hằng phải đối mặt gần đây. Tất cả cũng bởi chị trị chứng mất ngủ sai cách.

Chị Nguyễn Minh Hằng, ở Bắc Ninh, năm nay 42 tuổi. Từ khi bước sang tuổi tứ tuần, giấc ngủ của chị có vẻ không còn sâu như trước. Đây thực sự là một trở ngại cho chị, bởi lâu nay, giấc ngủ chính là “thần dược” để chị có sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái và làn da không bị nhăn nheo.


Việc đều đặn uống ly rượu thuốc khi không phải là người uống rượu nhiều đã khiến cơ thể chị Hằng phải chịu những bất ổn. Ảnh minh họa.

Việc đều đặn uống ly rượu thuốc khi không phải là người uống rượu nhiều đã khiến cơ thể chị Hằng phải chịu những bất ổn. Ảnh minh họa.

Sang tuổi tứ tuần, chuyện “vợ chồng” đối với chị không còn là một khao khát mạnh mẽ. Ăn uống tuy không giảm về số lượng nhưng cảm giác ngon miệng cũng bớt. Đặc biệt, chị thấy uể oải, mệt mỏi vào những ngày gần đến kỳ kinh nguyệt. Chị dễ cáu gắt với con cái, thậm chí buông những lời mắng mỏ dữ dằn với con hơn.

Ai cũng bảo chị, đến độ tuổi tiền mãn kinh thì tính khí và chất lượng sống cũng dễ bị suy giảm. Nhưng chị lo lắng vô cùng, vì mới hơn 40 tuổi mà chị không tự kiểm soát được cuộc sống của mình, để tuổi tác nhấn chìm là điều không thể được. Chị mày mò tìm cách thay đổi cuộc sống.

Không làm theo lời khuyên của mọi người như chọn lấy một môn thể dục phù hợp để gắn bó, chị Minh Hằng lại chọn cách mỗi tối trước khi đi ngủ uống một ly rượu thuốc có tác dụng an thần. Chị tin rằng rượu có thể giúp chị đi vào giấc ngủ nhanh hơn, ngủ sâu hơn.

Gần 1 tháng sau, chị vẫn không cảm thấy điều mong ước đó của mình thành sự thực. Giấc ngủ đến nhanh hơn nhưng không sâu, hay mộng mị và tỉnh dậy lúc 4-5h sáng. Điều này kéo theo một ngày làm việc sau đó của chị uể oải hơn.

Chị dành một ngày thứ 7 để đi khám tổng quan sức khỏe. Một số chỉ số máu của chị có dấu hiệu vượt ngưỡng, chớm bệnh mỡ máu song chưa phải dùng thuốc. Khi chị đề cập đến giấc ngủ không ngon của mình và chứng ngáy nhiều hơn liệu có liên quan đến ly rượu thuốc chị uống ban đêm không, bác sĩ tỏ ra rất ngạc nhiên vì giải pháp của chị.

Bác sĩ cho rằng, ở tuổi trung niên, dễ ngủ không ngon giấc. Với người không uống rượu nhiều như chị Hằng, cơ thể phụ nữ khá mẫn cảm, giờ lại đều đặn uống ly rượu thuốc, cơ thể không bất ổn mới lạ. Rượu vốn không tốt cho hệ thần kinh nên nếu uống rượu, nó sẽ phá vỡ trình tự, diễn biến của giấc ngủ bình thường chứ không hề nâng cao chất lượng giấc ngủ.

Đó là chưa kể, uống rượu trước khi đi ngủ có khả năng gây hại cho dạ dày, gan. Khi đi ngủ, quá trình trao đổi chất của cơ thể giảm xuống thấp nhất, chức năng giải độc của gan giảm, co bóp của dạ dày cũng giảm nên rượu sẽ không được bài tiết nhanh mà ngấm vào các bộ phận trong cơ thể. Lâu dần sẽ tích tụ, phá các cơ quan nội tạng.

Vì thế, bác sĩ đề nghị chị dừng ngay việc uống rượu thuốc trước khi đi ngủ, mà thay vào đó vận động nhẹ nhàng cho cơ thể thoải mái để có thể đi vào giấc ngủ tốt hơn.

Theo Phụ nữ Việt Nam