ĐBSCL:
Lũ miền Tây như bức tranh “mặt khóc, mặt cười”
(Dân trí) - “Bà con sống ngoài đê bao đang cuống cuồng chạy lũ. Còn những hộ sống trong đê bao, họ vừa thu hoạch vụ lúa Thu Đông xong, chuẩn bị xuống giống vụ Hè Thu. Tôi thấy lũ miền Tây giống như bức tranh mặt khóc mặt cười”, một nông dân xã Phú Hội, huyện An Phú chia sẻ.
Lũ miền Tây hay còn gọi là mùa nước nổi, hàng năm bắt đầu từ tháng 7 kéo dài đến tháng 11. Đỉnh điểm mùa lũ thường rơi vào tháng 9, tháng 10. Bước sang tháng 11 nước rút dần, bà con làm đất, xuống giống vụ lúa Đông Xuân.
Khi lũ về, hai tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long bị ảnh hưởng nhiều nhất là tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Đến khoảng tháng 9, tháng 10 một số tỉnh hạ nguồn như TP Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang… mới bị ảnh hưởng.
Vào những năm 80, 90 và những năm đầu 2000, khi các tỉnh An Giang, Đồng Tháp chưa làm hệ thống đê bao trồng lúa vụ 3 như hiện nay, mùa lũ về hầu như tất cả các cánh đồng của các tỉnh này chìm trong biển nước. Có nơi mực nước dâng cao từ 2-4m và thời gian ngập kéo dài trên dưới 2 tháng. Khí đó, cá tôm, cua, ốc… nhiều vô số kể, người dân được mùa khai thác thủy sản.
Hiện nay, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và nhiều tỉnh hạ nguồn đều có hệ thống đê bao kiên cố, đảm bảo trồng lúa vụ 3 ăn chắc. Hai tỉnh này, chỉ còn một diện tích nhỏ nằm ngoài đê bao, ngành chức năng khuyến cáo mỗi năm xuống giống hai vụ lúa, tuy nhiên bà con không đành lòng để đất trống, “lén” trồng thêm vụ màu hoặc trồng lúa vụ 3. Tuy nhiên, những năm lũ về sớm như năm nay, nhiều hộ đã mất trắng.
Vào thời gian này, đến những huyện đầu nguồn của An Giang, Đồng Tháp, nếu đi trong vùng đê bao sản xuất lúa vụ 3, chẳng biết là mùa lũ. Bởi những cánh đồng khô rang, lúa chín vàng. Có nơi bà con đang tất bật thu hoạch lúa Hè Thu, nơi khác người dân đang chuẩn bị xuống giống vụ 3. Trong khi đó, ở vùng ngoài đê bao, nhiều hộ dân “vắt chân” chạy lũ, vì nước ngoài đồng ngập đến tận cổ.
Ông Nguyễn Văn Hùng – xã Phú Hội, huyện An Phú, nói: “Lũ miền Tây giống như bức tranh “mặt khóc mặt cười”. Vì chú thấy đó, tụi tôi sống ngoài đê bao, mấy ngày qua cuống cuồng chạy lũ. Còn bên kia sông, bà con sống trong đê bao, họ đang vui vẻ thu hoạch lúa và còn chuẩn bị xuống giống vụ Thu Đông nữa”.
Theo ông Hùng, từ lâu người dân miền Tây đã biết "sống chung với lũ", vì người dân biết thời gian nào nước lên, nước lên đến đâu, kéo dài bao lâu... Những khó khăn, thuận lợi khi nước lũ về đối với đời sống, sản xuất, từ đó mà ứng phó, mà sống chung với nó.
Sau sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào, nước lũ về nhanh và sớm như năm nay, nhiều chuyên gia đề nghị ngành chức năng xem xét lại “số phận” lúa vụ 3 có nên làm hay không? Bỏ lúa vụ 3 để cho đất nghỉ, xả lũ vào đồng diệt cỏ, sâu, đón phù sa và cho tôm cá sinh sôi phát triển. Như vậy mùa lũ về có lợi cho dân, cho đồng ruộng nhiều vô số kể.
Cuộc sống, sinh hoạt của người dân sống trong vùng đê bao
Cuộc sống, sinh hoạt khó khăn của người dân sống trong vùng ngoài đê bao:
Các cánh đồng ngoài đê bao đã phủ một màu nước trắng xóa thế này
Theo dự báo, nước lũ năm nay diễn biến khó lường. Hiện mực nước lũ không ngừng dâng cao, nhiều địa phương đang tập trung ứng phó với lũ, đảm bảo an toàn, sản xuất cho người dân
Nguyễn Hành