An Giang:

Thăm làng nghề ở miền Tây chuyên làm đẹp trong nhà, ngoài phố…

Kỉnh Nhơn

(Dân trí) - Làng nghề bó chổi cọng dừa ở xã Vĩnh Chánh (huyện Thoại Sơn, An Giang) dù ở quy mô gia đình nhưng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân gắn bó với nghề , nhất là với chị em phụ nữ.

Nghề bó chổi cọng dừa xã Vĩnh Chánh được hình thành cách nay đã hơn 60 năm và được công nhận Làng Nghề vào năm 2010. Cụ Đặng Thị Ba (85 tuổi, ngụ ấp Tây Bình A) kể, cụ tự mày mò học bó chổi cọng dừa hồi năm cụ mới 20 tuổi.

Theo cụ Ba, chổi làm ra có hai loại: Loại lớn dùng để quét nhà, quét sân; loại nhỏ để quét bếp, quét cà ràng ông Táo. Ban đầu, cả xóm này chỉ có mình cụ biết bó chổi. Nhiều người thích đến nhờ cụ chỉ nghề. Dần dà, đến nay nhiều người bó chổi cọng dừa và phát triển thành làng nghề.

Thăm làng nghề ở miền Tây chuyên làm đẹp trong nhà, ngoài phố… - 1

Cụ Đặng Thị Ba  - người đầu tiên biết nghề bó chổi ở xã Vĩnh Chánh khi bà mới 20 tuổi.

Nghề bó chổi cọng dừa là nghề thủ công không mấy nặng nhọc nhưng cần lắm những đôi bàn tay khéo léo và tỉ mỉ nên rất phù hợp với khả năng vốn có của chị em phụ nữ và những người lớn tuổi.

Để làm ra được một cây chổi thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau như: kết từng lọn cọng dừa nhỏ để tạo mái, bện cán, đóng nêm điều chỉnh độ xòe của mái và vanh mái.

Nguyên liệu làm chổi chủ yếu là cọng dừa phơi khô, phần lớn được đặt mua ở Bến Tre và Miệt Thứ (Kiên Giang). Ngoài cọng dừa là nguyên liệu chính làm mái chổi ra thì cán chổi lại được làm bằng bẹ dừa chẻ nhỏ phơi khô, ốp bên ngoài bằng cật tre, cật trúc và bện chặt bằng dây gân hoặc dây chì (tùy loại) để sử dụng được bền và lâu hơn.

Thăm làng nghề ở miền Tây chuyên làm đẹp trong nhà, ngoài phố… - 2

Những người cao tuổi cũng có thể giúp vợ con việc chuẩn bị các phụ liệu

Thăm làng nghề ở miền Tây chuyên làm đẹp trong nhà, ngoài phố… - 3

Những nguyên liệu làm chổi dừa

Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đại diện làng nghề cho biết, hiện xã Vĩnh Chánh có trên 150 hộ theo nghề tập trung chủ yếu ở ấp Tây Bình A, đã tạo việc làm ổn định cho gần 300 lao động đa phần là chị em phụ nữ và người lớn tuổi. Mỗi ngày, một người thợ giỏi làm ra được khoảng 30 cây chổi thành phẩm, còn mấy chị tay ngang thì cũng làm được từ 12 - 15 cây/ngày. Thu nhập khá ổn định.

Sản phẩm của làng nghề làm ra vừa đẹp về kiểu dáng, vừa chất lượng nên rất được người sử dụng ưa chuộng. Các mối lái đặt hàng thu gom lâu dài theo định kỳ và có giao kèo thỏa thuận về giá cả hẳn hoi tùy theo thời điểm nên những người làm nghề ở đây rất an tâm, không phải lo sợ bị tồn đọng hàng nhốt vốn.

Thăm làng nghề ở miền Tây chuyên làm đẹp trong nhà, ngoài phố… - 4

Chị Lê Thị Thu Thảo đang thực hiện thao tác "vanh mái" để cho ra một cây chổi thành phẩm.

Thị trường tiêu thụ chổi cọng dừa Vĩnh Chánh không chỉ ở trong tỉnh mà còn tỏa khắp các tỉnh miền Tây như: Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long và ra tận Đồng Nai, Bình Dương. Những ngày cận Tết Nguyên đán hàng năm là thời điểm bận rộn nhất của làng nghề.

Ngoài các tỉnh trên, TP. Hồ Chí Minh là nơi tiêu thụ số lượng rất lớn sản phẩm của địa phương làm ra. Giá bán dao động từ 16.000 - 18.000đồng/cây chổi thường và 25.000 - 27.000đồng/cây chổi đặt.

"Với những hộ có vốn thì mua nguyên liệu về làm, còn những hộ không muốn đầu tư vốn thì bó gia công. Mỗi mái chổi như vậy được trả công 5.000đồng, thu nhập cùng tạm ổn.

Thăm làng nghề ở miền Tây chuyên làm đẹp trong nhà, ngoài phố… - 5

Những cây chổi thường thành phẩm bán tại địa phương có giá từ 18.000 - 20.000đồng/cây loại lớn và từ 8.000 - 10.000đồng/ cây loại nhỏ.     

Thăm làng nghề ở miền Tây chuyên làm đẹp trong nhà, ngoài phố… - 6

Chị Trần Thị Thiện (58 tuổi) có hơn 30 năm theo nghề chia sẻ: "Tôi vừa làm việc nhà, vừa dành thời gian bó chổi. Mỗi ngày bó cũng được tầm 15 cây, kiếm được từ 80 - 90.000đ tiền lời trang trải thêm các khoản chi phí trong gia đình. Còn những người thợ khác, việc nhà ít hơn, trẻ tuổi nhanh nhẹn hơn thì làm được gấp đôi số ấy. Nói chung, theo nghề này không làm giàu được nhưng cuộc sống cũng tạm ổn và khá nhàn hạ".

Nghề bó chổi cọng dừa rất phù hợp với chị em phụ nữ và cả những người lớn tuổi. Theo nghề tuy không giàu có nhưng đã có nhiều hộ gia đình nơi đây trở nên khá giả, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và có được cuộc sống ổn định.

Những người thợ bó chổi cọng dừa ở "Làng nghề bó chổi cọng dừa Vĩnh Chánh" tuy chưa phải là tài hoa nhưng đã góp phần tích cực trong việc lưu giữ nghề dân gian truyền thống của địa phương như lưu giữ những nét đẹp văn hóa vốn có đậm chất miền Tây Nam Bộ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm