Làng hương xứ Huế nhộn nhịp vào mùa Tết
(Dân trí) - Cứ mỗi dịp giáp Tết, làng hương Thủy Xuân ( thôn Trường Đá, phường Thủy Biều, TP Huế, TT Huế) lại tấp nập vào mùa để làm hương phục vụ người dân. Mùi hương trầm nồng nàn trong gió tạo vẻ rất riêng cho làng nghề thủ công có từ thời chúa Nguyễn.
Giá hương ở mức ổn định
Ngay từ đầu tháng chạp người dân ở làng hương Thủy Xuân đã nhộn nhịp làm hương để cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán.
So với năm trước, giá hương năm nay vẫn duy trì ở mức ổn định. Tùy vào loại hương mà có giá cả khác nhau. Hương trầm loại thông dụng giá 60.000/bó ( 1 bó = 100 cây hương), loại đắt nhất là 200.000/bó; hương quế thì có giá 30.000/bó.
Bà Nguyễn thị Bích Loan (50 tuổi, thôn Trường Đá, phường Thủy Biều) cho biết: “Mỗi mùa làm hương như vậy, trừ tổng chi phí thì gia đình dì thu lãi cũng được 50 đến 60 triệu đồng. Để tăng cường lượng hương phục vụ ngày Tết, một ngày nhà dì làm 20.000 cây, ngày nhiều nhất lên tới 30.000 cây”.
Với mức giá như vậy, một ngày người làm hương Thủy Xuân có thể kiếm được 200.000 đồng/người.
Bà Tôn Nữ Kiều Tuyết (phường Thủy Biều, Thủy Xuân) làm hương từ khi còn nhỏ, đến nay bước sang tuổi 60 vẫn cần mẫn với sản phẩm truyền thống của làng mình cho biết: “Dạo này khách đặt hàng nhiều lắm, có khi tôi làm không kịp đủ số lượng hương cho khách. Những ngày đầu tháng 12, sáng nào tôi cũng phải dậy sớm hơn trước để làm hương cho tới tận khuya mới được nghỉ tay”.
Thị trường hương nơi đây chủ yếu là khu vực Hà Nội và Sài Gòn và một số cơ sở trên địa bàn thành phố.
Tỉ mỉ trong từng công đoạn…
Để cho ra được những nén hương trầm ưng ý lại mang hương vị đặc trưng của người dân xứ Huế, phải trải qua nhiều công đoạn và cả sự kỳ công của người thợ. Một mẻ hương tốt, người thợ thường rất chú ý đến khâu tuyển chọn nguyên liệu, bao gồm: ngũ vị thuốc Bắc với quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi; ngoài ra còn kèm thêm cả vỏ quả bưởi rừng, hoa bưởi khô, quế, bạch đàn…
Phần lõi hương thường được làm từ ruột tre chẻ nhỏ, được phơi kỹ qua nắng, qua sương nhiều ngày trời để tre thật khô, thật giòn. Có vậy, khi đốt lên cây hương sẽ cháy đều, cháy đến tận chân hương, và tàn hương thì uốn cong mà không gãy ngang bất chợt.
Sau công đoạn phơi khô chân hương, người thợ sẽ tiến hành công đoạn tạo màu cho “chân hương”. Ngày trước, người Huế thường chỉ làm chân hương với màu “đỏ sẫm” là chủ đạo. Nhưng hiện nay, tham quan làng Hương, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp sự đa sắc của chân hương, nào đỏ tươi, gạch, xanh lá chuối, xanh đậm, vàng,tím… rất bắt mắt. Để có được màu sắc cho chân hương, người thợ sẽ hòa một lượng bột màu thích hợp trong nước sôi nóng , nhúng chân hương qua một vài lần, sau đó đem phơi khô lại lần nữa. Trong công đoạn tạo màu, người thợ cũng chú ý loại bỏ những chân hương có dấu hiệu ẩm mốc.
Sau đó, các thành phần sẽ được đem nhào vừa với nước sao cho hỗn hợp bột đạt độ “dẻo quánh” là có thể bắt đầu công đoạn se hương. Tuy nhiên, để tạo nên hương thơm khác biệt cho các mẻ hương lại tùy thuộc vào bí quyết của từng người thợ. Thường thì người thợ sẽ gia giảm các thành phần hương liệu theo một tỉ lệ thích hợp bằng phương pháp gia truyền. Điều mà nhiều người thợ giỏi thường nói rằng: “Sự đặc biệt về tỉ lệ chính là điều quan trọng nhất tạo cho sản phẩm có được hương thơm, độ bền nhất”.
Trước kia, làng hương hầu hết làm thủ công, nhưng hiện nay có máy móc hỗ trợ nên hiệu quả cao hơn khá nhiều. Mỗi ngày có thể làm được từ 20-25 kg hương mỗi ngày. Chị Tôn Nữ Hạnh ( 37 tuổi, số nhà 67 đường Huyền Trân Công Chúa) vừa cho hương vào máy vừa bộc bạch : “ Cách đây 5 năm, nhà tôi làm hương thủ công, một ngày tôi chỉ làm được 2000 cây. Từ khi có cái máy này, thì số lượng hương tăng lên hơn nhiều so với làm bằng tay, khoảng 10.000 – 20.000 cây/ngày.
Trong quá trình làm hương, người dân Thủy Xuân cũng gặp không ít khó khăn, nhất là vấn đề thời tiết. Chị Thanh, người làm hương lâu năm tâm sự:“Thời tiết năm nay không mấy thuận lợi cho việc làm hương. Nếu trời nắng thì lượng hương làm ra nhiều, hương nhanh khô và đẹp, còn mưa thì làm ít , hương dễ bị ẩm mốc”-.
Làng hương Thủy Xuân mang nét đẹp đặc trưng cho xứ Huế, là nếp sống văn hóa đẹp đã tồn tại lâu đời tại vùng đất cố đô linh thiêng, đã đem lại cho người Huế một sự thanh thản nhẹ nhàng, bình an trong tâm hồn. Mùa Xuân ở Huế do vậy cũng chính là mùa hội đoàn tụ huyết thống tâm linh của người dân xứ Huế để tôn vinh giá trị đạo đức cao đẹp của nhiều thế hệ đang sống với những người đã khuất.
Lý Triện- Đinh Huế