Lần đầu tiên các góa phụ Ấn Độ được tham dự lễ hội
(Dân trí) - Trước nay, các góa phụ Ấn Độ đều phải lánh mặt khỏi các lễ hội bởi sự hiện diện của họ bị xem là đem lại điều xúi quẩy. Nhưng năm nay, lần đầu tiên họ được xuống phố, tham dự lễ hội chào đón mùa xuân. Đã rất lâu rồi những vốc bột màu mới lại rơi trên áo sari của họ.
Lễ hội Holi ở Ấn Độ là một trong những lễ hội rực rỡ và nổi tiếng nhất thế giới. Năm nay, lễ hội chào đón mùa xuân ấy có một nét khác biệt nhân văn hơn, đó là lễ hội đã được tổ chức ở thành phố Vrindavan - nơi có hàng chục nghìn góa phụ.
Vrindavan ở Ấn Độ vốn được nhắc tới với cái tên “thành phố góa phụ”, nơi đây, các góa phụ cùng nhau tìm về nương náu sau khi chồng của họ qua đời. Ở Ấn, những người phụ nữ có chồng sớm qua đời bị cho là những người mang vận đen, họ phải chịu rất nhiều sự kỳ thị, định kiến từ gia đình nhà chồng và những người xung quanh.
Tại các sự kiện của cộng đồng, các góa phụ cũng chẳng thể tham gia bởi sự xuất hiện của họ bị cho là mang lại điều xúi quẩy. Để tránh khỏi những cách đối xử độc ác, các góa phụ thường tìm tới thành phố Vrindavan sinh sống bên nhau.
Nơi đây có rất nhiều đền thờ nên họ vừa có thể nương náu, vừa có được chút công việc, như chăm sóc, quét dọn đền thờ và nhận những sự giúp đỡ nhỏ bé từ các khách hành hương.
Cuộc sống của các góa phụ rất trầm lắng, họ sống không khác gì những người tu hành, và quanh năm chỉ ra vào các đền thờ, bản thân họ sau khi chuyển tới sống ở đây cũng rất sùng đạo và dành nhiều thời gian để chăm lo cho việc thờ phụng. Tuy vậy, năm nay, thành phố Vrindavan đã mời các góa phụ cùng tham gia vào lễ hội Holi chào đón mùa xuân.
Lễ hội vui tươi và rực rỡ sắc màu này lần đầu tiên đã có một sự đổi thay đầy tính nhân văn khi hàng triệu góa phụ trên khắp đất nước Ấn Độ và đặc biệt là hàng chục ngàn góa phụ ở thành phố Vrindavan, vốn thường phải tránh “ló mặt” tại các lễ hội, giờ đây đã có thể xuống đường hòa vào dòng người nhộn nhịp nhảy múa, hò reo, ca hát và vung lên những nắm bột màu…
Các góa phụ ở Ấn Độ đã phải lánh mặt khỏi các hoạt động lễ hội từ quá lâu, sự đổi mới lần này khiến nhiều người cảm thấy quá đỗi hạnh phúc: “Tôi vui lắm. Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia lễ hội Holi sau 12 năm sống tách biệt. Tôi rất vui, rất vui” - chị Samaddar mới ở tuổi ngoài 30 chia sẻ.
Những vốc bột màu đặc trưng của lễ hội Holi khiến chiếc áo sari màu trắng của chị Samaddar và những góa phụ khác trở thành những tấm vải rực rỡ sắc màu tươi vui.
Một tổ chức nhân đạo có tên Sulabh International đã đứng ra tổ chức lễ hội Holi cho các góa phụ sinh sống tại thành phố Vrindavan. Họ cùng tập trung tại sân đền thờ thần Krishna - vị thần được khắc họa vui tươi nhất trong các vị thần Hindu.
Đối với những góa phụ lớn tuổi, sau quá nhiều năm sống trầm lắng, tách biệt khỏi đời sống xã hội, họ cảm thấy không còn đủ tự tin để bước vào lễ hội Holi rực rỡ, sôi động, nhiều người chỉ chấm lên trán những đốm màu nhỏ. Tuy vậy, có không ít những góa phụ mạnh mẽ, ở đây, họ đang cùng cầu nguyện trước khi bắt đầu lễ hội.
Tổ chức nhân đạo Sulabh International đã được Tòa án Tối cao của Ấn Độ giao nhiệm vụ chăm sóc đời sống của các góa phụ, đặc biệt là các góa phụ ở thành phố Vrindavan, sau khi có những báo cáo cho thấy có nhiều góa phụ lâm vào cảnh cùng đường sau khi chồng mất, họ phải đi khất thực hoặc hành nghề mại dâm để kiếm sống.
Giờ đây, đời sống vật chất và tinh thần của các góa phụ Vrindavan đã có nhiều cải thiện. Những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống của họ được chăm sóc, họ nhận được 2.000 rupi mỗi tháng (gần 700.000 đồng) để mua những đồ dùng thiết yếu. Họ cũng được học cách làm hương và kết vòng hoa để có thể kiếm thêm thu nhập.
Ngoài ra, công việc chính trong ngày của họ là ngồi hát những bài thánh ca ngợi ca các vị thần để kiếm được 10 rupi mỗi ngày (gần 3.500 đồng). Độ tuổi của các góa phụ sống tại thành phố Vrindavan rất đa dạng, trải khắp từ 22-100 tuổi. Có những người đã bị gia đình bỏ mặc từ vài thập kỷ.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail