Lạ đời nghề “bới đen, tìm trắng” kiếm bạc triệu mỗi ngày ở Hà Nội
(Dân trí) - Từ một cửa hàng nhỏ trên phố Phù Đổng Thiên Vương, đến nay anh Dũng đã có 2 quán với 8 nhân viên chuyên về dịch vụ nhổ tóc bạc, công việc lạ đời này cũng mang lại nguồn doanh thu không hề nhỏ.
Nghề nhổ tóc bạc xuất hiện ở Hà Nội cách đây 10 năm và nhanh chóng trở thành một nghề “hot”, hái ra tiền. Anh Nguyễn Anh Dũng (SN 1980, Lò Đúc, Hà Nội) được biết đến là người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng kinh doanh lạ đời này. Từ một cửa hàng nhỏ trên phố Phù Đổng Thiên Vương, đến nay anh Dũng đã có 2 quán với 8 nhân viên chuyên về dịch vụ nhổ tóc bạc.
Bị chế nhạo vì ý tưởng “điên rồ”
Mỗi ngày cửa hàng anh Dũng mở từ 8 giờ sáng đến 6 chiều, giá của mỗi giờ nhổ tóc bạc dao động từ 90 – 100.000 đồng. Trong đó, khách đến tiệm chủ yếu là những người trung niên, ngoài mục đích làm đẹp họ đến đây còn để thư giãn, giảm stress sau những giờ làm việc căng thẳng.
Chia sẻ về mô hình kinh doanh độc đáo này, anh Dũng cho biết ý tưởng đến rất tình cờ. Cách đây 10 năm, trong một lần đi dạo phố, chứng kiến cảnh những người trung niên ngồi nhổ tóc bạc cho nhau trên vỉa hè, anh Dũng chợt nảy ra ý tưởng mở quán chuyên về dịch vụ này. Nghĩ là làm, ngay ngày hôm sau, anh viết đơn xin nghỉ việc đồng thời liên hệ tìm địa điểm để mở quán.
Thời điểm đó, anh Dũng vừa tốt nghiệp ĐH Thương Mại Hà Nội và đang làm việc cho một công ty nước ngoài với mức lương ổn định. Việc rẽ hướng sang kinh doanh của anh vấp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình, bạn bè.
“Nghe tôi nói mở dịch vụ nhổ tóc bạc, bạn bè phá lên cười chế nhạo trong khi bố mẹ giận tím mặt, không muốn nói chuyện cùng. Ai cũng nghĩ tôi “khùng” mới mở cái dịch vụ không giống ai trên đời”, anh Dũng hài hước nhớ lại.
Chủ cửa hàng này cho biết, thời gian đầu khó khăn nhất là khâu tuyển nhân viên và quảng cáo, tiếp thị dịch vụ. Do đây là lĩnh vực mới, ở Việt Nam chưa ai làm nên nhiều người lầm tưởng công việc liên quan đến các loại hình nhạy cảm, trá hình.
“Tôi đăng tuyển cả tháng không tìm được một ai, có người liên hệ với tôi thì lại hỏi có phải là trung tâm massage, thư giãn không? Khi tôi khẳng định công việc đơn thuần là nhổ tóc bạc cho khách, ngoài ra không làm gì khác thì tất cả đều lặng lẽ rút lui. May mắn sau đó, một cô bạn thân chơi cùng tôi đã đồng ý giúp đỡ và chấp nhận làm nhân viên cửa hàng”, anh Dũng kể.
Khi cửa hàng chuẩn bị khai trương, anh Dũng đến các tòa soạn nhờ đăng tin quảng cáo, tuy nhiên đi đến đâu anh cũng nhận được những cái lắc đầu từ chối. Chủ cửa hàng này kể: “Họ bảo, dịch vụ này nghe lạ quá, chưa có ai làm nên không thể xác thực. Một số thì thẳng thắn, gọi tôi ra bảo riêng, có ai rỗi hơi mà lại chỉ đi kinh doanh mỗi nghề nhổ tóc bạc, biết đâu sau đó lại là những dịch vụ trá hình thì sao? Chán nản, tôi bỏ về, sau đó tự mình viết thông tin, phát tờ rơi đến các con phố, người dân để tiếp thị dịch vụ”.
Làm giàu từ dịch vụ lạ đời
Thời điểm năm 2007, mỗi giờ nhổ tóc bạc ở cửa hàng anh Dũng có giá là 30.000 đồng. Trong 3 tháng đầu tiên, lượng khách đến rất thưa thớt. Nhiều người đi qua 5 – 6 lượt, mới dám ngập ngừng bước vào “nhổ tóc bạc”.
“Dù tôi lắp kính trong suốt từ ngoài vào trong, điện thắp sáng choang cả ngày nhưng nhiều khách vẫn rụt rè bước vào rồi lại bước ra. Có vị khách đến đây hỏi thẳng, ở đây có làm dịch vụ từ A đến Z không? Phải mất cả nửa năm sau đó, dịch vụ này mới được nhiều người biết đến, tin tưởng sử dụng và cho doanh thu đều đặn”, anh Dũng nói.
Đến năm 2009, anh Dũng đánh liều mở thêm cửa hàng thứ 2 ở đường Bưởi (Hà Nội). Thời gian đầu, đa số là khách nam, trung niên sử dụng dịch vụ nhưng hiện giờ rất đông khách nữ, người trẻ cũng tìm đến để “nhổ tóc bạc”. Không ít người trở thành khách quen của quán, cứ khoảng 2, 3 tuần lại phải đến một lần để “làm đẹp”.
Có lúc đông khách, nhân viên cửa hàng phải đứng 8 tiếng liên tục, làm không “xuể” tay. Cứ như thế, từ một ý tưởng được đánh giá là điên rồ đến nay, dịch vụ nhổ tóc bạc đã được nhiều người biết đến. Anh Dũng nhẩm tính, trung bình mỗi tháng doanh thu từ hai cửa hàng này cũng mang đến cho anh thu nhập khoảng 60 – 70 triệu đồng.
Nghề nhổ tóc bạc thoạt nhìn trông có vẻ đơn giản nhưng theo anh Dũng cũng đòi hỏi phải có kỹ năng riêng. Theo đó, người thợ phải tinh mắt, tỉ mỉ và khéo léo. “Đầu tiên phải kiểm tra tóc, phân loại hướng tóc mọc để có cách nhổ thích hợp, không làm khách đau. Sau đó, tùy theo sở thích của khách để xác định vùng nào nhổ trước, vùng nào nhổ sau”, anh Dũng nói.
Chị Hạnh, quản lý của quán và cũng là người có 10 năm kinh nghiệm trong nghề nhổ tóc bạc chia sẻ, nghề này rất “kén” người vì đơn điệu và dễ tạo cảm giác nhàm chán. “Rất nhiều người khi nhận việc thì hăng hái nhưng chỉ làm được 1, 2 ngày là bỏ việc. Làm nghề này, muốn gắn bó lâu dài phải tự tạo niềm vui, tìm sự hứng khởi trong công việc ”, chị Hạnh nói.
Nữ quản lý này cho biết, đối với một thợ nhổ tóc chuyên nghiệp, 1 giờ đồng hồ có thể nhổ được khoảng 600 – 700 tóc bạc. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc nếu chỉ tập trung nhổ tóc thì rất dễ buồn ngủ, thay vào đó có thể trò chuyện cùng khách để tạo không khí thoải mái, dễ chịu.
Gần 10 năm gắn bó với công việc này, chị Hạnh chia sẻ có những vị khách thân quen như người nhà, đều đặn tháng nào cũng đến để sử dụng dịch vụ. Thời gian nhổ tóc tùy từng đầu, người nhanh thì chỉ khoảng 30 phút là hết tóc bạc nhưng cũng có người mất cả 3 – 4 tiếng mới xong.
Chị Hạnh hài hước chia sẻ, rất nhiều vị khách bạc trắng mái đầu vẫn tìm đến dịch vụ “nhổ tóc” thay vì ra cửa hàng nhuộm lại đầu. “Nhiều khi cũng thắc mắc hỏi thì họ trả lời, nhổ tóc sâu mang lại cảm giác thư thái và rất dễ chịu. Với những trường hợp này thì chúng tôi chỉ tư vấn cho khách nhổ tóc ở những vị trí nhất định và nhổ tóc xấu, tóc ngắn mới mọc chứ không nhổ hết đầu”, chị Hạnh nói.
Trong khi đó, trò chuyện với PV, anh Tùng (42 tuổi) một khách hàng “ruột” ở quán cho hay, tháng nào anh cũng đến để sử dụng dịch vụ này. “Ban đầu cũng thấy lạ không tin vì nghề này mới quá nhưng đến đây nhổ tóc 1, 2 lần là “nghiền” luôn. Tháng nào, tóc sâu mọc lại mà không đi là cảm giác ngứa ngáy, rất khó chịu”, anh Tùng kể.
Hà Trang