Kỳ thú “báu vật tảo cầu” được bảo tồn nghiêm ngặt ở Nhật Bản
(Dân trí) - Marimo là một thuỷ sinh hiếm trong dòng tảo Aegagropila bởi nó phát triển thành những quả bóng lớn màu xanh lục và mịn như nhung. Nó là một báu vật tự nhiên và cũng được coi là thú cưng ở Nhật Bản.
Tảo Aegagropila linnaei luôn là một bí ẩn sinh học bởi sự phát triển hình cầu của nó. Tảo này sống chủ yếu ở Iceland, Scotland, Estonia và Nhật Bản với 3 dạng phát triển: hình sợi, hình dẹt trên đá hay hình cầu với đường kính có thể lên tới 40cm.
Kể từ nhiều thế kỷ qua, khi phát hiện ra sinh vật hình cầu này, nó đã trở thành niềm đam mê của nhiều nhà khoa học và những người yêu thích loài tảo.
Sự quý hiếm của chúng bắt nguồn từ việc chúng phát triển rất chậm, mỗi năm chỉ tăng trưởng khoảng 5mm và không sinh sản theo kiểu từ một quả bóng tách làm hai. Đặc biệt, tảo cầu chỉ có độ dày tối đa 5cm, tức là trong lòng nó hoàn toàn rỗng, để có thể đảm bảo quang hợp với ánh mặt trời.
Mực nước thấp trong hồ chính là điều kiện lý tưởng để tảo Aegagropila linnaei sinh trưởng tới kích thước khổng lồ và dưới đáy hồ Akan tràn ngập những quả bóng nước tuyệt đẹp này. Tất nhiên, hiện chúng được bảo tồn nghiêm ngặt, không ai được phép lấy chúng.
Trước đó, khi marimo trở thành tài sản quốc gia của Nhật Bản vào năm 1921, nhiều người bắt đầu vớt chúng ra khỏi môi trường tự nhiên để bán cho khách du lịch. Giá của một con marimo ở Tokyo ngày đó là 1.000 yen (tương đương khoảng trên 150 triệu VNĐ hiện nay). Tình hình ngày càng tệ đi khi nước hồ Akan bị rút cạn cho hoạt động công nghiệp, khiến hàng trăm con marimo bị chết.
Các nỗ lực bảo tồn marimo bắt đầu vào năm 1950, khi các bức ảnh về cái chết của marimo được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, gây sốc cho những người yêu mến chúng.
Hàng chục người đã mua những quả bóng nước này và đem thả chúng về môi trường tự nhiên. Để tôn vinh nghĩa cử cao đẹp này, lễ hội Marimo đầu tiên đã được tổ chức vào 7/10/1950 và vẫn tiếp tục cho tới ngày nay.
Hiện, marimo được bán như một món quà lưu niệm hay thú cưng nhưng chúng là dạng sợi tự nhiên được cuộn lại chứ không phải là các marimo hình thành tự nhiên do dòng chảy dưới đáy hồ. Tất nhiên, chúng vẫn rất mềm mại và giống hệt tự nhiên và có thể sống mãi nếu được chăm sóc đúng cách.
Một loại marimo khác là Knockoff marimo. Nó có “cốt" là một quả bóng nhựa và phủ một lớp tảo mỏng bên ngoài và thường được bán trong các cửa hàng lưu niệm.
Marimo cũng không cần phải chăm sóc cầu kỳ. tất cả những gì chúng cần là nước và không gian để có thể “lăn lộn" dưới ánh mặt trời.
Marimo cũng là một thú cưng ưa thích tại Nhật Bản. Đã có hơn 800.000 lượt tải phần mềm chăm sóc marino ở xứ sở Mặt trời mọc này.
Cho đến nay người ta cũng chưa biết tại sao loài tảo này lại phát triển dạng hình quả bóng. Một số người cho rằng đó là để ngăn loài cá không ăn chúng nhưng thực sự dạng tròn không phải là mối nguy hiểm với bất kỳ loài cá nào.
Số khác cho rằng hình dáng này giúp chúng di chuyển quay trở lại với nước khi bị cuốn vào bờ. Cuối cùng, có ý kiến cho rằng hình tròn là cách tốt nhất để chúng vệ sinh bề mặt mịn như nhung. Nhưng tất cả đến nay vẫn chỉ là giả thuyết.