Kỹ năng sống sót

Ở phương Tây, giáo dục gia đình và nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc rèn luyện các kỹ năng sống sót cho trẻ nhỏ. Việc bảo toàn mạng sống của mình, những ứng biến khôn ngoan để sống sót trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, khắc nghiệt, trong những sự cố bất ngờ là kỹ năng quan trọng bậc nhất, thậm chí còn quan trọng hơn cả việc học kiến thức.

Nhận thức về sự quý giá của cuộc sống, về giá trị của bản thân và sự tồn tại tối thượng của bản thân là nhận thức đầu tiên, rường cột để từ đó một đứa trẻ hiểu biết những giá trị khác xung quanh mình.

Những kỹ năng sống sót cần được dạy cho trẻ em từ khi còn
rất nhỏ

Những kỹ năng sống sót cần được dạy cho trẻ em từ khi còn rất nhỏ


Nhân câu chuyện vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước vừa xảy ra, một nỗi đau bàng hoàng của toàn xã hội, chợt suy ngẫm về vấn đề kỹ năng sống sót. Tất nhiên mọi điều đều quá muộn rồi. 6 con người vô tội đã vĩnh viễn bị tước đoạt mạng sống.

Bi kịch buồn đau xót xa đó nếu có để lại một chút gì hữu ích, có chăng là lời nhắc nhở mỗi chúng ta, rằng mỗi cá nhân cần phải trang bị những kiến thức, hiểu biết gì để mỗi khi gặp tình huống hiểm nguy cận kề, chúng ta có thể bình tĩnh ứng xử, có những kỹ năng xử lý tốt để giành được nhiều nhất khả năng sống sót.

Trên mạng xã hội, trên báo chí, rất nhiều người đã bày tỏ niềm tiếc nuối vô hạn trước thảm án này. Tiếc bởi những sơ hở không đáng có của gia đình nạn nhân, vô tình đã tạo điều kiện dễ dàng cho kẻ phạm tội gây án. Một gia đình đẳng cấp, làm ăn thành đạt, giàu có, nhưng họ lại có phần xem nhẹ những giải pháp, những kỹ năng tối thiểu để bảo vệ thành quả lao động của mình cũng như sự an toàn mạng sống cho các thành viên trong gia đình mình.

Rất nhiều quy tắc sống còn bị bỏ qua, cho thấy chủ nhà đã chưa nhìn nhận chuẩn xác về giá trị bản thân. Và câu chuyện đau lòng xảy ra thật là đáng tiếc. Ở phương Tây, và ở rất nhiều gia đình Việt Nam hiện nay, đặc biệt những gia đình trung lưu trở nên, có của ăn của để, có tài sản lớn, người ta thường trang bị nhiều kỹ thuật, kỹ năng cảnh giác tội phạm, đề phòng những bất trắc có thể xảy ra. Chẳng hạn như việc gắn camera xung quanh ngôi nhà của mình. Gắn thiết bị báo động tự động khi có người lạ đến gần khu vực nhà ở của mình.

Phòng ngủ của mỗi thành viên cũng thường gắn báo động tự động. Nhất là phòng ngủ của chủ nhà thường có camera giấu kín, chốt chặn bên trong. Bình xịt hơi cay là thứ thường có trong mỗi gia đình, thậm chí trong túi của những phụ nữ khi đi ngoài đường. Khi bị kẻ lạ mặt tấn công, sàm sỡ chẳng hạn thì nó là phương tiện hỗ trợ cực kỳ hiệu quả, tạm thời khống chế được kẻ gian và tăng cơ hội thoát thân, sống sót của người gặp nạn.

Quay lại câu chuyện vụ án ở Bình Phước, thật sự rất xót xa, đáng tiếc. Giá như chủ nhà tự trang bị cho gia đình mình những phương tiện có tính chất bảo vệ sự an toàn của gia chủ và các thành viên trong gia đình như camera, chuông báo động, bình xịt cay, cửa chống trộm tốt và hệ thống hơn thì khả năng sống sót của họ sẽ nhiều hơn.

Tuy nhiên, máy móc chỉ là một vấn đề, quan trọng là kỹ năng ứng xử của mỗi cá nhân trước hiểm nguy, để giành lấy nhiều nhất có thể cơ hội sống sót. Gia đình nạn nhân trong vụ án này, và chắc chắn là rất nhiều gia đình người Việt chúng ta chưa thực sự quan tâm đến những kỹ năng quan trọng này.

Cha mẹ không tự trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản để có thể bảo vệ tốt nhất tài sản gia đình cũng như tính mạng các thành viên trong gia đình. Bọn trẻ cũng không được dạy từ nhỏ các kỹ năng đó, để có một thói quen tốt, một phản ứng tự vệ tốt tự cứu mình khi gặp hiểm nguy.

Vì sao ở các nước phương Tây, trong giáo dục họ rất quan trọng việc đào tạo các kỹ năng cho trẻ em. Giáo dục thể chất cực kỳ được xem trọng. Trẻ em phải biết bơi từ rất sớm. Trong các giờ học thể chất, nhiều tình huống khó khăn được đặt ra để thử thách trí thông minh, kỹ năng mềm dẻo của một đứa trẻ để thoát khỏi tình huống đó. Thực chất câu chuyện giáo dục kỹ năng thoát hiểm là việc dạy cho đứa trẻ hiểu được sự quý giá của cuộc sống mình đang mang, đang có.

Vụ án ở Bình Phước là một nỗi đau. Không ai được quyền khai thác nỗi đau đó. Các nạn nhân đã yên nghỉ. Và mọi so sánh đều khập khiễng vì cuộc sống vốn phức tạp, mỗi câu chuyện đều chứa những zíc zắc phía trong của nó, không thể soi chiếu đơn thuần bằng lý trí. Nhưng thật lòng một người làm giáo dục như tôi chỉ muốn nhấn mạnh nhiều hơn về câu chuyện làm thế nào mỗi cá nhân có thể có khả năng sống sót nhiều hơn khi gặp nghịch cảnh.

Toàn xã hội nói chung và ngành giáo dục cũng như mỗi gia đình cần phải suy ngẫm nhiều hơn về câu chuyện kỹ năng sống sót này. Chúng ta hiểu rằng có những tai họa không thể lường trước, nhưng bằng những kỹ năng tốt, chúng ta có thể giảm thiểu được sự nguy hại của nó.

TS. Nguyễn Mai Phương
Theo Công An Nhân Dân