Hơn 1.000 tỷ con ve sầu sắp chui lên khỏi lòng đất
(Dân trí) - Theo đánh giá từ các chuyên gia, hơn 1.000 tỷ con ve sầu thuộc 2 lứa ve sầu khác nhau sắp chui lên khỏi lòng đất và xuất hiện cùng lúc ở 16 tiểu bang trên khắp nước Mỹ.
Sự kiện tự nhiên hiếm gặp trong vòng 221 năm ở Mỹ
Hơn 1.000 tỷ con ve sầu có thể chui ra trên khắp vùng trung tây và đông nam nước Mỹ thời gian tới khi 2 lứa ve sầu khác nhau thuộc 2 nhóm riêng biệt xuất hiện cùng lúc.
Đó là nhóm ve sầu Brood XIII và nhóm Brood XIX. Chúng đại diện cho 2 nhóm ve sầu xuất hiện định kỳ riêng biệt theo chu kỳ tương ứng là 17 năm và 13 năm.
Trong sự kiện tự nhiên hiếm gặp diễn ra 221 năm một lần, hai nhóm này sẽ đào đất rồi chui lên khỏi lòng đất, xuất hiện đồng loạt ở 16 tiểu bang trên khắp nước Mỹ bắt đầu từ cuối tháng 4 tới đây.
"Đó là nơi hội tụ của những sinh vật chưa từng thấy ở Mỹ kể từ lúc Thomas Jefferson làm tổng thống (giai đoạn những năm 1803) và sẽ không xảy ra điều này cho tới năm 2245. Sự xuất hiện hiếm hoi của các loài côn trùng mà một số chuyên gia vẫn gọi là ve sầu ngày tận thế", tờ New York Times bình luận.
"Không ai sống hiện này được thấy điều kỳ diệu này xảy ra thêm lần nữa", nhà côn trùng học người Mỹ Floyd W. Shockley nhận định.
Trong khi đó, Tiến sĩ Jonathan Larson đến từ Đại học Kentucky (Mỹ) cho rằng rất hiếm khi được chứng kiến sự xuất hiện của 2 loài ve sầu quy mô lớn như vậy. Theo ông, đây là một trong những loài côn trùng thú vị nhất nước Mỹ.
Sự trỗi dậy của hàng nghìn tỷ con ve sầu
Trên thế giới hiện có khoảng 2.500 loài ve sầu thuộc cả vùng ôn đới và nhiệt đới. Loài ve sầu ở Mỹ xuất hiện định kỳ gồm 7 loài. Chúng dành phần lớn thời gian sống trong lòng đất dưới dạng nhộng và ăn nhựa từ rễ cây.
Sau 13 đến 17 năm sống ở môi trường lòng đất thiếu ánh sáng, loài côn trùng này đào hang lên mặt đất bằng chân trước rồi chúng biến đổi thành ve sầu trưởng thành. Những con đực tạo ra âm thanh ầm ĩ để thu hút bạn tình. Sau khi cặp ve sầu giao phối xong, con cái sẽ kiếm khe hở trong cành cây để đẻ trứng vào trong.
Tiếp đó, những con nhộng mới nở sẽ chui vào lòng đất, đào hang sâu để lặp lại chu kỳ. Nhóm ve sầu Brood XIII có chu kỳ 17 năm và nhóm Brood XIX lặp lại chu kỳ 13 năm. Chúng xuất hiện trùng lặp ở khu vực phía bắc Illinois và phía đông Iowa.
Cảnh tượng hàng nghìn tỷ con ve sầu cùng đồng loạt chui lên khỏi mặt đất, xuất hiện ở 16 tiểu bang nước Mỹ, được các chuyên gia côn trùng học mô tả rất chi tiết.
"Có thể hình dung thế này cho dễ. Mỗi con ve sầu dài khoảng 2,5cm. Nếu tổng số 1.000 tỷ con sẽ đi được hơn 25,3 triệu km nếu chúng xếp nối tiếp với nhau. Quãng đường này có thể lên tới mặt trăng và quay trở lại 33 lần", Tiến sĩ Shockley mô tả.
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu trong hoàn cảnh phù hợp với một số lượng cá thể lai giống thích hợp có khả năng tạo ra một đàn ve mới với chu kỳ mới. Và đây cũng là điều cực kỳ hiếm gặp.
Giới chuyên môn nhận định, nhiều khả năng ve sầu sẽ tích tụ ở những khoảng cây xanh đô thị gần nơi chúng chui lên. Sự kiện này sẽ kết thúc vào tháng 7 năm nay. Các nhà khoa học khuyến nghị, người dân nên để mặc đàn ve sầu bởi chúng không cắn, đốt người và không lây truyền bệnh tật.
"Chúng là loài có lợi cho hệ sinh thái. Ve sầu trưởng thành còn cung cấp thức ăn cho động vật ăn thịt. Sau khi chúng chết, xác ve trở thành nguồn dưỡng chất tốt cho đất", một chuyên gia phân tích.