Hay phàn nàn dễ dẫn tới stress
(Dân trí) - Những thói quen như ăn uống không lành mạnh, không tập thể dục, hay phàn nàn hoặc suy nghĩ tiêu cực… là nguyên nhân chính gây ra stress.
Ăn uống không lành mạnh
Bận rộn suốt ngày sẽ không giúp bạn duy trì được thói quen ăn uống lành mạnh, thay vào đó bạn thường tìm đến những đồ ăn nhanh. Song thực chất, đồ ăn nhanh ngoài việc khiến bạn có nguy cơ tăng cân còn góp phần gây stress.
Ngủ không đủ giấc
Muốn bộ não hoạt động tốt bạn cần ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm. Việc ngủ quá ít sẽ dẫn tới đau đầu triền miên và cơ thể luôn thấy mệt mỏi. Ngoài ra, thức quá khuya sẽ khiến bạn rơi vào tình trạng vội vã vào buổi sáng hôm sau. Bạn bỏ bữa sáng và lái xe với tốc độ cao vì lo lắng muộn giờ làm. Tất cả những điều này làm cho cơ thể càng căng thẳng
Không tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên giúp các tế bào thân kinh được sản sinh và phát triển mới trong não, thay thế cho những phần của bộ não đã bị chậm chạp.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người không tập thể dục thì vùng hải mã của não sẽ dễ bị tổn thương do liên quan đến căng thẳng hơn so với những người tích cực rèn luyện thể chất.
Khi bạn vận động ngay cả ở tốc độ vừa phải, cơ thể sẽ giải phóng ra các peptid thần kinh, hóa chất não chống lại các phản ứng căng thẳng.
Làm quá nhiều việc
Yêu thích công việc là hoàn toàn đúng đắng, song hãy đặt ra những giới hạn vì sức khỏe là điều quan trọng nhất. Làm việc quá nhiều khiến cơ thể bị quá tải gây ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tâm thần và đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới stress.
Trì hoãn công việc
Việc trì hoãn một công việc, nhiệm vụ mà bạn đang đặt ra hoặc đang được giao chỉ có thể là do bạn sợ thất bại. Điều này khiến hệ thần kinh của bạn bị tàn phá nặng nề và làm cuộc sống càng trở nên căng thẳng, u buồn.
Việc tốt nhất để giải giải quyết vấn đề trên là giúp não bộ giảm bớt căng thẳng bằng cách chạy bộ, nghe nhạc hay tham gia vào các hoạt động giải trí.
Hút thuốc lá
Hầu hết những người hút thuốc lá quan niệm hút thuốc giảm căng thẳng và thư giãn. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, hành động hút thuốc làm tăng nhịp tim và gây ra lo lắng nhiều hơn.
Hay phàn nàn
Phàn nàn về những gì bạn căng thẳng với bạn bè không phải luôn luôn là hữu ích. Một nghiên cứu được thực hiện ở Anh cho thấy những người tham gia nghiên cứu cảm thấy ít hài lòng với hoàn cảnh của họ hơn so với trước khi họ nói chuyện với một người bạn về những thất bại, rắc rối của họ.
Do vậy, thay vì phàn nàn, hãy thử một hoặc tất cả ba chiến lược giúp mọi người đối phó với những thất bại, đó là chấp nhận, hài hước và tích cực tìm kiếm một cái gì đó tốt đẹp trong một tình huống khác căng thẳng.
Trút giận lên người khác
Bạn không thể giảm bớt căng thẳng nếu to tiếng và trút cơn giận do áp lực công việc lên người khác. Thực tế cho thấy, điều này không đem lại tác dụng gì và chỉ khiến bạn thêm bực tức.
Suy nghĩ tiêu cực
Đôi khi, cách chúng ta suy nghĩ hay phiên giải những điều đã hoặc sẽ xảy ra đem đến cho chính mình rất nhiều căng thẳng. Thường đó là những suy nghĩ tiêu cực, điều này làm cho bạn dễ bị rối loạn giấc ngủ, lo âu và trầm cảm. Hãy suy nghĩ lạc quan bởi lạc quan sẽ giúp bạn đối phó với rối loạn tâm lý.
Nhữ Trang