Gió bão quật mạnh, người Hà Nội bỏ xe giữa đường, chạy thoát thân

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Tay lái liêu xiêu, Kim Chi chống hai chân xuống đường cố giữ thăng bằng nhưng không thể trụ vững. Cô gái trẻ vội bỏ xe lại ven đường, không kịp rút chìa khóa và chạy vào sảnh chung cư gần đó trú tạm.

Vứt xe bỏ chạy giữa đường vì gió lớn

Khoảng 15h chiều 6/9, một cơn dông gió mạnh kèm mưa lớn bất ngờ xuất hiện ở Hà Nội. Thời điểm này, nhiều người di chuyển trên đường bị gió quật mạnh, phải "bỏ xe chạy lấy người".

Hình ảnh người và xe bị quật đổ trong gió bão được chia sẻ trên nhiều diễn đàn mạng khiến không ít người lo lắng trước sức ảnh hưởng của siêu bão Yagi tại Hà Nội.

Gió bão quật mạnh, người Hà Nội bỏ xe giữa đường, chạy thoát thân - 1

Mưa dông quật mạnh khiến các phương tiện giao thông di chuyển khó khăn chiều 6/9 (Ảnh: Kim Chi).

Nguyễn Kim Chi (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, chiều 6/9, cô rời cơ quan sớm để tránh bão thì bất ngờ gặp cơn mưa lớn. Dọc đường di chuyển từ quận Hà Đông về phía quận Thanh Xuân, Chi thấy nhiều người cũng hối hả đi trên đường.

Dông gió mỗi lúc một mạnh, cô gái trẻ cố gắng di chuyển thật nhanh để tránh cơn mưa nhưng không kịp.

Khi di chuyển đến đoạn giao giữa đường Nguyễn Trãi với đường Nguyễn Tuân, chiếc xe của Kim Chi di chuyển khó khăn vì sức cản gió quá mạnh. Tay lái liêu xiêu, Kim Chi chống hai chân xuống đường cố giữ thăng bằng nhưng không thể trụ vững.

"Thấy có người phía trước ngã sõng soài trước mũi ô tô, gió giật mạnh, tôi vội bỏ xe lại ven đường, không kịp rút chìa khóa chạy vào sảnh một chung cư gần đó trú tạm. Lúc đó tôi chẳng kịp nghĩ đến xe cộ sẽ ra sao, chỉ ưu tiên sự an toàn của bản thân", Kim Chi nói.

Đứng cạnh Kim Chi dưới sảnh tòa nhà, Thu Thảo (quận Cầu Giấy) hoảng hồn cho biết vừa bị quật ngã 2 lần khi di chuyển trên đường "chạy bão". "Tôi mặc áo mưa rộng, cản gió nên dễ bị ngã", Thảo nói.

Sau 2 lần bị ngã, Thảo không dám liều mạng nữa mà dừng chân trú mưa chờ trời tạnh.

Gió bão quật mạnh, người Hà Nội bỏ xe giữa đường, chạy thoát thân - 2

Người dân gồng mình lái xe trong mưa lớn chiều 6/9 (Ảnh: Nguyễn Hải).

Cùng thời điểm, có khoảng 100 người cũng dừng chân tại sảnh của tòa nhà nói trên khi thấy giao thông hỗn loạn, nhiều người không trụ được tay lái ngã trên đường.

Gió giật mạnh tới mức nhiều người phải cúi thấp người khi chạy vào sảnh vì sợ bị thổi bay, Thu Thảo thuật lại. 

Chị Nguyễn Vân (ở Xã Đàn, Đống Đa) cũng trải qua phút thót tim khi chứng kiến cảnh cây đổ rào rào trước mặt chiều 6/9.

Chị Vân kể: "Khoảng 15h tôi có việc cần ra đường. Tuy nhiên, vừa di chuyển ra ngõ, tôi hoảng hồn thấy cây xanh đổ rầm trước mặt. Nếu chỉ đi nhanh chút nữa, có lẽ tôi đã gặp nguy hiểm. Lúc ấy, tim đập rất nhanh, cảm giác mình vừa thoát chết trong gang tấc".

Gió bão quật mạnh, người Hà Nội bỏ xe giữa đường, chạy thoát thân - 3

Cây đổ la liệt gần công ty chị Vân (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chiều 6/9, đại diện UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thông tin, lúc 15h40 cùng ngày, tại đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Hoàng Liệt, xảy ra vụ cây phượng bật gốc, đổ trúng 2 người đi trên một xe máy, khiến một người tử vong, một người bị thương.

Làm thế nào khi lái xe trên đường mà bão ập đến?

TS Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai - cho biết, do ảnh hưởng của bão Yagi, Hà Nội sẽ có gió lớn và mưa lớn gây ngập lụt. Gió đều ở Hà Nội chỉ khoảng cấp 7, cấp 8, nhưng vẫn có thể có những cơn gió giật lên tới cấp 10 hoặc 11. Khi trời có mưa gió mù trời, người dân nên ở trong nhà, tránh đi ra đường.  

Các chuyên gia khí tượng cũng khuyến cáo, mưa bão tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thiệt hại tới con người và của cải trong đó các loại ô tô, xe máy.

Trường hợp đang lái xe mà bão ập đến, người dân cần tìm nơi an toàn để dừng đỗ xe. Đó có thể là trạm xăng, trung tâm thương mại, các nhà dân ven đường được xây dựng kiên cố nhưng vẫn nên tránh đỗ xe gần cây lớn, cột điện…

Khi dừng xe bên đường cần đỗ sát lề bên phải theo đúng chiều di chuyển. Bật đèn sương mù và cân nhắc sử dụng đèn khẩn cấp trong trường hợp mưa bão làm giảm tầm nhìn. Tránh ra khỏi xe và nếu bắt buộc thì phải quan sát kỹ các phương tiện xung quanh, phán đoán điều kiện môi trường bên ngoài.

Tránh việc đỗ xe ở gầm cầu, hầm chui, cầu vượt… để không gây mất an toàn cũng như làm trầm trọng thêm các áp lực về giao thông.