Giấc mơ làm nhà báo không thành, cô gái khiếm thính mở tiệm giặt đặc biệt

Toàn Vũ

(Dân trí) - Giấc mơ làm nhà báo không thành, chị Lương Kiều Thúy (30 tuổi) đã về mở "Tiệm giặt người điếc". Đây là nơi dạy nghề cho người điếc và người khiếm thính giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống.

Nằm ở số 7 trên đường bờ sông Sét (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội), "Tiệm giặt người điếc" có quy mô khá khiêm tốn, chỉ vẻn vẹn khoảng 10m2. Tiệm hoạt động 24/7 với 1 quản lý, 2 nhân viên - tất cả đều là người điếc, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với nhau và với khách hàng. Nơi đây không chỉ là cơ sở kinh doanh mà còn là địa chỉ tạo công ăn việc làm cho người khiếm thính, nơi họ được học tập, rèn luyện giúp tự tin hơn.

Người sáng lập ra quán giặt này là chị Lương Kiều Thúy (30 tuổi, quê ở Nam Định). Chị Thúy bị khiếm thính từ năm 10 tuổi nên khi đi học chị gặp nhiều khó khăn, tiếp thu chậm hơn các bạn đồng trang lứa. Với nghị lực vươn lên chị Thúy đã cố gắng học hành và nuôi ước mơ là một nhà báo.

Giấc mơ làm nhà báo không thành, cô gái khiếm thính mở tiệm giặt đặc biệt - 1

Chị Lương Kiều Thúy (bên phải ảnh) đến với công việc giặt là như một cơ duyên.

"Gia đình có tôi và mẹ đều là người khiếm thính, nên mọi thông tin trong cuộc sống luôn cập nhật rất chậm so với người bình thường khác. Chính vì thế tôi đã nuôi ước mơ trở thành một nhà báo để tiếp cận mọi thông tin tốt hơn.

Cuộc sống của người khiếm thính luôn thiệt thòi hơn những người bình thường khác. Tôi chuyển lên Hà Nội sống từ năm lên lớp 10, dù được đi học và ngồi bàn đầu nhưng càng học lên cao thì kiến thức càng khó nên tôi gặp rất nhiều khó khăn", chị Thúy chia sẻ.

Giấc mơ làm nhà báo không thành, cô gái khiếm thính mở tiệm giặt đặc biệt - 2

Cửa tiệm giặt là với diện tích hơn 10m vuông.

Giấc mơ làm nhà báo không thành, cô gái khiếm thính mở tiệm giặt đặc biệt - 3

Để mở được cửa hàng này, chị Thúy đã được hỗ trợ đầu tư ban đầu gần 200 triệu đồng mua máy móc, thiết bị, thuê cửa hàng. 

Học xong lớp 12, chị Thúy đỗ vào trường Cao đẳng truyền hình, thế nhưng sau khi hoàn thành chương trình học chị Thúy nhận ra rằng nghề báo không dành cho người khiếm thính.

Từ bỏ ước mơ lớn trong cuộc đời, chị Thúy chuyển sang bán hàng online sau đó lấy chồng và sinh con. Đến năm 2018 chị Thúy bắt đầu đi làm trở lại, công việc đã khiến chị tiếp cận nhiều dự án về "nghiên cứu công việc của người câm điếc".

Sau đó, qua sự kết nối của một người bạn, chị Thúy biết đến công việc giặt là. Từ đó chị Thúy quyết định xây dựng một mô hình thông minh tạo việc làm cho người khuyết tật.

Giấc mơ làm nhà báo không thành, cô gái khiếm thính mở tiệm giặt đặc biệt - 4

Chị Thúy ghi lịch trả quần áo cho khách.

Giấc mơ làm nhà báo không thành, cô gái khiếm thính mở tiệm giặt đặc biệt - 5

Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng mức lương nhân viên nhận khoảng 4 triệu đồng.

Từ ý tưởng mang tên "giặt là sáng", đầu năm 2020, chị Thúy tham gia cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" do Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với đối tượng là phụ nữ khuyết tật. Trải qua 8 tháng vất vả, vượt qua hàng trăm hồ sơ từ khắp mọi miền Tổ quốc, chị Thúy đã đạt giải "Cánh Én vàng".

Tháng 10/2020, chị Thúy tiếp tục tham gia chương trình Ươm tạo và khởi nghiệp, tạo tác động xã hội do Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tổ chức. Với ý tưởng kinh doanh "giặt là sáng", chị đã đạt giải Best Performance.

Giấc mơ làm nhà báo không thành, cô gái khiếm thính mở tiệm giặt đặc biệt - 6

Nhân viên của cửa hàng là những người khiếm thính, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với nhau.

Giấc mơ làm nhà báo không thành, cô gái khiếm thính mở tiệm giặt đặc biệt - 7

Từ khi mở cửa hàng đến nay, đã có nhiều khách hàng quay lại sử dụng dịch vụ giặt là ở đây.

Với những thành công bước đầu, chị Thúy quyết định thực hiện kế hoạch mở cửa hàng giặt là. 

"Lúc đầu tôi và 2 người bạn cùng hoàn cảnh đi học nghề và kêu gọi các nhà đầu tư nhưng vô cùng khó khăn vì chúng tôi đều là người khuyết tật. Cuối cùng, cơ duyên kết nối với chủ thương hiệu nhượng quyền 'Giặt ký' nên tôi đã quyết định kết hợp liên danh" chị Thủy chia sẻ.

Giấc mơ làm nhà báo không thành, cô gái khiếm thính mở tiệm giặt đặc biệt - 8

Những đơn hàng giặt hàng ngày tạo cho cửa hàng một khoản lợi nhuận nhất định.

Giấc mơ làm nhà báo không thành, cô gái khiếm thính mở tiệm giặt đặc biệt - 9

Chị Thúy luôn nhắc nhở nhân viên phải làm việc cẩn thận, chỉn chu nhất có thể.

Sau thời gian chuẩn bị, đến tháng 12/2020, "Tiệm giặt người điếc" đã ra đời.

"Ban đầu cửa hàng mới mở cũng gặp nhiều khó khăn do cách giao tiếp với khách, thế nhưng sau một thời gian làm quen nhờ vào ngôn ngữ ký hiệu dần khách đều hiểu cả. Và khách đến cửa hàng giặt ngày một đông và có lượng khách quen giúp quán ổn định về việc làm. Doanh thu hàng ngày của quán đến bây giờ đã khoảng hơn 1 triệu đồng/ngày, có ngày đặc biệt đông khách doanh thu có thể lên tới hơn 2 triệu đồng/ngày" chị Thúy cho biết.

Giấc mơ làm nhà báo không thành, cô gái khiếm thính mở tiệm giặt đặc biệt - 10

Lợi nhuận của cửa hàng sẽ được sử dụng cho lớp học kỹ năng sống cho những người cùng hoàn cảnh.

Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai chị Thúy cho biết, sẽ nghiên cứu mở rộng mô hình kinh doanh và dạy nghề cho người khiếm thính để họ có thể tự tin hơn trong cuộc sống.