Đồng Tháp có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Từ sự đồng lòng của các sở, ngành, lãnh đạo địa phương trong công tác phát triển sản phẩm OCOP (*), đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có 357 sản phẩm OCOP, trong đó có 85 sản phẩm 4 sao, 272 sản phẩm OCOP 3 sao.

Ngày 29/12/2022, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định số 1446/QĐ-UBND-HC phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp đợt 2 năm 2022. Theo đó, tỉnh Đồng Tháp hiện đã có 357 sản phẩm OCOP (tăng 92 sản phẩm so với năm 2021), trong đó có 85 sản phẩm 4 sao (tăng 24 sản phẩm so với năm 2021), 272 sản phẩm OCOP 3 sao (tăng 68 sản phẩm so với năm 2021).

Đồng Tháp có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP - 1
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 357 sản phẩm OCOP, trong đó có 85 sản phẩm 4 sao, 272 sản phẩm OCOP 3 sao (Ảnh: Nguyễn Hành).

Trong thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung chỉ đạo phát triển với quan điểm sản phẩm OCOP là kết tinh của chuỗi giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng trên nền tảng tài nguyên bản địa. Bởi đây là sự tính sáng tạo và tài hoa trong tay nghề của người dân Đồng Tháp.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp cho biết, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, công tác quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại cũng được lãnh đạo tỉnh quan tâm.

Theo đó, nhiều sự kiện đã được UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ nhất vào tháng 4/2022. Diễn đàn này đã thu hút 32 tỉnh, thành trong cả nước với 350 gian hàng trưng bày những sản phẩm OCOP nổi bật, tiêu biểu cho các vùng, miền. Cùng với đó, những chương trình, kế hoạch kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP cũng được ký kết tại sự kiện.

Ngoài ra, diễn đàn còn kết nối đưa các sản phẩm các làng nghề thủ công truyền thống, đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP vào hệ thống các cửa hàng tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và một số địa phương khác, như: Hà Nội, TPHCM, Phú Quốc.

Mặt khác, Sở NN&PTNT Đồng Tháp còn phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn, đào tạo kiến thức tập huấn kỹ năng số cho hộ sản xuất nông nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tham gia sàn thương mại điện tử.

Đồng Tháp còn chủ động tham gia hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, giao thương doanh nghiệp Nhật Bản, Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam tại tỉnh Sơn La năm 2022, hội chợ xúc tiến thương mại tại Thái Lan, Lào; tổ chức không gian triển lãm và phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp trong khuôn khổ lễ hội cá tra lần thứ I năm 2022.

Đồng Tháp có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP - 2
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp tham quan các gian hàng trong khuôn khổ diễn đàn Mekong Startup lần thứ nhất, được tổ chức tại Đồng Tháp vào 19-20/12 (Ảnh: Nguyễn Văn Dương).

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết, ngoài kết quả Đồng Tháp có 357 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao, 4 sao, thời gian qua, đơn vị còn xây dựng phần mềm số hóa OCOP tỉnh Đồng Tháp. Khi có phần mềm này, chủ thể sản phẩm OCOP sẽ thuận lợi trong việc kê khai thông tin sản phẩm, không phải tốn nhiều giấy tờ, thời gian.

Bên cạnh đó, phần mềm còn giúp đánh giá, lưu trữ hồ sơ thuận tiện, nhanh chóng hơn. Các sản phẩm sau khi được tỉnh công nhận sẽ được giới thiệu trên website Ocopdongthap.vn với các thông tin đầy đủ về sản phẩm.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 671/QĐ-UBND-HC, ngày 01/6/2021 về việc ban hành quy chế quản lý sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025.

Thời gian qua, để mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP, Đồng Tháp còn xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản Đồng Tháp ở Hà Nội, TPHCM, Phú Quốc, hỗ trợ xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP tại các khu, điểm du lịch của tỉnh.

Sở NN&PTNT cũng đồng hành cùng các hộ sản xuất quảng bá hình ảnh sản phẩm OCOP. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp phát sóng các chương trình "OCOP Đồng Tháp"; "Trải nghiệm sản phẩm OCOP Đồng Tháp"; "Lửa làng nghề"; "chuyên mục Nông dân @ (thời lượng 5 phút); giới thiệu gương nông dân kinh doanh sản xuất giỏi, trong đó có những nông dân đã có sản phẩm đạt chuẩn OCOP; hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử (Voso, Postmart, Lazara, Shoope,…).

Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của tỉnh tổ chức hội nghị tọa đàm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và biểu dương, tôn vinh gương điển hình trong thực hiện chương trình OCOP.

Không dừng lại đó, Đồng Tháp còn chọn các sản phẩm OCOP làm quà tặng trong các dịp lễ, Tết, giao lưu với các đoàn khách trong và ngoài nước đến làm việc tại tỉnh.

Để định hướng, giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trong giai đoạn đến năm 2025, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức khảo sát hiện trạng sản xuất, tiêu thụ đối với các sản phẩm OCOP đã công nhận năm 2019, đánh giá sự tác động, tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ; những khó khăn, thuận lợi của các chủ thể OCOP sau khi được công nhận, nhu cầu phát triển của chủ thể. Từ đó, Sở NN&PTNT sẽ đề ra định hướng, giải pháp phát triển sản phẩm OCOP trong giai đoạn đến năm 2025.

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ thể OCOP hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, đầu tư đổi mới trang thiết bị, phát triển sản xuất theo hướng an toàn, bảo vệ môi trường; nâng quy mô, chất lượng, hướng đến thị trường lớn hơn ở trong và ngoài nước; ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã, làng nghề tham gia thực hiện chương trình OCOP.

(*) OCOP là tên viết tắt của cụm từ "One Commune One Product" được hiểu là "Mỗi xã một sản phẩm".