Sóc Trăng:
"Đội quân tóc dài" vừa lo việc nhà vừa hăng hái phòng, chống dịch Covid-19
(Dân trí) - Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều chị em phụ nữ ở Sóc Trăng vừa lo việc nhà vừa hăng hái cùng tham gia chống dịch Covid-19.
Ghi nhận của phóng viên, ở thị xã Vĩnh Châu (nơi có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất tỉnh Sóc Trăng) có cả trăm giáo viên, trong đó rất nhiều cô giáo như những "đội quân tóc dài" đã tình nguyện tham gia chống dịch ngay từ khi dịch bùng phát ở địa phương.
Cô Trương Lệ Quyên (giáo viên Trường THCS Châu Văn Đơn, phường 1) cho biết dịch Covid-19 ở địa phương diễn biến phức tạp, có nhiều khu dân cư bị phong tỏa nên các lực lượng tham gia chống dịch rất vất vả. Trước thực tế đó, nhiều giáo viên thấy mình phải có trách nhiệm tham gia phòng, chống dịch để chia sẻ những khó khăn, vất vả này.
"Thời điểm này, giáo viên chúng tôi cũng đang nghỉ hè nên cùng tham gia chống dịch thôi. Bản thân tôi và các cô giáo đang tham gia trực chốt tại một đường giao thông ở phường 1, nơi có khu dân cư đang cách ly, bảo đảm an toàn cho người dân. Vất vả một chút nhưng vui vì được góp phần mình vào công cuộc chống dịch. Mong dịch sớm bị đẩy lùi để cuộc sống ổn định trở lại", cô Quyên chia sẻ.
Theo bà Phạm Thị Cẩm Tú, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Vĩnh Châu, lực lượng giáo viên tham gia chống dịch khoảng trên 200 người, trong đó có nhiều cô giáo. Lực lượng giáo viên chủ yếu tại địa phương, người thì làm công tác tuyên truyền, người tham gia trực chốt, người phục vụ nấu ăn... cùng chung tay chống dịch Covid-19.
Tại thị xã Ngã Năm, địa phương có số ca mắc Covid-19 cao thứ 2 của tỉnh Sóc Trăng, "đội quân tóc dài" ở đây đã tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch bằng nhiều việc khác nhau như tham gia tuyên truyền, trực chốt kiểm soát, gói bánh, nấu cơm phục vụ cho lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát và trong khu cách ly tập trung.
Bà Lê Thị Thúy Kiều, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Ngã Năm, cho biết hiện nay ở địa phương tổ chức được 4 bếp nấu ăn phục vụ cho các chiến sĩ, nhân viên y tế và người đang thực hiện cách ly tập trung. Những bữa cơm này là tấm lòng, tình cảm của chị em gửi đến những người đang trực tiếp làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch.
"Người góp gạo, nhu yếu phẩm, người ủng hộ tiền mặt để mua nguyên vật liệu cho bếp ăn đỏ lửa hàng ngày. Bên cạnh đó, các mẹ, các chị cũng tổ chức gói trên 3.000 chiếc bánh dân gian như bánh tét, bánh ít, bánh lá dừa... gửi đến các chốt", bà Kiều cho hay.
Tại TP Sóc Trăng, nhiều phụ nữ của các đơn vị Ban Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Sóc Trăng và các đoàn thể đã tổ chức nấu cơm hỗ trợ cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Bà Đào Ngọc Ngưng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Sóc Trăng, cho biết những ngày qua các anh em trực chốt trên địa bàn thành phố rất vất vả, trực xuyên suốt bất kể mưa, nắng, nơi trực là những căn nhà dựng tạm nên rất khó cho việc ăn uống. Vì vậy, nhiều phụ nữ vận động nấu cơm phục vụ các chốt với mong muốn có bữa cơm ngon, đảm bảo vệ sinh cho anh em trực chốt yên tâm làm nhiệm vụ.
"Mỗi ngày các chị nấu khoảng 90 suất ăn cung cấp cho tất cả các chốt trên địa bàn thành phố. Bữa cơm này là sự đóng góp của các ngành đoàn thể, sự hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc và đóng góp của người dân. Sau khi nấu xong, các suất ăn được cho vào hộp để các tình nguyện viên đem đến tận chốt trao cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ", bà Ngưng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Quận, Bí thư, Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng, nói: "Chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần vào cuộc chống dịch của toàn thể nhân dân để cùng chính quyền chung tay đẩy lùi dịch Covid-19, trong đó có sự đóng góp của nhiều chị em. Các chị vừa phải lo việc nhà, việc cơ quan, vừa tranh thủ tham gia các hoạt động phục vụ chống dịch là rất đáng quý".
Quân khu 9 thu mua nông sản giúp người dân ở Sóc Trăng
Chiều 28/7, Quân khu 9 đã tổ chức thu mua bồn bồn cho người dân xã Mỹ Tú và xã Mỹ Thuận (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng).
Thời gian gần đây, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, loại đặc sản này không có thương lái thu mua, nhiều nông dân rất khó tìm đầu ra nên không có thu nhập để trang trải cuộc sống.
Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của bà con, Quân khu 9 đã tổ chức thu mua trên 3,6 tấn, với giá 13.000 đồng/kg để đưa vào bữa ăn của bộ đội.
Ông Đoàn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thuận, cho biết bồn bồn là loài cây dễ trồng, sinh trưởng rất nhanh và ít bị sâu bệnh, được bà con ở địa phương trồng nhiều.
Với diện tích trồng gần 100 ha, từ lâu loại cây này đã trở thành cây thoát nghèo của người dân huyện Mỹ Tú nói chung và xã Mỹ Thuận nói riêng. Thời gian qua, bà con gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra do dịch Covid-19 nên thương lái không ai mua, phương tiện giao thông lại hạn chế di chuyển, bồn bồn của bà con bị hư hại rất nhiều.
Do đó, địa phương mong muốn Quân khu 9 cùng nhiều đơn vị khác sẽ tiếp tục thu mua để chia sẻ khó khăn cho bà con, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.