Độc đáo nghề “thổi hồn” cho gốc cây khô

(Dân trí) - Từ những gốc cây thô cứng, xù xì qua bàn tay và con mắt thẩm mĩ của người thợ đã trở thành tác phẩm nghệ thuật đặc sắc tinh tế. Nhiều năm nay, việc chế tác những gốc cây tưởng chừng bỏ đi ấy lại trở thành nghề kiếm sống của nhiều người tại Đắk Nông.

Những gốc cây thành phẩm, không chỉ có tính thẩm mỹ mà còn có giá trị kinh tế, nhiều gốc thậm chí được bán với giá cả trăm triệu đồng.

Song để cho ra một tác phẩm hoàn chỉnh thì không hề đơn giản. Mỗi công đoạn đều yêu cầu sự tỉ mỉ, “thạo nghề” của người thợ. Thành phẩm là kết tinh của cả một quá trình, sự đam mê và nỗ lực hết mình.

Nghề thổi hồn cho gỗ

Hơn 6h sáng, xưởng gỗ của anh Đàm Hồng Bàng (xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong) đã vang tiếng đục, tiếng máy khoan, tiếng đánh nhám. Mấy hôm nay, vợ chồng anh dành toàn bộ thời gian để chế tác một gốc xá xị thành tượng Di Lặc. Trên tay cầm búa đục, anh say sưa chăm chút, gọt đẽo cho tác phẩm của mình. Mùi gỗ xá xị cứ như vậy, lan tỏa khắp không gian.

Những gốc cây được tập trung về xưởng chờ người thợ chế tác
Những gốc cây được tập trung về xưởng chờ người thợ chế tác

Sâu trong khu xưởng, hàng chục sản phẩm đủ loại hình hài được gọt giũa, tỉa tót xếp gọn gàng chờ khách lấy, trong khi ngoài cổng còn gần chục gốc lũa thô đang chờ chế tác. Anh cho biết, trước đây những gốc này chỉ dùng để làm củi đun, thậm chí bỏ không cho mối mọt, còn bây giờ phải khó khăn lắm mới kiếm được một gốc.

Chia sẻ về công việc của mình, anh nói: “Từ những bộ rễ thô kệch, hoang dại này chúng tôi chế tác thành tượng phật, tượng tam đang, tứ linh, hoa cỏ sao cho những gốc cây chết này “sống lại” với những đường nét mềm mại, sắc sảo nhất.”

Bức tượng Di Lặc đang được chế tác từ gốc cây xá xị
Bức tượng Di Lặc đang được chế tác từ gốc cây xá xị

Cũng chọn cho mình công việc chế tác gốc cây để lập nghiệp, anh Vũ Văn Đủ (phường Nghĩa Đức, TX Gia Nghĩa) đã có kinh nghiệm làm nghề được 3 năm nay.

Người thợ gốc Hải Dương bộc bạch: “Công việc này đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và chăm chút đến từng chi tiết. Gốc cây càng kỳ quái, phức tạp thì sức sáng tạo của người thợ càng cao, sản phẩm càng độc đáo, sinh động và lạ mắt.”

Anh Đủ hóm hỉnh gọi công việc của mình là “nghể thổi hồn cho gỗ ”, bởi theo anh, muốn có được những tác phẩm sống động, có hồn cốt thì người thợ phải tập trung tư tưởng, tâm lý hết sức thoải mái.

Tỉ mỉ kiếm bạc triệu

Là địa phương có nhiều xưởng chế tác, ông Nghiêm Anh Tuấn (Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Khê, huyện Đắk G’long) đánh giá: “ Tuy mới xuất hiện, nhưng công việc này đã tận dụng được những điều kiện sẵn có của địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều gia đình.”

“Đồ gỗ mỹ nghệ chế tác từ gốc cây được nhiều người ưa thích. Trước kia chỉ có những nhà điều kiện mới mua được, nhưng giờ mặt hàng này rất phổ biến nên giá thành cũng không quá cao. Người chơi nhiều nên thợ làm nghề cũng có điều kiện phát triển.”, ông Tuấn cho hay.

Từ gốc cây thô kệch, xù xì qua bàn tay của người thợ trở thành bức tranh đồng quê sống động, lạ mắt
Từ gốc cây thô kệch, xù xì qua bàn tay của người thợ trở thành bức tranh đồng quê sống động, lạ mắt

Song, để làm ra một sản phẩm không phải đơn giản. Mỗi tác phẩm hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người thợ phải sáng tạo không ngừng nghỉ, cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng nét trạm trổ. Càng tỉ mỉ, công phu bao nhiêu thì tác phẩm càng tinh tế, sắc sảo và càng giá trị.

Một trong những xưởng mộc nổi tiếng về chế tác gỗ mỹ nghệ tại thị xã Gia Nghĩa là xưởng anh Nguyễn Văn Ban (phường Nghĩa Trung, TX Gia Nghĩa). Anh chia sẻ, để làm ra một thành phẩm, có những gốc chỉ làm trong 1 tuần, nhưng có sản phẩm chi tiết, kỳ công thì phải đục đẽo trong cả tháng trời.

Anh Hoàng Văn Huy chia sẻ: “Nghề này càng tỉ mỉ thì càng kiếm được tiền.”
Anh Hoàng Văn Huy chia sẻ: “Nghề này càng tỉ mỉ thì càng kiếm được tiền.”

Chỉ tay về phía một khúc gỗ đang chế tác dở, anh cho hay: “Như bức tranh phong cảnh kia, thời gian làm ngót 1 tháng, nếu bán cũng cả chục triệu đồng.”

Tương tự anh Ban, để hoàn thành một bộ bàn ghế, ba nhân công tại xưởng của anh Tào Văn Hảo (xã Quảng Khê, huyện Đăk Glong) phải mất trung bình một tháng. Tất cả các sản phẩm đều được chế tác, gia công một cách cẩn thận, kỹ càng để giữ lại những đường nét nguyên sơ nhất của gốc cây.

Anh Hảo bảo rằng, nhiều gốc cây ở đây là gỗ quý như gỗ hương, sam, trắc, thủy tùng, xá xị nếu cẩu thả thì sẽ phá hỏng cả bộ rễ. Nên muốn những gốc cây vô tri, vô giác mang hồn cốt, phong thái riêng biệt thì phải chấp nhận bỏ công. “Nghề này càng tỉ mỉ thì càng kiếm được tiền”.

Những gốc cây thô kệch dần được “sống” theo những nét trạm trỏ mềm mại, tinh tế
Những gốc cây thô kệch dần được “sống” theo những nét trạm trỏ mềm mại, tinh tế

Giá bán các sản phẩm gỗ tại xưởng của anh Hảo vì thế cũng rất cao. Trung bình một bộ bàn ghế gỗ được chế tác từ rễ cây có giá từ 30-80 triệu đồng. Tuy nhiên có những bộ lớn, làm từ gỗ quý, vân đẹp, thế độc thì giá lên đến hai, ba trăm triệu đồng.

Sản phẩm được chế tác từ gốc cây có giá từ vai trăm nghìn đến cả trăm triệu đồng
Sản phẩm được chế tác từ gốc cây có giá từ vai trăm nghìn đến cả trăm triệu đồng

Ông Trần Minh Quang (xã Nam Dong, huyện Cư Jut), “dân buôn” đồ gỗ mỹ nghệ cho hay: “Giá của hàng này phụ thuộc vào chất liệu gỗ và độ tinh xảo. Bây giờ gỗ hiếm, nên tôi chỉ đi buôn với giá trung bình khoảng 18-20 triệu đồng. Tuy nhiên, mấy năm trước cũng có món gần trăm triệu.”

Dương Phong