Đánh cắp tác phẩm báo chí có thể bị phạt tới 300 triệu đồng
(Dân trí) - Nạn xâm phạm quyền tác giả, đánh cắp tác phẩm báo chí diễn ra nghiêm trọng khi các mạng xã hội nở rộ, tìm mọi cách câu kéo người dùng.
Thay vì dẫn đường link nguồn, chủ nhiều kênh YouTube sẽ đọc lại, trích dẫn lại bài viết của nhà báo và chèn vào những đoạn bình luận, phân tích của mình rồi dựng thành video, clip.
Khi lượng xem nhiều, các kênh này sẽ nhận được tiền từ YouTube... Họ không hề mất chút chất xám nào ngoài việc đi "ăn cắp" nội dung từ các trang báo chính thống.
Trên Facebook, nhiều trang fanpage như Không Sợ Chó, Theanh28 cũng sử dụng nội dung, hình ảnh của các bài báo để đăng tải nhằm kéo tương tác, lượt like (thích) và bình luận.
Nhiều bài viết độc quyền, bài viết đòi hỏi trí tuệ và công phu của phóng viên vừa lên trang chỉ ít phút đã lập tức bị xào xáo, đăng nhan nhản trên các trang mạng.
Một số trang Facebook thường chỉ trích dẫn vắn tắt nội dung, không đầy đủ, hoặc cóp nhặt từng đoạn để tạo thành một bài viết. Việc trích dẫn, cắt ghép không đầy đủ nhiều khi khiến người đọc hiểu sai, hiểu thiếu về vấn đề trong bài viết, từ đó chê trách, dùng nhiều lời lẽ thô tục với nhà báo, cơ quan báo chí.
Các bình luận trên mạng xã hội không được kiểm duyệt nên nhiều khi tác động xấu tới nhân vật, nội dung bài viết.
Lượng tương tác trên mạng xã hội là vô cùng lớn. Nhiều trang mạng xã hội nhờ việc lấy thông tin của các cơ quan báo chí đã thu hút được nhiều người dùng, từ đó đã khai thác quảng cáo trên trang của mình, thu lợi nhuận.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với luật sư Lê Thị Thu Hương (Giám đốc Công ty luật TNHH T2H) về thực trạng các trang mạng xã hội trộm cắp thông tin, nội dung, hình ảnh của các tác phẩm báo chí và những hệ lụy đối với các cơ quan báo chí nói riêng và xã hội nói chung.
Xin luật sư cho biết, tác phẩm báo chí của các tác giả và các cơ quan báo chí được pháp luật quy định bảo hộ ra sao?
- Luật sư Lê Thị Thu Hương: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Mặc dù quyền tác giả phát sinh kể từ lúc tác phẩm được sáng tạo nhưng không phải tác phẩm nào cũng được bảo hộ quyền tác giả.
Tác phẩm của các tác giả và cơ quan báo chí thường được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, điều tra, xã luận, tin tức thời sự, bài đưa tin…
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các tác phẩm này được chia làm hai thể loại chính là tác phẩm báo chí và tin tức thời sự thuần túy đưa tin.
Các tác phẩm được coi là tác phẩm báo chí "là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác". Theo đó, các tác phẩm báo chí sẽ là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.
Tin tức thời sự thuần túy có thể hiểu là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin thông thường, không có tính sáng tạo thì không phải là đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả.
Các tác phẩm là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả sẽ được bảo hộ về quyền nhân thân và quyền tài sản, bao gồm các quyền như đặt tên cho tác phẩm, công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc, không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín tác giả; quyền làm tác phẩm phái sinh, sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm…
Các quyền này được quy định cụ thể tại Điều 19 và Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành.
Quyền tác giả với tác phẩm báo chí cũng được ghi nhận tại Điều 24 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành tuy nhiên vẫn chưa có quy định cụ thể như việc bảo hộ các loại hình tác phẩm khác.
Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm thuộc loại hình tác phẩm báo chí là trong suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo khi tác giả qua đời.
Mạng xã hội có được phép lấy thông tin của các báo không? Nhất là khi việc sử dụng thông tin này phục vụ mục đích tăng tương tác, tăng lượt xem để thu hút người dùng và khai thác quảng cáo?
- Theo quy định tại Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ, tác phẩm báo chí cũng là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.
Tuy nhiên, như trên đã nói không phải bất kỳ bài viết, tin tức báo chí nào cũng được pháp luật bảo hộ quyền tác giả, mà có những thông tin, bài viết pháp luật khuyến khích công bố rộng rãi trên nhiều phương tiện cho công chúng được biết. Một số loại hình báo chí không được bảo hộ quyền tác giả như:
Những tin tức thời sự thuần túy đưa tin như các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin không có tính sáng tạo.
Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính của cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội,…
Văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó; quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.
Như vậy với những loại hình trên, các tài khoản mạng xã hội có thể đăng tải toàn bộ, hoặc trích dẫn một phần bài viết để công bố tin tức rộng rãi tới công chúng.
Loại trừ những trường hợp nói trên, những tác phẩm báo chí khác chứa sự sáng tạo trực tiếp bằng lao động trí tuệ của tác giả sẽ được bảo hộ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
Và pháp luật sở hữu trí tuệ nghiêm cấm sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả…
Theo luật sư, tại sao lại xảy ra tình trạng các trang mạng xã hội lấy thông tin của báo chí khi chưa được phép?
- Theo góc nhìn và quan điểm của tôi thì thực trạng trên bắt nguồn từ các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, do ý thức của những người đứng sau các trang mạng chuyên lấy cắp thông tin. Họ chỉ muốn nhanh chóng đưa các tin hot, "giật tít" nhanh nhất có thể để tăng lượng người theo dõi, tăng lượt "like", lượt "view" để sau đó hướng tới mục đích kinh tế.
Thứ hai, do độc giả hay chính những người lấy cắp thông tin không quan tâm và cũng chưa có nhiều hiểu biết xoay quanh vấn đề về bản quyền tác giả. Họ chỉ quan tâm làm sao để tiếp cận và cập nhật thông tin một cách nhanh nhất, thường xuyên nhất mà không để ý xem nguồn tin đó có uy tín hay không, được xác thực hay chưa, nguồn thông tin do bên nào thực hiện, có bị cắt ghép, hay không..
Thứ ba, pháp luật chưa có các quy định cụ thể xử lý triệt để vấn nạn này, cũng chưa có trường hợp nào bị xử lý nghiêm khắc làm "gương" để răn đe các trường hợp vi phạm khác tương tự.
Việc các trang mạng xã hội lấy thông tin của báo chí khi chưa được phép sẽ gây ảnh hưởng ra sao đối với tác giả, cơ quan báo chí nói riêng và xã hội nói chung?
- Khi các tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm cần phải xin phép chủ sở hữu tác phẩm và cần phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
Việc các tài khoản mạng xã hội khác sử dụng thông tin của báo chí mà chưa có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có thể gây ảnh hưởng đến quyền khai thác tác phẩm. Cụ thể:
- Ảnh hưởng đến quyền nhân thân: Tác giả có quyền cho phép người khác công bố, sử dụng tác phẩm của mình. Vậy nên, việc các trang mạng tự ý cắt xén hoặc đăng lại các tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa được sự cho phép sẽ phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
- Ảnh hưởng đến quyền tài sản: Các trang mạng xã hội không được phép làm tác phẩm phái sinh (chuyển đổi tác phẩm báo chí từ dạng bài viết sang video), sửa chữa, cắt xén tác phẩm khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu tác phẩm. Điều này có thể dẫn đến việc người đọc giảm sút, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc khai thác tác phẩm của các tòa soạn, cơ quan báo chí.
Hiện tại, pháp luật đang có những quy định nào để xử lý tình trạng này?
- Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội xảy ra rất phổ biến các tình trạng như những kênh YouTube, Tiktok, Facebook… đọc và đăng lại bài viết từ các trang tin điện tử, báo chí mà không trích dẫn nguồn, ảnh minh họa gây hiểu lầm để thu hút lượt xem, và ảnh hưởng trực tiếp đến nhân vật xuất hiện trong bài đăng.
Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP có quy định mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm cụ thể như sau:
"Điều 18. Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này."
- Theo đó, tất cả các chủ thể có hành vi xâm phạm quyền, sao chép tác phẩm có thể bị phạt tiền thấp nhất là 15 triệu đồng và cao nhất là 35 triệu đồng, tùy vào mức độ vi phạm mà các cơ quan chức năng sẽ xem xét mức phạt hợp lý.
Điều 20 Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định cụ thể mức phạt đối với trang thông tin điện tử tổng hợp có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, mức phạt tối đa lên đến 200 triệu đồng, hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lên đến 12 tháng, buộc khắc phục bằng việc gỡ bài, xin lỗi, cải chính công khai hoặc thậm chí thu hồi tên miền trong trường hợp trang thông tin điện tử tổng hợp không có giấy phép đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tùy vào mức độ vi phạm, tất cả các chủ thể vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp, hành vi sao chép tác phẩm này có quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì sẽ bị xử lý hình sự về tội xâm phạm quyền tác giả.
Việc xử phạt này theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 với khung hình phạt là bị phạt tiền từ 50.000.000 - 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Đối với mọi chủ thể có hành vi sửa chữa, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng và hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả thì bị phạt tiền từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng, theo Điều 10 Nghị định 131/2013/NĐ-CP.
Thêm vào đó, chủ thể thực hiện hành vi còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật, buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Khi bị sao chép các thông tin, nội dung, hình ảnh của các tác phẩm báo chí, các cơ quan báo chí cần làm gì thưa luật sư?
- Trong trường hợp các cơ quan báo chí bị sao chép, lấy cắp tác phẩm, xét về những quy định của pháp luật hiện hành, các đơn vị này được phép thực hiện những hành động sau để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình:
Các nhà báo, phóng viên có thể gửi đơn tố cáo lên thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông, thanh tra các Sở Thông tin và truyền thông. Ngoài ra, tùy mức độ vi phạm trong lĩnh vực báo chí và hậu quả của hành vi vi phạm, người bị hại có thể gửi đơn tố cáo tới công an cấp quận, huyện hoặc công an cấp tỉnh, thành phố, thậm chí có thể tố cáo, kiến nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm quyền tác giả vì mục đích kinh doanh.
Chủ sở hữu quyền tác giả còn có thể khởi kiện ra tòa án, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Khi có yêu cầu, tòa án có quyền áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại...
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ để tự bảo vệ và cảnh báo khi tin, bài của bên mình bị lấy bởi các trang tin, báo hoặc tạp chí mà chưa được sự đồng ý.
Một cơ quan báo chí không thể đơn độc chống lại tình trạng vi phạm bản quyền, mà cần có một bộ phận chuyên nghiệp, phải gồm cả các chuyên gia pháp lý xử lý việc này. Do đó cần tiến tới hình thành một liên minh hoặc một trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí có sự tham gia của các bên báo chí, công nghệ và cơ quan quản lý Nhà nước.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng nên xem xét ủy quyền cho bên thứ 3 (luật sư, tổ chức hành nghề luật, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp được cấp phép) nhằm bảo vệ quyền lợi của mình theo cách chuyên nghiệp nhất.
- Xin trân trọng cảm ơn luật sư!