Bức xúc loạt trang tin, mạng xã hội "ăn cắp" thông tin báo chí

PV

(Dân trí) - Hiện nay, tình trạng các trang mạng xã hội sao chép, "ăn cắp" bản quyền trong lĩnh vực báo chí ngày càng phổ biến, tràn lan và tinh vi.

Fanpage thản nhiên "ăn cắp" tác phẩm báo chí

Mới đây, báo điện tử Dân trí đăng tải bài viết: "Khu tập thể tồi tàn, 'khát' ánh sáng mặt trời nằm ngay cạnh hồ Gươm", nhận được sự quan tâm lớn của độc giả.

Cùng ngày, nhiều trang mạng xã hội chia sẻ lại toàn bộ ảnh trong bài viết nêu trên, nhưng đã cắt hết logo của báo Dân trí.

Nội dung đi kèm bộ ảnh đã bị "cải biên" để thu hút người dùng mạng xã hội, cuối bài chỉ ghi: "Nguồn tham khảo: Dân trí", mà không dẫn nguồn link (đường liên kết) của báo. 

Bài đăng này đã nhanh chóng thu hút 23.000 lượt yêu thích, 2.300 bình luận và gần 200 lượt chia sẻ.

Các phóng viên của báo điện tử Dân trí đã phản hồi ngay dưới bài viết, yêu cầu tôn trọng bản quyền báo chí. Sau đó, trang Fanpage này đã âm thầm chỉnh sửa, "trả lại" logo cho báo.

"Chúng tôi thực hiện bài viết này trong hoàn cảnh khá khó khăn, mất nhiều thời gian biên tập và chỉnh sửa, nhưng các trang mạng xã hội chỉ mất một giây đăng tải như họ tự sản xuất", tác giả bài viết bức xúc.

Nhà báo Minh Nhật (báo điện tử Dân trí) cho biết bản thân đã nhiều lần liên hệ với nhiều Fanpage phản ánh tình trạng này, song không nhận được phản hồi.

Theo anh Nhật, các tài khoản này thường cắt cúp thông tin, hình ảnh từ các báo chính thống, từ đó tạo ra những thông tin theo chủ đích cá nhân với mục đích câu view, câu follow (người theo dõi). Thông tin thường được chế bản theo hướng giật gân, làm sai bản chất và định hướng vốn có của bài báo.

"Hai năm trước, khi Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi nhận nhiệm vụ tác nghiệp tại các bệnh viện tuyến đầu, các khu cách ly, tiếp xúc gần các F0, nên thường trực nguy cơ lây nhiễm chéo.

Những bài báo đòi hỏi nhiều thời gian và công sức vừa được xuất bản thì đã thấy nhan nhản trên các Fanpage mà không ghi nguồn báo điện tử Dân trí", anh Nhật cho hay.

Bức xúc loạt trang tin, mạng xã hội ăn cắp thông tin báo chí - 1

Fanpage Không Sợ Chó cũng đăng tải lại một sản phẩm của báo điện tử Dân trí khi chưa được phép (Ảnh chụp màn hình).

Là một tác giả từng có nhiều tác phẩm bị "đồng nghiệp", mạng xã hội "xào xáo" nội dung, sử dụng hình ảnh nhưng cắt logo, không xin phép, anh Nguyễn Hải (báo điện tử Dân trí) mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc mạnh mẽ để xử lý nghiêm tình trạng trên.

Nam phóng viên nhận định, việc các trang mạng xã hội "nấu cháo trên lưng người làm báo" đã diễn ra từ lâu nhưng chưa có chế tài xử phạt thích đáng. Điều này khiến thực trạng ngày càng ngang nhiên và phổ biến. 

Việc "ăn cắp" tin, bài một cách trắng trợn và dễ dàng không chỉ là hành động bóc lột sức lao động của phóng viên, nhà báo, mà còn tạo ảnh hưởng xấu cho tòa soạn, cơ quan báo đài nếu như tin, bài bị giật tít hoặc sửa nội dung theo hướng câu like.

"Có những bài viết chúng tôi phải tác nghiệp cả ngày nhưng vừa xuất bản được 15 - 20 phút đã xuất hiện ồ ạt trên các nền tảng mạng xã hội. Những trang mạng này lấy lại thông tin của chúng tôi nhưng không ghi rõ nguồn, thậm chí cắt logo ảnh", anh Hải bức xúc.

Nhiều trang Fanpage lớn nhỏ trên mạng xã hội hiện nay như Không Sợ Chó, Thế Anh 28…, các kênh TikTok, YouTube có xu hướng khai thác, sử dụng trái phép nội dung báo chí, mà không trích dẫn nguồn, dẫn đường link.

Trước vấn nạn này, báo điện tử Dân trí không phải "nạn nhân" duy nhất. Tại Diễn đàn "Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hồi cuối năm 2020, thực trạng nhức nhối về vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí được lãnh đạo nhiều tờ báo và đài truyền hình chia sẻ.

Một số cơ quan báo chí cho biết đã bị lấy nguyên văn từ 8.000 đến 16.000 tác phẩm báo chí. Nhiều đơn vị đã có các biện pháp xử lý như: gọi điện nhắc nhở, gửi công văn đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế, đây vẫn là vấn nạn gây nhức nhối chưa rõ hồi kết suốt nhiều năm qua. 

Bức xúc loạt trang tin, mạng xã hội ăn cắp thông tin báo chí - 2

Phóng viên Đinh Huy lưu lại hình ảnh để làm bằng chứng tố cáo các trang mạng xã hội "ăn cắp chất xám" (Ảnh: NVCC).

Phóng viên Đinh Huy (báo Thanh Niên) cho biết từ 3 năm trước, khi anh công tác tại một cơ quan báo chí khác, cũng đã bị các trang Fanpage liên tục "ăn cắp chất xám". 

Những tin bài độc, lạ, hình ảnh nóng, độc quyền từ hiện trường của anh đều bị các trang mạng xã hội đăng tải lại, cắt logo báo, không ghi nguồn. Anh đã nhiều lần phản hồi, nhắn tin nhắc nhở, nhưng chỉ nhận về sự im lặng. 

"Trong số đó, Thế Anh 28 là một trong các trang mạng xã hội "rác", có lượt tương tác khủng, nên dễ định hướng dư luận", phóng viên Đinh Huy bức xúc, đưa ra một số hình ảnh đã sao lưu để làm bằng chứng.

Theo anh, vấn nạn "ăn cắp" bản quyền tại Việt Nam chưa được quy định rõ ràng, nên không riêng anh mà các đồng nghiệp ở các cơ quan báo đài khác, cũng rất bất bình.

"Sắp tới, nếu tình trạng này còn tiếp diễn, tôi sẽ lập danh sách những bài viết bị các trang mạng xã hội "xào xáo", rồi báo cáo cấp trên. Tôi hy vọng các cơ quan ban ngành có biện pháp xử lý kịp thời ", anh nói. 

Cần liên minh báo chí chống "ăn cắp" bản quyền

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhận định tình trạng sao chép, đánh cắp bản quyền trong lĩnh vực báo chí ngày càng phổ biến, tràn lan và tinh vi.

Đây có thể coi là vấn nạn trong thời đại "bùng nổ" của các nền tảng mạng xã hội, mà nạn nhân lớn nhất là các cơ quan báo chí. 

Theo ông Lợi, tình trạng vi phạm bản quyền báo chí được thể hiện dưới nhiều hình thức. Một tác phẩm báo chí chính thống có thể bị sao chép một phần nội dung, hình ảnh, câu trích hoặc toàn bộ. 

Một bài báo vừa được xuất bản đã bị các website không rõ nguồn gốc, không rõ cơ quan chủ quản và tài khoản mạng xã hội (Facebook cá nhân, Fanpage) tự ý lấy lại, khai thác sử dụng trái phép mà không hề trích dẫn nguồn, dẫn đường link. 

Hoặc người vi phạm chỉ cóp nhặt, trích dẫn những nội dung mang tính giật gân, câu view theo ý đồ, rồi đăng tải lên mạng xã hội, lợi dụng xôn xao dư luận để tạo ra những nguồn thu. Trong khi độc giả có xu hướng "đọc nhanh", tin tưởng các website, trang mạng xã hội này mà không cần đọc báo chính thống.

Điều này dẫn đến những vi phạm, gây thiệt hại rất lớn cho các cơ quan báo chí, như: giảm nguồn thu, ảnh hưởng uy tín thương hiệu, xâm hại công sức, thành quả lao động của các phóng viên, nhà báo. 

"Một thực trạng cũng nhức nhối là một bài báo vừa mới xuất bản, đã bị rất nhiều báo, tạp chí, trang tin điện tử tổng hợp "xào xáo" lại", ông Lợi nói. 

Bức xúc loạt trang tin, mạng xã hội ăn cắp thông tin báo chí - 3

Phóng viên tác nghiệp tại Thái Lan trong vòng loại World Cup 2022 (Ảnh: Toàn Vũ).

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phân tích một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm tràn lan bản quyền báo chí.

Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam tương đối đầy đủ, nhưng việc áp dụng chưa thực sự hiệu quả.

Nhiều nội dung văn bản còn lỗ hổng, chưa theo kịp tình trạng vi phạm ngày càng tinh vi và linh hoạt. Thậm chí, một số tình huống vi phạm mà văn bản quy phạm pháp luật chưa thể lường trước được.

Thứ hai, mức xử phạt trong lĩnh vực vi phạm bản quyền báo chí còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. 

Thứ ba, các cơ quan báo chí chưa quyết liệt trong việc đối phó với tình trạng này. Vì ngại khó, quy trình xử lý chậm và phức tạp đã tạo nên những tiền lệ xấu để các đối tượng tiếp tục vi phạm. 

Thứ tư, Việt Nam chưa có một tổ chức hoạt động chuyên nghiệp để xử lý những xung đột giữa người vi phạm bản quyền và các cơ quan báo chí. 

Thứ năm, việc các cơ quan báo chí "xào" bài lẫn nhau là "tấm gương" xấu tương đối phổ biến. 

Bức xúc loạt trang tin, mạng xã hội ăn cắp thông tin báo chí - 4

Phóng viên tác nghiệp tại bệnh viện tuyến đầu chống dịch Covid-19, năm 2021 (Ảnh: M.N.).

Để giải quyết vấn nạn này, ông Lợi đề xuất cơ quan nhà nước sớm hoàn thiện văn bản pháp luật theo kịp tình hình, tránh lỗ hổng khiến các trang mạng xã hội, website không rõ nguồn gốc hoạt động thoải mái. 

"Chúng ta phải có một bộ văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, hiệu quả, có những giải pháp mang tính răn đe", ông Lợi cho hay, đồng thời kêu gọi các cơ quan báo chí phải quyết liệt hơn trong ứng xử, đối phó với thực trạng này. 

Nếu phát hiện những vi phạm, các đơn vị cần chủ động đấu tranh và quyết liệt xử lý.

Ông cũng nhấn mạnh một cơ quan báo chí không thể đơn độc, mà phải liên kết cùng nhau. Ngoài ra, người dùng mạng xã hội cũng cần nâng cao nhận thức, tôn trọng sản phẩm báo chí và bản quyền, tôn trọng tác giả.

Hội Nhà báo Việt Nam đã và đang tăng cường tuyên truyền, giáo dục hội viên tôn trọng pháp luật nói chung, vấn đề bản quyền trong báo chí nói riêng. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm