Ninh Bình:

Cựu chiến binh bỏ tiền túi xây cầu cho dân đi

(Dân trí) - Thấy các cháu học sinh ngày ngày vượt đò tạm nguy hiểm đến trường, người dân địa phương cực nhọc mỗi lần qua sông, cựu binh Hoàng Anh Tài đã bỏ tiền túi xây dựng cây cầu phao dân sinh phục vụ nhân dân.

Người cựu binh có tấm lòng cao cả đó là ông Hoàng Anh Tài, xã Lạng Phong, huyện Nho Quan (Ninh Bình). Ông sinh ra và lớn lên ngay bên dòng sông Lạng, nơi người dân địa phương sống chủ yếu bằng nghề sông nước nên rất nghèo khổ. Vất vả hơn, khi quê ông bị cách trở với bên ngoài bởi con sông nên việc giao thương rất bất tiện.

Cựu binh Hoàng Anh Tài mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng thương tật 61% của mình. Ông kể, năm 1971 học vừa xong lớp 7 ông viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ để được vào Nam chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Chàng trai trẻ khi ấy mới ở tuổi 18 đôi mươi phải trải qua quãng thời gian huấn luyện gian khổ, sau đó mới được vào chiến trường. “Tháng 10 năm 1972, tôi được đưa vào miền Nam chiến đấu ở đơn vị Tiểu đoàn 78, Trung đoàn 429. Tôi cùng đơn vị đã tham chiến ở nhiều chiến trường khác nhau với nhiều trận đánh lớn. Năm 1989 tôi trở về quê hương với thương tật 61% trên người”, ông Tài nhớ lại.

Ông Hoàng Anh Tài bên cây cầu phao dân sinh do ông tự bỏ tiền xây dựng phục vụ người dân.
Ông Hoàng Anh Tài bên cây cầu phao dân sinh do ông tự bỏ tiền xây dựng phục vụ người dân.

Về quê hương sau bao năm xa cách, ông Tài thấy người dân quê mình vẫn chẳng khấm khá hơn là mấy. Cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám, khổ nhất vẫn là sự chia cách bởi dòng sông Lạng. Từ quê ông muốn qua bên kia sông phải đi bằng đò tạm, người dân đã khổ, nhìn các cháu học sinh hàng ngày đến trường bằng đò còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần.

Chứng kiến những cảnh đó, ông Tài đã nhiều đêm trăn trở làm sao có thể xây được một cây cầu bắc qua sông để người dân qua lại. Không có cầu, không chỉ qua lại khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng con người mà đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế của thôn quê sẽ không bao giờ đi lên được.

“Trăm trở là thế, nhưng để đi đến hiện thực quả là vô cùng khó khăn. Nếu chờ tiền ngân sách địa phương xây cầu thì chưa biết đến bao giờ. Vận động bà con nhân dân đóng góp tiền thì cũng rất khó, bởi người dân miếng cơm còn phải chạy ăn từng bữa nói gì có tiền mà đóng góp. Suy nghĩ nhiều cuối cùng tôi cũng quyết tâm xây bằng được cây cầu phao để phục vụ người dân”, ông Tài tâm sự.

Trình bày nguyện vọng được các cấp chính quyền địa phương đồng ý, ông Tài đã “vét” toàn bộ số tiền tiết kiệm của gia đình để mua vật liệu làm cầu. Không đủ tiền, ông tiếp tục đi vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau. May mắn cho ông khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ những người anh em, đồng chí, đồng đội ở Hội Cựu chiến binh từ xã lên đến huyện. Mọi người đã cùng ông chung tay góp sức xây dựng cầu phao cho bà con nhân dân an tâm đi lại.

Năm 1997, cây cầu phao bắc qua sông Lạng hoàn thành trước sự vui mừng khôn tả của người cựu binh, cùng bà con nhân dân trong vùng. Cầu phao bằng sắt dài hơn 100m, rộng 2,5m bắc qua sông chắc chắn, mọi người thoải mái qua lại. Có cây cầu, ai cũng phấn khởi vui mừng, còn ông Tài thì ngày ngày ra nhìn ngắm cây cầu mơ ước không chỉ của riêng mình mà của biết bao thế hệ người dân quê nghèo.

Ông bảo: “Có cây cầu, người dân đi qua đi lại mỗi ngày thuận tiện hơn, mọi sinh hoạt, giao thương trở nên nhộn nhịp. Ai qua cầu cũng vui mừng, niềm vui thể hiện rõ trên khuôn mặt với nụ cười rạng rỡ. Tôi mừng nhất là có cây cầu, các cháu học sinh không còn phải bỏ học, đi học muộn, nguy hiểm không còn rình rập vì ngăn sông cách đò”.

Có cây cầu phao bê tông, cuộc sống người dân quê nghèo Lạng Phong bớt khổ cực vì giao thương thuận tiện, học sinh đến trường không còn phải vượt những con đò tạm đầy hiểm nguy rình rập.
Có cây cầu phao bê tông, cuộc sống người dân quê nghèo Lạng Phong bớt khổ cực vì giao thương thuận tiện, học sinh đến trường không còn phải vượt những con đò tạm đầy hiểm nguy rình rập.

Anh Nguyễn Văn Tam, thôn Đồng An, xã Lạng Phong chia sẻ, nếu không có ông Tài bỏ tiền xây cầu, chẳng biết đến bao giờ chúng tôi mới có cây cầu vững chãi để đi lại. “Cây cầu hoàn thành được đưa vào sử dụng trong nhiều năm qua đã tạo niềm phấn khởi cho bà con và các em học sinh vì không còn phải lo sợ khi đi qua khúc sông này nữa”.

Đến năm 2002, nhận thấy nhu cầu của người dân đi lại ngày càng tăng và muốn nâng cao chất lượng, độ an toàn của cầu để phục vụ người dân, ông Tài đã đầu tư thêm 300 triệu đồng tu sửa thành cầu phao bê tông và đổ bê tông quãng đường bờ đê xuống hai bên đầu cầu để người dân đi lại thuận tiện hơn.

Với mục đích làm cầu để phục vụ người dân nên đến nay ông vẫn miễn phí phí qua cầu cho nhiều đối tượng như: người già, học sinh, giáo viên, cán bộ xã đi công tác và đặc biệt là các giáo dân xã Lạng Phong qua cầu sang xã Thượng Hòa đi lễ nhà thờ Giáo xứ Đồng Đinh vào mỗi cuối tuần.

Ông Lê Trung Văn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nho Quan cho hay, cựu chiến binh Hoàng Anh Tài là người tiên phong, gương mẫu giữa đời thường, đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Nhiều năm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lạng Phong, ông Tài nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp từ trung ương đến địa phương.

Thái Bá