Gia Lai:

Cuộc sống ở làng tái định cư nhiều… “không”

(Dân trí) - Những tưởng cuộc sống của bà con đồng bào làng Ia Bia (xã Ia Le, Chu Pưh, Gia Lai) sẽ ổn định hơn khi được di dời tới khu tái định cư mới. Trái lại với sự mong đợi, gần 10 năm nay đời sống bà con lại rơi vào cảnh “cùng cực” vì thiếu nước sinh hoạt và đất sản xuất. Nhiều hộ không có cái ăn đã phải quay về rừng sinh sống.

Khốn khổ vì làng nhiều… “không”

Trước kia bà con đồng bào làng Ia Bia sống men theo những sườn núi cao thuộc làng Puối B. Người dân nơi đây sống tách biệt so với các làng khác nên giao thông đi lại còn khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Cuộc sống bà con còn lạc hậu, lương thực chủ yếu là tự cung, tự cấp và hái lượm trong rừng để kiếm ăn.

Người dân bỏ làng đi vì không có nước sinh hoạt và đất đai cằn cỗi
Người dân bỏ làng đi vì không có nước sinh hoạt và đất đai cằn cỗi

Đến năm 2008, UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt dự án tái định cư và quyết định di dời hơn gần 500 nhân khẩu làng Puối B về khu tái định cư mới để thành lập làng Ia Bia. Với tổng kinh phí của dự án là 6 tỷ đồng, làng tái định cư Ia Bia được quy hoạch nằm dọc theo QL 14 (đoạn qua xã Ia Le, huyện Chư Pưh) với tổng diện tích trên 60 ha. Mỗi hộ chuyển đến ở sẽ được hỗ trợ xây dựng một căn nhà kiên cố và cấp thêm 1.500m2 đất vườn để trồng trọt.

Để giúp cuộc sống của người dân được an cư, lập nghiệp trên vùng đất mới, UBND tỉnh Gia Lai đã đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn. Dự án cũng đã xây dựng một công trình nước sạch gần 2 tỷ đồng để phục vụ cho bà con và lắp đặt thêm ống dẫn nước về cho từng hộ dân.

Sau khi triển khai dự án, bà con đồng bào làng Ia Bia đã kỳ vọng sẽ ổn định cuộc sống và yên tâm phát triển kinh tế được trên vùng đất mới. Nhưng 10 năm nay mong đợi sự hy vọng đề trái ngược, cuộc sống của bà con lại rơi vào cùng cực vì nguồn nước khan hiếm và nhiễm vôi, đất đai thì hoang hóa.


Người dân làng Ia Bia cố gắng trồng cây trên “đá”

Người dân làng Ia Bia cố gắng trồng cây trên “đá”

Gần 10 năm nay, làng Ia Bia là một trong 4 làng khó trăn trên địa bàn xã Ia Le. Làng có 102 hộ thì có đến 25 hộ cận nghèo, 68 hộ nghèo. Một trong những nguyên nhân chính khiến cái nghèo cứ “dai dẵng” là do nguồn nước khan hiếm và bị nhiễm vôi, đất đai hoang hóa, sỏi đá nên bà con không thể trồng được các cây hoa màu. Cũng chính vì thiếu nước sạch mà công trình nước sạch được đầu tư tiền tỷ cũng “đắp chiếu” bỏ hoang. Lâu dần hệ thống ống dẫn nước bằng kim loại đã có dấu hiệu rỉ xét, cỏ dại quanh khu vực bồn chứa nước. Trong khi đó, người dân làng Ia Bia lại phải đi hơn 3km sang làng bên để xin từng chai nước về sinh hoạt.

Gặp chúng tôi, anh Kpă Aluk than: “Khi mới chuyển về đây nước bị nhiễm vôi, lâu rồi nguồn nước cũng cạn kiệt. Dân làng đã phải bỏ tiền túi để khoan thêm giếng. Nhưng nguồn nước giếng cũng bị nhiễm vôi nên dân làng không dám uống mà chỉ để tắm rửa, giặt giũ. Hằng ngày dân trong làng phải đi bộ hơn 3km sang làng bên để xin nước về sinh hoạt. Thiếu nước, đất đai sỏi đá nên không cây hoa màu nào sống được… nhiều hộ bỏ xứ mà đi”.


Công trình nước sạch tiền tỷ bỏ hoang

Công trình nước sạch tiền tỷ bỏ hoang

Dẫn chúng tôi ra giếng nước bên hông nhà, ông Rmah Chik (Trưởng làng Ia Bia) chán nản nói: “Khi mới lập làng, nhà nước khoan cho làng 2 giếng nhưng sau đó phải bỏ không vì khi bơm lên nước có chứa phèn và nhiễm vôi. Dân cũng bỏ tiền ra khoan thêm 20 giếng và đào 8 giếng. Nhưng nước bơm lên để một lúc là mặt nước đóng một lớp màn trắng đục và có mùi hôi, vậy nên chúng tôi không dám uống, tưới cây trong vườn cũng sợ cây chết”.

Cuộc sống thiếu nước trầm trọng, đất đai cằng cỗi nên đã có hơn 20 hộ bỏ làng để trở về rừng sinh sống. Những hộ còn trụ lại chỉ biết “cuốc đá” để trồng nhưng cây lương thực ngắn ngày với hy vọng kiếm được cái gì bỏ bụng.

Điểm trường làng… 3 không

Nằm trên đỉnh đồi là điểm trường thôn Ia Bia (thuộc Trường tiểu học Kim Đồng, xã Ia Le). Điểm trường thôn Ia Bia phần lớn là con em người đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn đang theo học. Cũng khốn khổ không kém, điểm trường này không nước, không điện, không nhà vệ sinh. Thầy và trò điểm trường thôn Ia Bia đang từng ngày phải gánh chụi cái khắc nghiệt trên vùng hoang mạc này.


Điểm trường 3 không nơi làng tái định cư

Điểm trường 3 không nơi làng tái định cư

Nhìn những giọi mồ hôi chảy dài trên đôi má các em học sinh, chúng tôi có thắc mắc tại sao không bật quạt cho các em mát. Cô Lê Thị Nụ (giáo viên mầm non) cười và nói, quạt điện chỉ làm cảnh thôi, chứ điểm trường không có điện. Cô Nụ dãi bày, ở đây trăm sự thiếu thốn, nhất thiếu là nước sinh hoạt, nước uống cho các em học sinh. Thương các em nên các cô phải dạy từ sớm rồi dùng xe máy đi chở nước về trường cho các em dùng. Vì thiếu nước nên nhà vệ sinh xây xong rồi cũng đóng cửa, lâu ngày các thiết bị cũng bị hư hỏng. Sống trong cảnh khô hạn, thiếu nước sạch nên nhiều em cũng bị bệnh về đường ruột…

Theo ông Lê Thành Trung - Phó chủ tịch xã Ia Le Cho biết, Chính quyền địa phương cũng đã kiến nghị đến các cấp chính quyền để đưa ra các giải pháp khắc phục những khó khăn cho bà con khu tái định cư Ia Bia. Những biện pháp trước mắt, chính quyền đã tạo điều kiện, hỗ trợ những thủ tục để cho bà con người vay vốn để canh tác, nhưng lao động dư thừa thì liên hệ cho đi xuất khẩu lao động ở các nước như Ả Rập Xê Út tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con. Trong thời gian sắp tới chính quyền sẽ cấp cho 102 hộ dân nơi đây, mỗi hộ 1ha đất canh tác.

Phạm Hoàng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm