"Cuộc đua" biếu Tết nhà vợ giàu: Biếu 30 triệu đồng vẫn thấy tự ti

Hồng Anh

(Dân trí) - Anh Công hiểu, quà Tết chỉ là một phần, quan trọng là tình cảm nhưng thực tế vẫn như có một cuộc đua ngầm giữa các chàng rể. "Nếu mình biếu ít quá cũng thấy rất tự ti", anh Công nói.

 Rể cả biếu tiền, rể 2 biếu đào, rể 3 hoang mang không biết chọn gì

Năm đầu lập gia đình, anh Trần Thành Công (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thấy việc chọn quà Tết tặng bố mẹ vợ là một "nhiệm vụ" vô cùng khó khăn. Vợ anh Công là con út trong gia đình có 3 chị em và một anh trai.

Gia đình vợ đều làm ăn buôn bán, khá giàu có, cuộc sống chẳng thiếu thứ gì nên dịp Tết, anh Công đau đầu nghĩ cách chọn quà.

"Đã thành thông lệ, năm nào anh rể cả cũng biếu bố mẹ vợ đào, quất, các loại hoa độc, lạ theo năm và một khoản tiền. Anh rể thứ hai thì đưa bố mẹ vợ đi sắm Tết, quà tặng, đồ đạc mua sắm tầm 20 triệu đồng. Coi như những thứ cần cho Tết đã đủ đầy, tôi có mua sắm gì cũng thành dư thừa", anh Công kể.

Cuộc đua biếu Tết nhà vợ giàu: Biếu 30 triệu đồng vẫn thấy tự ti - 1

Nhiều chàng rể rất coi trọng việc biếu Tết bố mẹ vợ, họ coi đó là cách thể hiện tình cảm, sự gắn kết (Ảnh: Hồng Anh).

Tết Nguyên đán năm 2023, dù chưa chính thức kết hôn nhưng anh Công cũng được nhà vợ coi là thành viên chính thức của gia đình. Vì vậy, anh vẫn biếu bố mẹ vợ 10 triệu đồng.

"Năm nay đã là con rể rồi, chẳng lẽ lại biếu tiền tiếp, mà 20-30 triệu đồng với nhà vợ giàu thì chẳng là gì", anh Công nói.

Anh Công hiểu, quà cáp chỉ là một phần, quan trọng là tình cảm nhưng thực tế vẫn như có một cuộc đua ngầm giữa các chàng rể. "Nếu mình biếu ít quá thì cũng cảm thấy rất tự ti", anh Công nói.

Anh Vũ Tuấn Nam (quận Hoàng Mai) cho hay, sau nhiều năm biếu hết đào, quất, rượu ngoại, hoa quả nhập khẩu, anh Nam gần như không nghĩ ra sẽ mua quà gì biếu gia đình nhà vợ.

Bố vợ anh Nam làm giám đốc chi nhánh của một ngân hàng, mỗi dịp Tết, ông được nhận khá nhiều quà cáp của cấp dưới, các đối tác… Vậy nên, anh Nam biếu gì thì cũng trùng với các món quà mà bố vợ được nhận.

"Năm nay, sau khi suy nghĩ, tôi và vợ thống nhất sẽ chọn tặng bố mẹ vợ một chuyến nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm ở Hòa Bình. Khu nghỉ dưỡng này ở cách Hà Nội không xa, thuận tiện cho đi lại, sắp xếp thời gian. Tôi nghĩ, bố mẹ vợ chắc chắn rất thích món quà đặc biệt này".

Chuyên gia tâm lý gợi ý "món quà tuyệt vời nhất"

Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành (Trung tâm Coaching Hạnh Phúc) cho hay, nhiều chàng rể muốn thể hiện sự kính trọng, lòng biết ơn với bố mẹ vợ và tạo sự gắn kết tình cảm với gia đình vợ nên rất chăm chút cho các món quà Tết.

Tuy nhiên, phú quý sinh lễ nghĩa, khi điều kiện kinh tế phát triển thì nhiều chàng rể sinh ra cầu kỳ, suy nghĩ rằng, gia đình vợ giàu có thì mình phải chuẩn bị thế nào cho tương xứng và được lòng bố mẹ vợ. Nhiều bà vợ cũng lo chồng mình không chu đáo thì sẽ thua kém anh chị em trong nhà.

"Tôi nghĩ rằng, đó chỉ là quan niệm cá nhân của các chàng rể còn chưa chắc gia đình bên vợ đã cần như vậy. Tết Nguyên đán là dịp mọi người quây quần, gặp gỡ, trao tặng cho nhau những món quà ý nghĩa. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tấm lòng đối với bố mẹ vợ, sự quan tâm yêu thương đối với gia đình vợ.

Các chàng rể không nhất thiết phải dồn hết cho dịp Tết, chuẩn bị quà giá trị, độc lạ mới là thể hiện sự quý trọng với gia đình nhà vợ", chuyên gia Trần Kim Thành nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, món quà tuyệt vời nhất là duy trì tình cảm, sự quan tâm thăm hỏi một cách thường xuyên, trong cả năm chứ không riêng gì dịp Tết. Điều này sẽ mang lại tình cảm chân thật, sự gắn bó tình cảm thân thiết gần gũi một cách tự nhiên hơn.

Cuộc đua biếu Tết nhà vợ giàu: Biếu 30 triệu đồng vẫn thấy tự ti - 2

Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành (Ảnh: K. T).

Anh Nguyễn Văn Định là một kỹ sư công nghệ, cả gia đình vợ đều làm kinh doanh, anh rể có công ty riêng. Những năm đầu, anh Định cũng cảm thấy "áp lực" khi chọn quà Tết.

Tuy nhiên, sau khi làm rể được 2-3 năm, anh Định cảm nhận được tình cảm gia đình vợ, hiểu bố mẹ vợ rất thương con cái, trọng tình cảm và tính rất giản dị. Vậy nên những năm sau, anh Định thường chỉ tặng bố một ít chè ngon, mua tặng bố một chậu cây cảnh hay cành đào…

"Tôi có sao thì tặng vậy chứ không cố gắng gồng lên. Cuộc sống, con cái còn nhiều thứ phải lo, mình có kinh tế hay không bố mẹ cũng biết cả, cố "khoác chiếc áo quá rộng", bố mẹ vợ lại hiểu nhầm mình là kẻ sĩ diện thay vì trọng tình cảm", anh Định nói.