"Nhịn" ăn tiêu, chi hàng chục triệu đồng đau đầu chọn quà độc, lạ biếu sếp

Hồng Anh

(Dân trí) - Theo chị Thảo, khó nhất là tặng quà gì để sếp thấy đặc biệt và quà năm nay không được trùng năm trước.

Lùng hoa tiến vua, thịt nhập khẩu để không bị đụng hàng với đồng nghiệp

Cứ đến dịp cuối năm, nhiều người thường có thói quen biếu tặng quà đối tác, lãnh đạo nơi làm việc hoặc bạn bè, người thân. Biếu ai, biếu những gì, giá trị khoảng bao nhiêu luôn là câu hỏi khiến nhiều người đau đầu.

Chia sẻ với PV Dân trí, chị Lê H. (Nam Định) cho hay: "Mỗi dịp Tết, hai vợ chồng tôi thường không sắm gì cho bản thân mà chi tới 40 triệu đồng để biếu Tết và lì xì. Riêng quà biếu Tết phải lên tới gần 30 triệu đồng".

Chị H. làm ngành dịch vụ nhưng chồng chị làm trong một cơ quan nhà nước nên biếu sếp như một luật bất thành văn mà bất cứ đồng nghiệp nào trong cơ quan anh cũng thực hiện. Để gây ấn tượng với lãnh đạo, chồng chị H. thường nhờ vợ săn những món quà Tết thật độc, lạ.

Nhịn ăn tiêu, chi hàng chục triệu đồng đau đầu chọn quà độc, lạ biếu sếp - 1

Một cây đào tiến vua chị H. mua cho chồng biếu sếp.

"Nếu biếu giò chả, gà hay bánh kẹo đã quá bình thường. Tết đến, nhà ai cũng có những món này. Tôi thường phải tìm những món thật đặc biệt. Cách đây ba năm, tôi mua đào tiến vua để bàn, giá khoảng 1,8 triệu đồng 1 cây. Loại đào này thân cây xù xì, cánh nở dày, đỏ thắm rất đẹp và giá cao hơn hẳn những loại đào thông thường.

Có Tết tôi mua khay trà làm từ lũa. Chồng tôi cần biếu 4 lãnh đạo trong cơ quan. Mỗi món quà khoảng 2 - 2,5 triệu đồng", chị H. cho hay.

Nhịn ăn tiêu, chi hàng chục triệu đồng đau đầu chọn quà độc, lạ biếu sếp - 2

Khay trà gỗ lũa được đem biếu tặng dịp Tết.

Ngoài lãnh đạo cơ quan, chồng tôi còn có những mối quan hệ bên ngoài. Những mối quan hệ này cũng hỗ trợ chồng tôi trong công việc thường ngày nên Tết đến cũng là dịp để anh ấy thể hiện sự biết ơn vì đã giúp đỡ anh trong cả một năm.

Theo chị H., để tính đường dài cho sự nghiệp của chồng, việc chăm chút cho các món quà biếu Tết là cần thiết. Chị sẵn sàng cắt giảm chi tiêu của bản thân để có những món quà tươm tất và "chất" nhất để chồng tự tin đi tết sếp.

Làm trong một ngân hàng, chị Nguyễn Thị Thảo (quận Long Biên, Hà Nội) cũng thường xuyên phải lùng sục khắp các cửa hàng, shop thực phẩm online để mua quà biếu sếp.

Chị Thảo kể: "Cái khó nhất là tặng quà gì để sếp thấy đặc biệt và quà năm nay không được trùng năm trước. Mấy năm trước đây thì tôi hay tết sếp rượu ngoại, bánh kẹo nhập khẩu. Tuy nhiên, khi đến nhà, tôi thấy ai cũng mua mấy món này".

Nhịn ăn tiêu, chi hàng chục triệu đồng đau đầu chọn quà độc, lạ biếu sếp - 3

Hải sản quý, đắt đỏ cũng được nhiều người lựa chọn làm quà Tết.

Theo chị Thảo, chị cần biếu 3 lãnh đạo cấp trên. Số tiền biếu Tết cũng lên tới hơn 10 triệu đồng. Năm ngoái, chị lùng mua đùi lợn muối Tây Ban Nha loại 3,75kg giá hơn 3 triệu đồng. Loại này được người bán quảng cáo là ủ muối 7 tháng, đặt trên giá gỗ, có kèm dao thớt. Khi ăn chỉ cần lấy dao lát mỏng uống cùng rượu vang, sâm panh rất ngon. Năm nay, chị chuyển qua mua một số loại hải sản tươi sống độc lạ. "Tôi tin là mấy loại quà này sếp thích, mà vợ sếp cũng ưng", chị Thảo nói.

Cũng theo người phụ nữ này, dịp Tết, ngoài quà Tết sếp, chị còn trăm thứ phải chi tiêu cho gia đình nhỏ và biếu bố mẹ đôi bên. Vì vậy, với số lương gần 50 triệu đồng của hai vợ chồng, chị phải tính toán, đo đếm thật kỹ lưỡng sao cho vẹn mọi đường.

Kinh tế eo hẹp cũng cố lo quà biếu sếp

Xem Tết là dịp tổng kết, cảm ơn những người đã giúp đỡ mình năm qua nên anh Trần Văn Tám (34 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) cũng luôn chăm chút cho các món quà cuối năm.

Số tiền thưởng năm của anh Tám thường ở mức 15 triệu đồng. Vậy nên, anh thường chi cho một suất quà biếu từ 200.000 - 300.000 đồng.

Anh Tám chia sẻ kinh nghiệm chọn quà Tết biếu sếp: "Người nhiều tiền có cách biếu của người nhiều tiền, tôi kinh tế eo hẹp hơn thì chọn các loại quà quê, hoa quả sạch. Năm nay, tôi đặt mua cam Cao Phong tại vườn. Loại cam này đang vào vụ, ăn ngọt đậm, rất ngon, giá chỉ khoảng 25.000 đồng/kg. Tôi đóng vào thùng giấy có nhãn hiệu đàng hoàng của nhà vườn. 10kg cũng chỉ 250.000 đồng, vừa đẹp, vừa lịch sự".

Nhịn ăn tiêu, chi hàng chục triệu đồng đau đầu chọn quà độc, lạ biếu sếp - 4

Theo anh Tám, hoa quả chính vụ cũng là một lựa chọn không tồi dịp Tết.

Với các sếp nam, anh thường nhờ bố mẹ ở Can Lộc, Hà Tĩnh nấu rượu nếp ngon rồi chứa trong các can 10 lít đem biếu. "Rượu Can Lộc nổi tiếng uống thơm ngon. Tôi thường biếu các sếp để họ đem về ngâm các loại thảo dược, các loại sâm hay đông trùng hạ thảo. Sếp nào cũng được nhận các loại quà này dịp Tết ngâm kết hợp với rượu của tôi là vừa đẹp", anh Tám nói.

Ông Trần Trung Quang, nhân viên kinh doanh của một công ty chuyên về sâm ngọc linh và các sản phẩm thảo dược ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho hay, dịp này, mặt hàng là các giỏ quà Tết của công ty ông bán khá chạy. "Giá của mỗi giỏ quà từ 900.000 đồng đến gần 4 triệu đồng. Khách mua ngoài các doanh nghiệp lớn đặt biếu đối tác còn có không ít khách lẻ mua đi biếu sếp, bạn bè, người thân", ông Quang cho hay.

Nhịn ăn tiêu, chi hàng chục triệu đồng đau đầu chọn quà độc, lạ biếu sếp - 5

Với nhiều người, quà biếu sếp là một hoạt động bắt buộc.

Tiếp xúc với nhiều nhóm khách hàng, ông Quang được nghe không ít tâm sự. Hầu hết đều cảm thấy, quà biếu sếp là một hoạt động bắt buộc. Có người thực tình xem quà Tết như một món quà truyền tải tình cảm chân thành, song cũng không ít người xem đây là "bệ đỡ", là lời nhắn nhủ mong sếp luôn quan tâm, giúp đỡ, chiếu cố trong công việc.

Quà Tết là một cuộc "đấu trí"

Biếu Tết vốn là một tục lệ tốt đẹp thể hiện sự biết ơn, tri ân, song đang dần trở thành gánh nặng, bị biến tướng với nhiều mục đích khác nhau.

Trao đổi với PV Dân trí, PGS. TS Phạm Văn Tình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học cho hay, quà Tết vốn là một phong tục, nét đẹp trong dân gian. Vào dịp Tết, mỗi người thường nghĩ đến những người thân của mình - bố, mẹ, anh, chị, em; những người ta kính trọng - thầy giáo, những người lớn tuổi hay những người có ơn nghĩa đối với chúng ta. Qua những món quà, người tặng muốn thể hiện tấm lòng tri ân của mình.

Theo vị chuyên gia, ngày xưa, quà Tết có thể chỉ là đôi gà trống, mấy cân gạo nếp, chiếc bánh chưng hay chút măng, miến, mộc nhĩ… Ngày nay, nhiều người đã lượng hóa bằng phong bì, thậm chí vàng bạc hay những món đồ đắt đỏ.

Tùy theo các mối quan hệ và các vấn đề mà quà to hay nhỏ. Nếu "chạy" một dự án hay lo chuyện gì đó mà cần sự "bôi trơn" thì với nhiều người, quà chính là một cách giải quyết hợp lý và đem lại hiệu quả không ai ngờ tới.

"Đã gọi là quà thì không ai lấy giá trị vật chất định giá mà sẽ nhìn vào nghĩa cử và cách ứng xử. Cũng như tiền lì xì, không phải cứ mừng nhiều tiền là hay, bởi theo quan niệm truyền thống, hành động lì xì chỉ là một nghi thức có tính làm phước để cho may mắn. Quà Tết cũng vậy, điều quan trọng là ở tấm lòng. Quà có thể là chút ít vật chất nhưng cũng có thể mang ý nghĩa tinh thần như bông hoa hay một bài thơ", PGS Phạm Văn Tình nhấn mạnh.

Đặc biệt, theo vị chuyên gia này, nếu đem quà lượng hóa ra vật chất sẽ khiến quà Tết mất đi ý nghĩa thiêng liêng. Ông phân tích: "Bên cạnh những nét đẹp vốn có thì nhiều người đang biến quà Tết thành một tệ nạn.

Mặc dù mang vỏ bọc là tri ân những người đã giúp đỡ mình nhưng người tặng luôn gắn món quà với một thông điệp, đây là sự trả nghĩa, trả ơn của bản thân. Bên cạnh đó, nó còn là vật làm tin để họ có thể đạt được các mục tiêu của mình.

Một người đang muốn nhờ việc gì đó như làm nhà, thăng chức, lên lương… thì món quà chính là thông điệp để người nhận quà hiểu rằng mình phải có trách nhiệm với nguyện vọng của người tặng quà. Món quà đem đến một sự ràng buộc và mang màu sắc hối lộ là chính".

Theo PGS Phạm Văn Tình, quà Tết đang dần trở thành một vấn nạn, xã hội dẫu biết nhưng vẫn phải thực thi.

"Tôi từng thấy nhiều người đến Tết lại "méo mặt" vì không biết tặng quà Tết, biếu sếp ra sao cho hợp lý bởi sở thích mỗi người khác nhau. Với không ít người, việc biếu quà Tết như một cuộc "đấu trí".

Chẳng hạn có mấy ứng cử viên muốn tranh một chức vụ nào đó và ai cũng muốn tác động tới sếp qua quà Tết. Người biếu tặng nếu muốn vượt lên trên đối thủ, tạo ấn tượng với sếp thì phải tính toán cẩn thận. Đây có thể là câu chuyện dở khóc dở cười, thậm chí bi kịch khi nhiều người mất quà nhưng vẫn chẳng nhận lại được bất cứ điều gì", ông chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm