"Cuộc chiến" con nghỉ hè: Gửi cho quán cơm bụi, chở đi làm mỗi ngày

Hồng Anh

(Dân trí) - Từ đầu tháng 6, hai vợ chồng chị Thanh đã lên lịch mỗi người xin nghỉ phép vài ngày trông con. Một số buổi còn lại, họ chia nhau chở con lên cơ quan, chờ ngày trường mở lớp trông hè.

Bố mẹ chia nhau nghỉ phép trông con

7h sáng, bé Gia Huy đã được mẹ đánh thức để vệ sinh cá nhân, ăn sáng. So với những ngày trong năm học, Huy chỉ được "ngủ nướng" thêm 30 phút bởi còn phải dậy theo mẹ đến chỗ làm.

Hai năm nay, khi Gia Huy bắt đầu học tiểu học, cứ đến dịp hè, chị Đỗ Thùy Linh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại đau đầu với việc trông con. Quê nội ở quá xa, nhà ngoại thì neo người, bố mẹ đã già yếu nên dịp hè, chị chỉ cho con về quê mấy ngày rồi lại đưa lên Hà Nội.

"Trường của con có tổ chức một số câu lạc bộ sinh hoạt hè nhưng giờ giấc đưa đón cũng khá bất tiện. Đón muộn và trả sớm, không phù hợp với lịch đi làm của tôi.

Vì vậy, hàng ngày tôi phải cho con đến chỗ làm. Cũng may công ty quy mô nhỏ, sếp cũng tạo điều kiện hỗ trợ. Buổi sáng con đến ngồi đọc truyện, tô tranh, xem ipad ở phòng họp, chiều thì ngủ đến 15h, chơi một lúc là về với mẹ", chị Linh kể.

Cuộc chiến con nghỉ hè: Gửi cho quán cơm bụi, chở đi làm mỗi ngày - 1

Nhiều cha mẹ lo ngại, con nghỉ hè sẽ xem ti vi quá nhiều (Ảnh: Hồng Anh).

Thời gian này, chị Thanh Thảo (ở TPHCM) đếm từng ngày mong đến lúc trường mở cửa trở lại dịp hè. Chị kể, từ đầu tháng 6, hai vợ chồng chị đã lên lịch mỗi người xin nghỉ phép mấy ngày trông con.

Những ngày còn lại, cả hai xin phép lãnh đạo công ty tạo điều kiện cho đem con theo. Đến ngày 17/6, trường mầm non nơi con gái chị học mới tổ chức giữ trẻ dịp hè nên chị sẽ gửi con đến lớp. 

"Biết rằng trẻ con phải được nghỉ hè để vui chơi thỏa thích nhưng thực tình với điều kiện của gia đình tôi, nội ngoại đều ở ngoài xa, chúng tôi không thể nhờ ai hỗ trợ. Con còn quá nhỏ nên tôi chỉ an tâm gửi con ở trường học", chị Thảo nói.

Vì không có ai trông con dịp hè nên chị Phạm Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng phải cho con đến chỗ làm cùng. Công ty của chị thuê trụ sở ngay sát nơi chị ở nên chị vừa kết hợp cho con ở nhà, vừa đưa đến chỗ làm.

Chị chia sẻ: "Nếu để con ở nhà thì bé sẽ xem ti vi rất nhiều, ít vận động. Vì vậy, thi thoảng tôi sẽ gọi con đến công ty cho con có không gian chạy nhảy, rèn luyện khả năng quan sát… Nói chung nghỉ hè sẽ tốn nhiều khoản, bố mẹ cũng sẽ vất vả hơn".

Trông con qua camera, gửi con cho quán cơm bụi

Suốt hơn một tuần nay, cứ đến bữa cơm trưa là chị em Thảo Vy (một học cấp 1, một học cấp 2) lại tự giác xuống quán cơm gần nhà để ăn bữa trưa. Nghỉ hè cả hai không về quê, bố mẹ thì bận đi làm cả ngày nên hai chị em quanh quẩn chơi với nhau, đến bữa thì xuống quán ăn cơm.

Mẹ của Thảo Vy đã nhờ chủ quán đôn đốc các con ăn hết 2 suất cơm 35.000 đồng mỗi ngày, tiền của bữa ăn sẽ được thanh toán trước hoặc sau cho chủ quán.

Cuộc chiến con nghỉ hè: Gửi cho quán cơm bụi, chở đi làm mỗi ngày - 2

Hai chị em bé gái được bố mẹ gửi xuống quán cơm để ăn bữa trưa trong dịp hè (Ảnh: Hồng Anh).

Chủ quán cơm nơi chị em Vy dùng bữa mỗi ngày chia sẻ, dịp hè này có nhiều gia đình cũng gửi con xuống quán mỗi bữa trưa. Thay vì nấu ăn sẵn cho con, các bà mẹ muốn con được ăn cơm canh nóng.

Ăn uống xong các bé cũng không cần dọn dẹp, rửa bát. Nhiều bé ăn nhanh nhưng cũng không ít bé ngủ dậy muộn, ăn sáng muộn, đến trưa ngồi cả tiếng mới xong bữa cơm.

Dịp hè này, chị Đinh Thị Thanh (ở Thành Công, Đống Đa) không gửi  3 con trai về quê mà để cả 3 ở Hà Nội. Con trai lớn học lớp 8 có nhiệm vụ trông 2 em nhỏ 5 tuổi và 8 tuổi. Mọi hoạt động được chị Thanh giám sát qua camera. Ngồi làm việc nhưng chốc chốc, chị lại phải mở camera kiểm tra.

"Tôi giao bài tập cho các con, nấu bữa trưa để sẵn và nhắc nhở qua camera. Các bé cũng khá nghe lời nhưng đôi khi mải chơi cũng quên cả giờ ăn, giờ ngủ", chị Thanh nói.

Theo chị Thanh, nghỉ hè là dịp để các con vui chơi, nghỉ ngơi nên chị không muốn cho con đến các lớp học hè. Vì công việc của hai vợ chồng đều bận nên chị đành để các con tự chơi. Tuy vậy, đôi khi chị không tránh khỏi lo lắng bởi những tình huống phát sinh ngoài dự kiến.

Cuộc chiến con nghỉ hè: Gửi cho quán cơm bụi, chở đi làm mỗi ngày - 3

Ba con của chị Thanh tự chơi với nhau trong dịp hè (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Bà mẹ 3 con kể: "Hôm trước, tủ lạnh nhà tôi có vấn đề, tôi có dặn con trai lớn đến gần trưa thì cắm lại cho tủ hoạt động. Ai ngờ khi cắm phích bị chập điện, aptomat tự ngắt toàn bộ hệ thống điện. Con trai hốt hoảng gọi cho tôi, may là nhà tôi ở chung cư, tôi đã hướng dẫn con gọi điện nhờ bộ phận kỹ thuật tòa nhà hỗ trợ".

Giống như chị Thanh, chị Nguyễn Lương (An Khánh, Hoài Đức) cũng đành để các con tự trông nhau dịp hè. Hai cậu bé lớp 7 và lớp 3 đôi khi không tránh khỏi những lần xích mích, cãi nhau. Chị Lương bận làm việc ở công ty nhưng lại phải tức tốc gọi điện về phân xử.

Nhiều hôm cả hai bỏ bữa, bỏ giấc ngủ trưa, đến chiều mẹ về còn nguyên mâm cơm đã nấu từ sáng.

"Hè là khoảng thời gian ý nghĩa với các con nhưng đôi khi với bố mẹ lại là cuộc chiến đau đầu, khiến cuộc sống gia đình đảo lộn", chị Lương cho hay.

Cuộc chiến con nghỉ hè: Gửi cho quán cơm bụi, chở đi làm mỗi ngày - 4

Hai cậu bé ở nhà trông nhau, được mẹ chuẩn bị sẵn bữa trưa trong dịp hè (Ảnh: Hồng Anh).

Chủ đề trông con ngày hè cũng được chia sẻ nhiều trên các diễn đàn. Nhiều cha mẹ nói vui nghỉ hè là niềm vui của con cái nhưng lại là nỗi "ác mộng" của cha mẹ.

Không ít bà mẹ đặt câu hỏi làm thế nào để cân bằng cả việc học và việc chơi của con trong những ngày hè vì con được nghỉ nhưng ba mẹ vẫn đi làm.

Nhiều gia đình không có điều kiện cho con đi du lịch mà chủ yếu cho trẻ ở nhà sử dụng thiết bị công nghệ… Nếu cho con đi học hè nhiều thì họ sợ con sẽ có ít trải nghiệm, ngột ngạt không có thời gian nghỉ ngơi, nhưng nếu ở nhà nhiều thì trẻ sẽ xem tivi, điện thoại, sinh hoạt không có giờ giấc.

Trước những băn khoăn trên, từ kinh nghiệm của gia đình, anh Trần Tuấn Dương (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, thay vì để con ở nhà suốt ngày, cha mẹ có thể kết hợp các lớp thể thao, năng khiếu, trại hè để các con có cơ hội giao lưu học hỏi, bổ sung kỹ năng sống…

Ngoài ra, có thể nhờ sự trợ giúp của họ hàng, người thân trong một vài thời điểm vừa là để giảm bớt áp lực cho bố mẹ, vừa để gia tăng tình cảm gia đình.

Cô giáo Nguyễn Thị Thêu, giáo viên tiểu học ở Nam Định chia sẻ, không phải tự nhiên học sinh được nghỉ hè. Do thời tiết, do nhịp sinh học các em cần thời gian để tái tạo sức lực và phát triển. Vì vậy, bố mẹ nên tùy từng hoàn cảnh để  tạo điều kiện cho các con có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa.