Cô gái đi trà chanh mất xe SH 100 triệu đồng, chủ quán có phải bồi thường?

Tô Sa

(Dân trí) - Câu chuyện cô gái đến quán trà chanh mất xe SH gần 100 triệu đồng được chia sẻ rộng rãi trên các diễn đàn mạng xã hội. Trong trường hợp này, chủ quán có phải bồi thường?

Ngày 20/10, P.T. (22 tuổi) đến một quán trà chanh trên đường Vũ Phạm Hàm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) uống nước.

Cô cho biết được "được nhân viên quán hướng dẫn vị trí để xe, nói sẽ trông xe hộ" nên yên tâm làm theo hướng dẫn, sau đó vào quán uống nước. 

Một tiếng sau, cô phát hiện chiếc xe SH125 (giá gần 100 triệu đồng thời điểm mua) đã biến mất. Camera an ninh cho thấy hai kẻ lạ mặt đã dắt xe đi. 

Chủ quán tên V. cho rằng "quán kinh doanh nước chứ không đăng ký dịch vụ trông giữ xe, khách hàng phải tự bảo quản xe của mình". Nam nhân viên phục vụ cũng phủ nhận "hướng dẫn và nói quán trông xe cho khách". 

Chủ quán muốn giải quyết ổn thỏa, nói T. đưa ra con số bồi thường cụ thể. Cô gái đề nghị được đền bù 50% giá trị xe hiện tại, khoảng 35 triệu đồng, nhưng chủ quán "chỉ hỗ trợ 2 triệu đồng về mặt tình cảm". 

Câu chuyện "đi trà chanh mất xe SH" được chia sẻ rộng rãi trên các diễn đàn mạng xã hội những ngày qua. Trong trường hợp này, chủ quán có phải bồi thường?

Cô gái đi trà chanh mất xe SH 100 triệu đồng, chủ quán có phải bồi thường? - 1

Quán trà chanh nơi xảy ra vụ việc (Ảnh: Viên Minh).

Hợp đồng giữ tài sản có thể bằng miệng hoặc bằng hành vi

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết pháp luật hiện chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm cửa hàng phải trông giữ xe cho khách, mà tùy thuộc cách thức hoạt động của mỗi cơ sở. 

Nếu cửa hàng bố trí người giữ xe (nhân viên của quán hoặc của công ty dịch vụ, công ty bảo vệ) thì về mặt pháp lý, giữa cửa hàng và khách hàng đang tồn tại giao dịch gửi/giữ tài sản theo quy định tại Điều 554 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) về hợp đồng giữ tài sản. 

Theo đó, bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng. Bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công. 

Theo quy định, các bên giao kết không nhất thiết phải lập bằng văn bản. Căn cứ tại khoản 1 Điều 119 BLDS, hợp đồng gửi/giữ tài sản có thể được giao kết thông qua lời nói, hành vi. 

"Theo lời kể của khách hàng, khi đến quán cô được nhân viên hướng dẫn vị trí gửi xe và nói rằng sẽ có người trông hộ. Trong trường hợp này, việc trông giữ xe được coi là một giao kết hợp đồng dân sự bằng lời nói và hành vi", luật sư cho hay. 

Khoản 4 Điều 557 của Bộ luật này quy định nghĩa vụ của bên giữ tài sản phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp bất khả kháng.

Do đó, cô gái có quyền yêu cầu bồi thường và quán trà chanh phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.

Cô gái đi trà chanh mất xe SH 100 triệu đồng, chủ quán có phải bồi thường? - 2

Cửa hàng bên cạnh quán trà chanh dùng khóa dây bảo vệ xe máy cho khách (Ảnh: Viên Minh).

Ai sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù?

Theo luật sư Tiền, khi xảy ra mất mát tài sản, trách nhiệm và mức bồi thường thiệt hại được xác định qua 2 trường hợp.

Nếu cửa hàng có nhân viên trông giữ xe hoặc phát hành vé xe: Đây là quan hệ pháp luật dựa trên sự thỏa thuận của hai bên về việc gửi xe (khách hàng) và trông giữ xe (đại diện cửa hàng). 

Bên trông giữ xe làm mất tài sản của bên gửi xe là căn cứ để xem xét về hành vi vi phạm hợp đồng mà các bên đã giao kết, theo quy định tại khoản 2 Điều 556 BLDS 2015.

Theo đó, khách hàng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, còn cửa hàng có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho chủ xe theo quy định tại Khoản 4 Điều 557 BLDS 2015. 

Mức bồi thường thiệt hại sẽ căn cứ vào giá trị thực tế của chiếc xe tại thời điểm bị mất.

Việc định giá sẽ do các cơ quan có chuyên môn về thẩm định giá hoặc dựa trên giá chung trên thị trường để kết luận và do các bên thỏa thuận về mức bồi thường. 

Nếu cửa hàng không có nhân viên giữ xe: Khi cửa hàng không có nhân viên trông giữ xe, không phát hành vé xe, không có bảo vệ hướng dẫn khách hàng tới bãi đỗ xe, không có thông báo về việc trông giữ xe, thì chủ cửa hàng không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 

Trên thực tế, một số cửa hàng phân định rạch ròi giữa trách nhiệm của quán và khách hàng bằng cách dán biển thông báo: "Khách hàng tự bảo quản đồ đạc, mũ bảo hiểm, phương tiện… Nếu mất, cửa hàng không chịu trách nhiệm".

Cô gái đi trà chanh mất xe SH 100 triệu đồng, chủ quán có phải bồi thường? - 3

Sau sự cố mất xe SH của khách, quán treo biển "khách tự bảo quản tài sản và đồ cá nhân" (Ảnh: Viên Minh).

Luật sư cho hay, nhiều trường hợp khách hàng mất tài sản giá trị lớn như xe SH, các chủ cửa hàng thường "phủi" trách nhiệm với lý do "không nhận trông giữ xe", hoặc tìm cách không phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường đối với tài sản của khách.

Để đòi bồi thường, người mất tài sản cần thu thập và chuẩn bị chứng cứ, tài liệu liên quan đến việc mất xe, như: vé trông giữ xe, biên bản về việc mất xe, biên bản làm việc giữa hai bên, video ghi hình mất xe (do camera an ninh ghi lại), băng ghi âm làm việc giữa khách hàng và chủ quán, lời trình bày của người làm chứng… để chứng minh việc mất xe đã xảy ra cũng như xác định mức độ lỗi của bên trông giữ xe. 

Khách hàng có thể thỏa thuận trực tiếp với nhân viên nhận trông xe, chủ quán để thương thảo nhằm đưa ra mức bồi thường hợp lý dựa trên giá trị tài sản đã mất.

Nếu các bên không thỏa thuận được mức bồi thường, người bị mất tài sản có thể làm đơn khởi kiện lên tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Trần Xuân Tiền khuyến cáo người dân lựa chọn quán ăn, nhà hàng, quán cà phê… có nhân viên hoặc bảo vệ trông giữ tài sản. Nếu không, khách hàng nên đem tài sản đến gửi những cơ sở nhận trông giữ uy tín.

Liên quan vụ việc này, lãnh đạo Công an phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đơn vị đã nhận được đơn trình báo mất xe máy của P.T. và chuyển hồ sơ lên Công an quận Cầu Giấy.