TikToker review sai dọa "đánh sập" nhà hàng, chủ quán có thể kiện
(Dân trí) - Theo luật sư, một bộ phận TikToker, YouTuber và Reviewer lạm dụng sự nổi tiếng trên mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực, đe dọa "đánh sập" nhà hàng, quán ăn.
Trao đổi với Dân trí, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trong bối cảnh mạng xã hội "bùng nổ", nghề review (đánh giá, nhận xét) dần trở nên phổ biến và được nhiều người theo đuổi, đặc biệt thế hệ Gen Z.
Theo ông, không thể phủ nhận việc review quán ăn trên các nền tảng mạng xã hội có thể mang đến những gợi ý giúp người tiêu dùng tham khảo thêm về sản phẩm, dịch vụ.
"Nếu một Reviewer đưa ra những đánh giá, nhận xét một cách xác thực với tình hình thực tế thì không những giúp người mua có lựa chọn phù hợp mà còn giúp người bán tăng doanh thu", ông Tiền nói.
Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận TikToker, YouTuber và Reviewer lạm dụng sự nổi tiếng trên mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực, đe dọa "đánh sập" nhà hàng, quán ăn.
Luật sư cho biết, pháp luật hiện hành không cấm đánh giá sản phẩm, chất lượng dịch vụ dựa trên ý kiến cá nhân. Ngược lại, người dân có thể tự do sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội trong khuôn khổ pháp luật.
"Điều đó có nghĩa các nhà sáng tạo nội dung thoải mái review sản phẩm, thương hiệu, quán ăn,... nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác", luật sư Trần Xuân Tiền nhấn mạnh.
Điều 8 Luật an ninh mạng năm 2018 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng. Đồng thời, Điều 9 Luật này cũng quy định, tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm an ninh mạng, các đối tượng sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt bồi thường nếu gây ra thiệt hại.
Cụ thể, căn cứ Điều 101 Nghị định 15/2020/ NĐ- CP quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, mức xử phạt từ 10 đến 30 triệu đồng.
Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn phải buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.
Trường hợp hành vi có đủ căn cứ cấu thành tội phạm thì người có hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ vào hành vi cụ thể và các yếu tố cấu thành tội phạm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm về các tội danh khác nhau theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như: Tội làm nhục người khác (Điều 155), Tội vu khống (Điều 156)...
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Khoản 2 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2021 cũng quy định bị hại có quyền "đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường".
"Như vậy, nếu TikToker, YouTuber review sai sự thật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của quán ăn, thương hiệu thì chủ quán hoàn toàn có quyền khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, khi yêu cầu khởi kiện, chủ quán ăn, thương hiệu cần cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh có thiệt hại thực tế xảy ra và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của TikToker với thiệt hại xảy ra trên thực tế", luật sư Tiền phân tích.
Ông khuyến cáo, người tiêu dùng nên chọn lọc thông tin từ các Reviewer, không nên tin tưởng một cách mù quáng. Đồng thời tham khảo nhiều nguồn khác nhau hoặc tự trải nghiệm để có cái nhìn đúng đắn nhất.
Hơn nữa, khẩu vị, cảm nhận của từng người cũng khác nhau. Đôi khi người này cảm nhận hương vị thức ăn ngon nhưng người kia lại thấy không hợp miệng, hoặc sản phẩm hợp với người này nhưng không hợp với người kia.
"Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác kiểm duyệt nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, tuyên truyền pháp luật, đưa ra những thông tin cảnh báo và mức xử phạt cụ thể đối với các hành vi đưa thông tin sai lệch với tính chất nguy hại đến cộng đồng", luật sư Trần Xuân Tiền cho hay.
Ông cũng khuyên người dân, nhất là giới trẻ cần trang bị những kỹ năng cần thiết trong việc chọn lọc, nhận diện thông tin có ích cho bản thân và xã hội, tránh để những thông tin sai lệch lan truyền diện rộng.