Cô dâu Việt ở Hàn Quốc: "Đêm giật mình tỉnh dậy cũng sờ tay lên trán"
Sống cách tâm dịch Covid-19 ở Daegu (Gyeongsang) khoảng 1,5 tiếng đi xe, những ngày này, gia đình chị Xuân chọn cách ở nhà để bảo vệ sức khỏe.
Nơi chị Xuân sinh sống cùng gia đình cách tâm dịch Daegu (tỉnh Gyeongsang) khoảng một tiếng rưỡi đi xe ô tô.
Chị Xuân chia sẻ, những ngày qua, dịch Covid-19 bùng phát tại Hàn Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống nơi đây.
Mỗi ngày, chính quyền sở tại đều gửi nhiều tin nhắn khẩn cấp đến điện thoại người dân, thông báo số lượng ca nhiễm bệnh, cách phòng tránh dịch an toàn và đưa ra lời cảnh báo: 'Nếu không có việc gì cần thiết, không nên ra ngoài'.
‘Hơn một tuần nay, đường phố vắng tanh. Các hộ dân đóng cửa kín mít, ít người ra đường.
Chồng tôi kinh doanh trong một khu chợ nhưng đã tạm thời đóng cửa, nghỉ ở nhà, theo dõi tình hình qua các phương tiện truyền thông. Nhiều tiểu thương cũng lo sợ, quyết định nghỉ bán.
Con trai lớn của tôi học lớp 1 cũng đang được nghỉ ở nhà. Bản thân tôi luôn có cảm giác bất an. Đêm đến đang ngủ, giật mình tỉnh giấc, tôi cũng sờ tay lên trán mình và chồng con, xem có ai bị sốt không’, chị Xuân nói.
Theo lời chị Xuân, sau khi sinh, nhiều phụ nữ Hàn Quốc ở nhà chăm con. Bởi vậy, các gia đình không phải lo lắng tìm nơi gửi con hay bố trí thời gian trông con khi học sinh được nghỉ dài ngày.
Thứ 5 tuần trước, nghe thông tin về dịch bùng phát, chị Xuân cũng đã đi siêu thị mua gạo, mì tôm và nhiều thực phẩm khác, tích trữ.
Chỉ một ngày sau đó, mức độ lây lan của dịch lên đỉnh điểm, mọi người bắt đầu đổ xô mua đồ tích trữ, dẫn đến ‘cháy’ các mặt hàng thực phẩm. Nhiều siêu thị, quầy hàng rau, củ quả trống trơn.
Chị Xuân cũng cho biết, hiện ở nơi chị sống, khẩu trang và nước rửa tay khô khan hiếm. Khẩu trang phòng dịch tăng giá lên 50 nghìn đồng, có nơi bán 70 nghìn đồng/chiếc. Nhiều địa điểm, trung tâm thương mại, hàng dài người xếp hàng mua khẩu trang.
Do đề phòng từ trước, gia đình chị Xuân không gặp khó khăn gì về lương thực và đồ phòng hộ. Khi có việc ra ngoài, lúc trở về nhà, chị và chồng thường dùng nước sát khuẩn rửa tay, thay hết quần áo, mang đi giặt bằng nước nóng. Khẩu trang dùng một lần là bỏ.
Ngoài biện pháp tránh xa nơi đông người, sử dụng đồ phòng hộ theo đúng hướng dẫn, xịt nước sát khuẩn, chị Xuân chủ động tăng cường hệ miễn dịch cho gia đình bằng chế độ ăn đủ chất, uống nhiều nước, nhiều sữa chua, hoa quả giàu vitamin C. Thực phẩm được nấu chín.
‘Tính đến thời điểm này, Hàn Quốc xác định có hơn 900 người nhiễm Covid-19.
Để phòng tránh dịch, nhiều công ty, cơ sở sản xuất, nhà hàng, quán ăn đóng cửa tạm thời. Những khu vui chơi, giải trí, trung tâm mua sắm, ăn uống ngày thường đông nghịt người, nay trở nên vắng vẻ, đìu hiu. Phương tiện xuất hiện nhiều trên đường phố có lẽ là xe cứu thương’, người phụ nữ 28 tuổi thông tin thêm.
Mặc dù Việt Nam đang kiểm soát dịch khá tốt nhưng chị Xuân cho biết, sẽ ‘án binh bất động, không về nước trong thời gian này.
‘Tôi xác định ở nhà là cách tốt nhất để bảo vệ mình. Sân bay là nơi đông người, mình không bị bệnh nhưng ra đó, ai dám khẳng định là không bị lây chéo. Nhỡ mắc bệnh, mang về Việt Nam lại khổ mình, khổ người thân.
Gần nơi tôi ở cũng có nhiều du học sinh Việt. Một vài người đặt vé về nước nhưng một số bạn ở lại, vì muốn tránh đến sân bay và tránh di chuyển bằng các phương tiện công cộng như: Xe buýt, xe taxi', chị Xuân nói.
Theo Vietnamnet