Gia Lai:
Chuyện những người "trả nghĩa" cho rừng xanh
(Dân trí) - Từ xưa đến nay, bà con đồng bào đã sinh ra từ rừng và sống dựa vào rừng để sinh tồn. Tuy nhiên, sau khi hiểu những lợi ích mà rừng đưa lại, họ đã dành cả đời để bảo vệ rừng xanh.
Từ "thợ rừng" thành người bảo vệ rừng
Từ xưa, bà con đồng bào bản địa người Ba Na, Jrai đã sinh sống trên những cánh rừng của đại ngàn Tây Nguyên. Dẫu trải qua những biến cố lịch sử nhưng họ vẫn luôn sống dựa vào rừng để sinh tồn.
Họ làm rẫy, săn bắn, đi hái lá rừng để phục vụ vào bữa ăn và kiếm thêm thu nhập. Ba người đàn ông tên là Djưng (SN 1968), Chưn (SN 1977) và A Mưm (SN 1980, cùng trú tại làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang, Gia Lai) cũng không là ngoại lệ.
Đây là những "thợ rừng" có tiếng ở ngôi làng cạnh sông Ayun. Ngoài săn bắt thú làm thức ăn hàng ngày cho gia đình, họ còn bán cho những người có nhu cầu. Vì vậy, nhiều động vật rừng như: mang, heo, gà, thỏ, khỉ… là "nạn nhân" của những "thợ rừng" này.
Anh A Mưm thật thà kể: "Mình từng là thợ săn giỏi nhất vùng này. Hồi đó, nhắc đến tên mình là ai cũng kiêng nể bởi lần nào mình vào rừng đặt bẫy đều dính. Ngày đó nó vậy, nếu không vào rừng thì lấy gì mà nuôi con cái, dân mình bao đời sống dựa vào rừng mà".
Tương tự, ông Djưng cũng từng là một thợ săn thú có tiếng trong làng. Mỗi cánh rừng, con suối trong rừng Kon Ka Kinh đều ghi dấu chân của ông Djưng. Ông thuộc địa thế của rừng và vị trí mà các động vật trú ngụ như lòng bàn tay. Nguồn thức ăn từ rừng đã nuôi lớn 4 đứa con ông trong những mùa giáp hạt đói kém.
Ông Djưng nhớ lại: "Lúc tôi còn nhỏ thường được người lớn tuổi trong làng dẫn vào rừng đi săn và chỉ cách đặt bẫy, bắn nỏ... Đi riết theo mọi người nên tôi biết nhiều về rừng. Thời kỳ đó, cả làng cùng đi săn thú rừng để làm thức ăn. Họ săn được nhiều con thú lớn như bò tót, lợn rừng, mang… Sau này, dân làng không còn đi chung thì một mình tôi tự vào rừng đặt bẫy. Ngoài săn thú, tôi còn vào rừng cắt gỗ bán lấy tiền".
Thời gian trôi đi, lối sống dựa rừng của nhiều dân làng Đê Kjêng cũng dần thay đổi. Điển hình là 3 người đàn ông Bahnar nói ở trên. Không còn những đêm ngày lủi thủi trong rừng bẫy thú, cưa cây lấy gỗ, 3 người đàn ông ấy tự nguyện gia nhập đội ngũ quản lý bảo vệ rừng. Dù những công việc họ lựa chọn không giống nhưng họ nguyện dùng đời mình để "trả nghĩa" cho rừng xanh. Thế mạnh của họ là nắm rõ cái rừng như nhà mình. Đồng thời, hiểu được cách người đặt bẫy, người làm gỗ, con thú ăn ngủ…Nhờ vậy mà đã phục vụ rất nhiều cho quá trình quản lý và bảo vệ rừng.
Giờ đây, rất nhiều bà con đồng bào trên địa bàn các huyện Mang Yang, Kbang đã vào làm nhân viên bảo vệ rừng, tổ giao khoán để phối cùng chính quyền nhằm bảo vệ rừng trong Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.
"Trả nghĩa" cho rừng xanh
Người xứng đáng được nhắc đến đầu tiên là ông Djưng. Năm 2005, trong một lần tình cờ, ông Djưng được người làng giới thiệu dẫn đường cho tiến sĩ Hà Thăng Long trong hành trình đi tìm loài Voọc Chà Vá (chân xám) ở rừng quốc gia Kon Ka Kinh. Khi ấy ông Long chủ nhiệm dự án nghiên cứu này để kêu gọi sự chung tay bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng.
"Người làng biết tôi quá rành về loài Voọc nên chỉ cho ông Long. Tôi chỉ cần nghe mùi nước tiểu hay phân là biết đàn Vooc đó ở chỗ đó trong thời gian bao lâu. Tôi đã giúp ông Long có những nghiên cứu chính xác về loài Voọc Chà Vá (chân xám) ở Kon Ka Kinh. Sau 2 đợt đó, tôi thấy cần phải làm một cái gì đó để thay đổi nhận thức của dân làng mình để giữ rừng. Tôi và những người bạn đã tham gia vào đội bảo vệ rừng và làm trưởng thôn của làng Đê Kjêng", ông Djưng bộc bạch.
Từ đầu năm 2019 đến nay, ông Djưng và Chưn đang làm việc tại Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng (Vườn Quốc Gia Kon Ka Kinh). Công việc chính của hai ông là phục vụ hoạt động du lịch sinh thái.
Bên cạnh đó, 2 ông luôn vào rừng tìm kiếm những thắng cảnh đẹp và hướng dẫn cho du khách về khu vườn quốc gia. Qua đó, giúp tăng cường nhận thức về việc toàn dân tham gia bảo vệ rừng. Ngoài ra, hai ông còn đảm nhiệm việc lên rừng gỡ bẫy thú do kẻ xấu đặt trong rừng.
Tương tự, anh A Mưm đang làm nhân viên hợp đồng ở Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật được hơn 3 năm. Đôi bàn tay của A Mưm đã không còn gài bẫy mà chuyển sang gỡ bẫy để đảm bảo an toàn cho các loài thú hoang dã.
Ba năm qua, có hàng trăm cái bẫy thú được người thợ săn nức tiếng một thời gỡ bỏ. Khi giải cứu xong, A Mưm đã đưa những con thú về nuôi dưỡng, chữa vết thương tại trung tâm, sau đó thả lại rừng xanh. Cũng chỉ có A Mưm mới chạm vào được những thú rừng.
Anh A Mưm nói: "Được anh em trong kiểm lâm tuyên truyền nhiều lần, mình biết những việc làm trước đây. Từ khi mình hiểu ra, mình đã tự lên rừng chặt hết bẫy thú của người đi rừng. Nhiều người làng chưa hiểu cũng ghét bỏ nhưng sau khi vận động, tuyên truyền bà con đã cùng phối hợp.".
Ông Trần Văn Thụ, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật cho biết: "Ngày trước, anh Mưm đặt bẫy giỏi lắm. Anh ấy biết rõ tập tính của từng loại thú, thức ăn và hướng đi của chúng nên đã đặt là có con dính bẫy. Chúng tôi từng khốn khổ với người đàn ông này trong việc bảo vệ động vật rừng Kon Ka Kinh. Tuy nhiên, sau khi tuyên truyền, vận động thì anh ấy hiểu và tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng".