Chuyên gia tâm lý: Cần có sự giám sát với chủ trọ quay lén nữ sinh

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, những người quay lén là những người rối loạn hành vi và nhân cách nên cần có sự giám sát để họ không tái diễn hành vi sai trái trong cộng đồng.

Sau khi người mẫu Châu Bùi đăng tải bài viết về việc bị quay lén tại studio chụp hình ở TPHCM, Ngọc Mai (tên đã thay đổi, ở Hà Nội) cũng quyết định công khai câu chuyện bị chủ trọ quay lén ở Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội.

Nhiều người, đặc biệt là các cô gái trẻ cảm thấy lo sợ và nảy sinh tâm lý đề phòng khi các vụ quay lén gây xôn xao dư luận, các thiết bị quay lén được rao bán tràn lan trên mạng.

Chuyên gia tâm lý: Cần có sự giám sát với chủ trọ quay lén nữ sinh - 1

Nạn nhân bị chủ trọ quay lén chia sẻ, vụ việc là nỗi ám ảnh lớn khiến tâm lý, sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nặng nề (Ảnh: H. A).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà - Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam - chia sẻ, bản thân cảm thấy rất bức xúc khi đọc thông tin về những vụ quay lén gần đây. 

Theo chuyên gia Vũ Thu Hà, quay lén là hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, có thể phá hủy cuộc đời của những người vô tội.

Nạn nhân bị quay lén sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, bị sang chấn, căng thẳng, thậm chí dẫn tới trầm cảm. Khi hình ảnh nhạy cảm lọt vào tay người khác, họ cảm thấy bất lực khi không thể bảo vệ được mình.

Những tổn hại tâm lý này không đong đếm được nhưng lại kéo dài và lặp lại trong nhiều mối quan hệ sau này hay môi trường mới mà họ đến. Nạn nhân bị quay lén luôn có cảm giác ai đó đang nhìn mình dù ở trong môi trường an toàn.

Nạn nhân cảm thấy sợ hãi, ám ảnh. Nỗi ám ảnh này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Có những người trở nên sống khép kín, thay đổi tính cách, gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần, cảm xúc thất thường, nhiều người phải dùng tới thuốc để ổn định tâm lý.

Nhiều nạn nhân ở thời điểm hiện tại có thể chưa cảm thấy nặng nề nhưng sau này, khi gặp các tình huống nhạy cảm, nỗi ám ảnh lại khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng.

"Vì không đánh giá được mức độ ảnh hưởng với nạn nhân nên nhiều người còn xem nhẹ hậu quả của nạn quay lén, cho rằng người bị hại không gặp vấn đề gì.

Nhưng suy xét sâu xa thì thấy các nạn nhân phải chịu nhiều tổn hại tâm lý. Vì vậy, hình thức xử phạt cần mạnh mẽ và đủ sức răn đe", chuyên gia Vũ Thu Hà nêu quan điểm.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, những người quay lén là những người rối loạn hành vi và nhân cách, có những hành vi trái với chuẩn mực đạo đức xã hội.

Chính vì vậy, bên cạnh xử lý về mặt pháp luật thì cần có sự giám sát đối với những đối tượng quay lén để những đối tượng này không có cơ hội lặp lại hành vi sai trái trong cộng đồng.

 "Chẳng hạn như chủ trọ vẫn kinh doanh nhà trọ thì thi thoảng phải có hoạt động kiểm tra để xem có tái diễn tình trạng quay lén không. Hoặc cũng có thể có cảnh báo để những khách thuê trọ lưu ý…", chuyên gia Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam nói.

Nạn nhân trong các vụ việc quay lén bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm nhưng đôi khi không nhận được sự chia sẻ.

Bản thân nhiều người không dám công khai sự thật vì lo sợ người khác không hiểu lại chê bai, đánh giá, thậm chí đổ lỗi khiến nạn nhân cho rằng mình bị quay lén là do bản thân thiếu cẩn trọng, không kiểm tra môi trường xung quanh.

Nỗi đau đó nếu cứ mãi ở trong bóng tối sẽ khiến các nạn nhân thêm trầm uất, sợ hãi.

Chuyên gia Vũ Thu Hà cho rằng, những nạn nhân không may bị quay lén, bị lạm dụng… nên hiểu rằng bản thân mình không có lỗi. Lỗi nằm ở những người có hành vi thiếu chuẩn mực.

"Bạn không nên sợ hãi, hãy dũng cảm, mở lòng chia sẻ bởi ngoài gia đình, bạn bè còn có nhiều tổ chức, chuyên gia có thể hỗ trợ bạn. Nếu bạn chia sẻ thì nỗi đau được giảm đi, đồng thời có thể định hướng được đường đi cho mình", chuyên gia Vũ Thu Hà đưa ra lời khuyên.

Trước đó, như Dân trí đưa tin, sau vụ việc người mẫu Châu Bùi lên tiếng tố bị quay lén, một nữ sinh ở Hà Nội đã công khai câu chuyện bản thân bị chủ trọ quay lén.

Liên quan đến vụ việc, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho hay, ông N. (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) khai nhận, khoảng tháng 6/2023 xuất phát từ ham muốn của bản thân muốn… xem lén người thuê phòng tắm nên đã lên mạng xã hội đặt mua 3 bộ camera lắp trong phòng tắm của các phòng 401, 402 và tầng 5.

Sau khi quay lén các khách nữ thuê trọ, ông N. thường xem trực tiếp trên điện thoại hoặc lưu lại trên ứng dụng của camera.

Chủ trọ cam đoan "không phát tán, chia sẻ cho bất kỳ ai hay đưa lên mạng xã hội những hình ảnh, video trên".

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, Công an quận Hà Đông xác định hành vi của ông N. "chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự", nên phạt hành chính về hành vi "Thu thập trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác", theo Điểm c, Khoản 2, Điều 84 - Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ,

Ngày 27/5, Công an quận Hà Đông đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND quận Hà Đông ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N., mức xử phạt là 12,5 triệu đồng.

Cơ quan chức năng buộc ông N. hủy bỏ thông tin cá nhân là các video, hình ảnh lưu trong điện thoại di động.

Ngày 28/5, Chủ tịch UBND quận Hà Đông đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N.