Chuyện ăn Tết cổ truyền của người Ma Coong
(Dân trí) - Với người Ma Coong, lễ hội đập trống mới được xem là cái "Tết" truyền thống, thế nhưng những năm gần đây, người Ma Coong dần hòa nhịp với cuộc sống miền xuôi. Đồng bào nơi đây cũng bắt đầu ăn Tết cổ truyền, cũng có cây nêu, cờ Tổ quốc và rượu cần trong 3 ngày Tết.
Dần quen với Tết cổ truyền
Đồng bào Ma Coong sống rải rác ở 18 bản quanh khu vực biên giới thuộc xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Nói đến người Ma Coong không thể không nhắc đến Lễ hội đập trống được tổ chức vào ngày 16 tháng giêng (âm lịch). Lễ hội mỗi năm một lần được người Ma Coong gìn giữ qua nhiều thế hệ. Trong đêm đó các đôi trai gái trong 18 bản sẽ tình tự với nhau.
Từ bao đời nay, Lễ hội đập trống được người Ma Coong xem là việc quan trọng nhất của cả 18 bản làng, đây cũng có thể nói là cái Tết truyền thống của họ.
Những năm gần đây, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người Ma Coong dần dần hòa nhịp với cuộc sống miền xuôi. Việc tiếp xúc nhiều với người miền xuôi lên công tác, buôn bán khiến họ cởi mở hơn, học hỏi được nhiều cái hay và phong tục ăn Tết cổ truyền cũng từ đó mà có.
Những ngày giáp tết Kỷ Hợi, chúng tôi có dịp về với bản Cà Roòng, bản trung tâm của xã Thượng Trạch. Dưới cái se lạnh của thời tiết giao mùa, các trường học đã nghỉ, cán bộ người miền xuôi lên công tác cũng gần như về nhà ăn Tết cả. Con đường bê tông chạy vào bản vắng lặng bóng người, thế nhưng ngôi nhà sàn nào cũng được treo cờ Tổ quốc trước cổng.
Lễ hội đập trống được người Ma Coong xem là việc quan trọng nhất , đây cũng có thể nói là cái Tết truyền thống của họ.
Anh Đinh Miệt, thầy giáo đầu tiên của người Ma Coong vui mừng cho biết biết, đồng bào treo cờ để đón Tết Nguyên đán, tập tục này mới có những năm gần đây và chủ yếu là ở các bản trung tâm. Còn các bản ở xa thì rải rác không nhiều bằng.
10 năm trở lại đây, đồng bào Ma Coong đã biết đến truyền thống ăn Tết Nguyên đán chính. Đồng bào biết tích trữ lương thực, thực phẩm, ngoài ra còn mua sắm thêm để ăn Tết.
Ở mỗi gia đình, tùy theo điều kiện kinh tế để tổ chức ăn Tết. Năm nay, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện thì các đơn vị, tổ chức, cá nhân bên ngoài cũng đã hỗ trợ thêm nhiều gạo, các nhu yếu phẩm cần thiết cho đồng bào dân tộc nói chung và đồng bào MaCoong nói riêng để cái Tết được đầy đủ hơn.
“Đồng bào giờ cũng ăn Tết cổ truyền, nhờ ơn Đảng, Nhà nước chăm lo mà đời sống dần no ấm hơn, có cái ăn, cái mặc, con em được đến trường. Bà con treo cờ Tổ quốc cũng để để ghi nhớ ơn Đảng và Nhà nước, hòa vào không khí đón Tết chung của cả nước", anh Đinh Miệt cho biết.
Tết với cây Nếu, cờ Tổ quốc và rượu cần
Dù phong tục ăn Tết mới "học" được những năm gần đây, người Ma Coong cũng không có điều kiện để rình rang như người miền xuôi, không bánh chưng, không dưa hành, không câu đối đỏ, không bánh trái tràn đầy như người miền xuôi nhưng với người Ma Coong, những thứ không thể thiếu là treo cờ Tổ quốc, dựng Nêu và rượu cần.
Già làng Đinh Xon cho biết, cờ Tổ quốc treo trước vài ngày, còn cây Nêu phải chờ đến ngày 30 tết mới dựng được. Cây nêu được làm từ lồ ô rừng, thanh niên trong bản tự vào rừng chọn cho nhà mình một cây thật to, ưng mắt để về dựng. Còn rượu cần là thức uống đặc trưng truyền thống của người Ma Coong.
Người Ca Coong nay cũng ăn Tết cổ truyền, cùng uống rượu cần và nghe kể chuyện lịch sử, nguồn cội.
Theo quan niệm của người Ma Coong, rượu cần chỉ được dùng để đễ đãi khách quý hoặc trong các ngày trọng đại của dân bản như ma chay, cưới hỏi và đặc biệt để dành cho lễ đập trống. Nhưng nay, rượu cần cũng được người Ma Coong dùng để vui trong 3 ngày tết Nguyên đán.
Muốn uống rượu cần của người Ma Coong cũng phải theo trình tự. Trước tiên, chủ nhà phải báo cáo tổ tiên, sau đó gỡ ống nứa mỏng cắm trên hũ rượu xuống rồi bẻ gập lại thả xuống chậu nước phía dưới hũ. Đó là thủ tục mời tổ tiên trước và xin phép được bắt đầu cuộc rượu.
Thường trong hũ rượu cần người Ma Coong sẽ cắm sẵn hai ống hút bằng nứa nhỏ, một dành cho khách và một cho gia chủ. Khách sẽ được mời uống trước và khi hết tuần rượu đầu sẽ trao đổi ống hút để thể hiện tình cảm giữa chủ nhà và khách.
“Phong tục ăn Tết là bà con học được từ người kinh, các cán bộ lên đây công tác, người miền xuôi lên buôn bán, định cư họ tổ chức ăn Tết rồi mời bà con dân bản cùng ăn, cùng vui. Từ đó, người Ma Coong mới ăn Tết Cổ truyền”, Già làng Đinh Xon nói.
Một mùa Xuân mới lại về, hương xuân đang tràn khắp núi rừng vùng biên cương. Người Ma Coong lại tụ họp lại ở nhà văn hóa, nghe Già làng kể về lịch sử, cội nguồn, cùng uống rượu cần đón Tết như người miền xuôi.
Tiến Thành