1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

ĐBSCL:

Xót cảnh sa cơ chóng vánh của những người nghèo vội vã về quê tránh dịch

(Dân trí) - Sau kỳ nghỉ Tết, vợ chồng anh Thành từ An Giang trở lại TPHCM tiếp tục mưu sinh. Chưa kịp xoay sở, dịch Covid-19 bùng phát, công ty đóng cửa, hai vợ chồng thất nghiệp...

Vợ chồng nghèo tìm đường về quê

Với chiếc xe mô tô cà tàng, lỉnh kỉnh đồ đạc cá nhân, vợ chồng anh Mai Phước Thành (quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cùng một nhóm hơn 20 người chạy xe máy xuyên đêm vượt chặng đường hơn 300 km từ TPHCM về An Giang.

Anh Thành cho biết, hai vợ chồng làm công nhân tại một công ty may ở TP HCM được hơn 2 năm. Sau kỳ nghỉ Tết, vợ chồng anh trở lại TPHCM tiếp tục mưu sinh. Chưa kịp xoay sở, dịch Covid-19 bùng phát, công ty đóng cửa, hai vợ chồng thất nghiệp. Với số tiền ít ỏi có được, cả hai vợ chồng anh Thành đã cố gắng cầm cự.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh kéo dài, vợ chồng anh Thành không còn tiền ăn, tiền đóng nhà trọ. Vợ đang mang thai hơn 9 tháng, lo lắng đến ngày sinh, trong khi dịch còn kéo dài, anh Thành và vợ quyết định khó khăn mấy cũng phải về quê.

Xót cảnh sa cơ chóng vánh của những người nghèo vội vã về quê tránh dịch  - 1

Vợ chồng anh Mai Phước Thành và hàng chục nghìn gia đình lao động ở TP HCM, BÌnh Dương... biết rằng quãng đường họ về quê vất vả, gian truân nhưng không còn cách nào khác, họ phải về quê (Ảnh: Minh Anh).

Còn rất nhiều trường hợp như vợ chồng anh Thành gồng gánh cả nhà về quê với muôn trùng nỗi lo cho cuộc sống mưu sinh sắp tới. Tuy nhiên, họ cần sự an toàn, cần bàn tay hỗ trợ của người thân những lúc túng thiếu… bởi vậy, dù cuộc hồi hương gian truân mấy, họ nhất quyết về quê.

Không để ai bị bỏ lại, bị cản trở về quê

'Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: "Thời gian đầu, có khó khăn trong công tác đón hàng chục nghìn người dân An Giang về quê, nhưng lãnh đạo tỉnh thống nhất nỗ lực đón dân. Đến thời điểm hiện tại, các trạm tiếp đón và lãnh đạo các địa phương phối hợp chặt để đón dân về những điểm cách ly tạm thời, chu đáo, an toàn. Suốt chặng đường người dân từ cửa ngõ vào An Giang về đến địa phương được ban ngành đoàn thể hỗ trợ thức ăn, nước uống, sữa, bánh mì… không ai bị bỏ lại, không ai được ngăn cản dân về quê".

Từ ngày 1/10-5/10, người dân An Giang đang lao động tại TPHCM và các tỉnh vùng dịch Bình Dương, Đồng Nai, Long An về An Giang trên 35.000 người. Nhưng đến trưa ngày 6/10, con số này tăng lên 38.000 người và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Xót cảnh sa cơ chóng vánh của những người nghèo vội vã về quê tránh dịch  - 2

Tính đến sáng 6/10, các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp đã đón trên 93.000 người (Ảnh: Minh Anh).

Tại Đồng Tháp, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết, tính đến trưa ngày 6/10, toàn tỉnh đã đón khoảng 25.000 dân, mặc dù hôm qua tỉnh mới đón 20.000 người dân Đồng Tháp hồi hương.

Hiện tại, các cửa ngõ vào Đồng Tháp như tuyến quốc lộ N2 ở xã Đốc Binh Kiều - huyện Tháp Mười, quốc lộ 30 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh và quốc lộ 80, huyện Châu Thành, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp bố trí chốt trực 24/24, có lãnh đạo trực để chỉ đạo công tác phân luồng, phối hợp với các địa phương đưa xe lên đón dân về địa phương; tiến hành xét nghiệm, phân nhóm cách ly.

Xót cảnh sa cơ chóng vánh của những người nghèo vội vã về quê tránh dịch  - 3

Hôm qua (5/10), trong dòng người rồng rắn về quê, Kiên Giang đưa 20 xe lên TPHCM đón gần 400 người yếu thế về quê, trong đó chủ yếu là phụ nữ đang mang thai, phụ nữ có con nhỏ, người già và sinh viên, học sinh... (Ảnh: Nguyễn Hành).

Tại Kiên Giang, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh này cho biết, tính đến sáng 6/10, tỉnh đón trên 30.000 người dân về quê. Theo dự báo con số này trong những ngày tới sẽ tiếp tục tăng, vì toàn tỉnh Kiên Giang có khoảng 67.000 người dân đang lao động, làm việc, học tập tại TPHCM và một số tỉnh khác.

Tại các chốt trên tuyến quốc lộ 80 (huyện Châu Thành - tiếp giáp TP Cần Thơ) và quốc lộ 61 (huyện Gò Quao - tiếp giáp tỉnh Hậu Giang) lãnh đạo tỉnh Kiên Giang bố trí lực lượng chốt trực, nhằm phân luồng người dân theo từng địa phương, sau đó Cảnh sát giao thông dẫn đoàn về địa phương, bố trí vào khu cách ly, xét nghiệm, phân nhóm cách ly tại chỗ hoặc cách ly tại nhà.

Lo nhiễm chéo tại khu cách ly và cộng đồng

Hiện nay, tại tỉnh Kiên Giang và An Giang, khi người dân về đến địa phương, sau khi phân nhóm, xét nghiệm, những công dân có kết quả xét nghiệm âm tính có tiêm vaccine (một mũi, 2 mũi) hoặc bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh sẽ được đưa về nhà cách ly theo quy định. Thời gian cách ly từ 7-21 ngày, tùy theo số mũi vaccine được tiêm và thời gian khỏi bệnh đối với bệnh nhân Covid-19.

Xót cảnh sa cơ chóng vánh của những người nghèo vội vã về quê tránh dịch  - 4

Khi người dân về đến các cửa ngõ, sẽ được phân nhóm theo từng địa phương và xe Cảnh sát giao thông dẫn đường đưa về các khu cách ly tập trung. Sau đó, người dân được xét nghiệm, cách ly tại chỗ hoặc về nhà cách ly theo quy định (Ảnh: CTV).

Ông Cao Quang Liêm - Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn - cho biết, hiện địa phương đã đón trên 6.000 người về tới địa phương và đang bố trí tại các điểm trường học, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng… Song song đó, ngành y tế tiến hành phân nhóm, xét nghiệm để bố trí nơi cách ly tập trung hợp lý, hạn chế tiếp xúc, tránh gây nhiễm chéo bằng biện pháp 5K.

Còn những trường hợp xét nghiệm PCR âm tính, được tiêm vaccine phòng Covid-19 hoặc trường hợp bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh, địa phương đưa về nhà cách ly theo hướng dẫn của Bộ y tế và Sở y tế tỉnh An Giang.

Xót cảnh sa cơ chóng vánh của những người nghèo vội vã về quê tránh dịch  - 5

Hiện nay, với tỉnh An Giang, Kiên Giang đối với người dân có kết quả PCR âm tính sẽ được cho về nhà cách ly và tuân thủ các quy định cách ly tại nhà (Ảnh: Thanh Hùng).

Ông Bùi Thanh Sơn - Chủ tịch HĐND xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang - cho biết, với nhóm cách ly tại nhà, mặc dù có giăng dây, đặt biển báo nhưng trách nhiệm người dân, gia đình và tổ Covid-19 cộng đồng rất quan trọng.

Cán bộ y tế, lãnh đạo xã, phường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, thực hiện nghiêm những quy định cách ly tại nhà; Trong thời gian này, địa phương tiếp tục hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân để bà con ở yên trong nhà, tránh giao lưu giữa nhà này với nhà kia, hạn chế lây nhiễm chéo trong cộng đồng.

Ở Đồng Tháp, người dân sau khi về đến địa phương sẽ được phân nhóm, sàng lọc và xét nghiệm. Đối với những trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính vẫn phải cách ly tập trung nhưng theo một nhóm và có thời gian nhất định.

Xót cảnh sa cơ chóng vánh của những người nghèo vội vã về quê tránh dịch  - 6

Khi người dân cách ly tại nhà, chính quyền địa phương ngoài việc giám sát việc cách ly, các ban ngành đoàn thể còn vận động hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân để yên tâm cách ly tại nhà theo quy định (Ảnh: minh họa).

Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết, để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo tại các khu, điểm cách li tập trung, ngay từ khâu tiếp nhận, lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở người dân giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc và nhất là việc đeo khẩu trang, sát khuẩn.

Sau đó, tiến hành phân nhóm theo mức độ tiêm vaccine hoặc bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh và nhóm người chưa được tiêm vắc xin; nhóm người ở "vùng đỏ" để bố trí nơi ở phù hợp. Trong thời gian này, tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm biện pháp 5K như khuyến cáo của Bộ y tế.

Khi người dân hoàn thành thời gian cách ly (nhóm cách ly 3 ngày và 7 ngày), khi về nhà tiếp tục cách ly đủ 14 ngày. Trong thời gian cách ly tại nhà, người dân tuyệt đối ở yên trong nhà, hạn chế giao tiếp với những thành viên khác.

Tổ Covid-19 cộng đồng, tổ nhân tự quản, thường xuyên đi kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở, giữ vững vùng xanh, tránh nguy cơ bùng phát dịch ra cộng đồng.

Đến ngày 6/10, hầu hết các tỉnh miền Tây từ "chống đỡ" dòng người hồi hương, đã chuyển sang đón tiếp có kế hoạch, bài bản và an toàn cho người dân. Tuy nhiên, nỗi lo nhiễm chéo tại các điểm cách li tập trung, giữa các thành viên trong gia đình, khu xóm luôn trực chờ, chưa yên với công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp như hiện nay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm