1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đắk Lắk:

Mất việc về quê, lao động cầm cự nhờ vào trợ cấp thất nghiệp

Thúy Diễm

(Dân trí) - Không thể bám trụ ở thành phố khi mất việc do dịch Covid-19, lao động trở về quê hương loay hoay tìm đủ cách để có việc làm. Trong thời gian này, nhiều lao động sống nhờ vào tiền trợ cấp nghiệp.

Từng làm công nhân xưởng may ở Bình Dương với mức thu nhập ổn định 7 triệu đồng/tháng, chị Nguyễn Vân Anh (38 tuổi, ngụ huyện Krông Năng) ngậm ngùi trở về quê nhà hơn 2 tháng nay vì công việc tạm ngưng do dịch.

Về nhà, chị phải thực hiện cách ly y tế, không có công ăn việc làm. Khoản tiền tiết kiệm cũng được sử dụng cạn để lo cho sinh hoạt hàng ngày, chị Vân Anh trông chờ cả vào tiền trợ cấp thất nghiệp. Chị mong muốn kiếm một công việc thời điểm hiện tại.

"Đắk Lắk toàn nương rẫy nên người ta cần nhân công làm cỏ, tỉa cảnh, bơm thuốc… Tôi không làm được vì sức khỏe yếu. Thời gian qua, tôi cũng mong muốn kiếm được công việc để có đồng ra đồng vào mà rất khó. Cũng may còn tiền trợ cấp thất nghiệp để bấu víu vào chứ không biết xoay sở ra sao để nuôi 2 con nhỏ", chị Vân Anh than thở.

Mất việc về quê, lao động cầm cự nhờ vào trợ cấp thất nghiệp - 1

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Lặn lội hơn 50km từ huyện Ea Kar đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, anh Nguyễn Văn Trung (42 tuổi) chia sẻ, trong tình trạng khó khăn, công việc chưa có, khoản trợ cấp thất nghiệp như cứu cánh giúp gia đình vượt qua khó khăn.

"Tôi đến Trung tâm vừa làm trợ cấp thất nghiệp vừa đăng ký tìm việc. Thời điểm dịch khó khăn kiếm được công việc phù hợp rất khó, tôi vừa xin đi làm phụ ở tiệm sửa xe máy nhưng công việc cũng không ổn định", anh Nguyễn Văn Trung cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh đã có 5.910 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền  trên 88 tỷ đồng. Trong đó, người từ tỉnh, thành khác chuyển về 3.337 người (chiếm trên 56%).

Mất việc về quê, lao động cầm cự nhờ vào trợ cấp thất nghiệp - 2

Nhiều người tìm một số công việc tạm bợ ở quê nhà để mưu sinh.

Cũng theo ông Cường, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp cho người lao động bị mất việc làm có chi phí duy trì qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

"Phía Trung tâm cũng đang kết nối với người lao động, tiến hành nhiều công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, kết nối doanh nghiệp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường nên dự báo nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm kiếm việc làm tại tỉnh sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước", Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk thông tin.

Được biết, hiện tại Trung tâm Dịch vụ việc làm đang tạm hoãn tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhưng khuyến khích người lao động và doanh nghiệp nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc giao dịch trực tuyến.