Bố nông dân nuôi con gái học RMIT gây sốt mạng: Có học kỳ phải bán 3 con bò
(Dân trí) - Video đôi chân lấm lem của ông Trần Văn Lộc, người bố nông dân ở Lâm Đồng nuôi con gái Trần Thị Ái Vi học RMIT, đang gây sốt mạng xã hội vì câu chuyện xúc động phía sau.
Video đôi chân của bố nhận "bão like"
Một đoạn video ghi lại hình ảnh đôi chân lấm lem bùn đất của ông Trần Văn Lộc (SN 1971), nông dân tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), đang lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội gần đây.
Video được đăng tải bởi con gái ông là Trần Thị Ái Vi (SN 1997), kèm theo những dòng chia sẻ đầy tự hào: "Đây là bàn chân của bố tôi mỗi ngày, bộ đồ bố mặc mỗi ngày. Nhìn vậy thì cũng không ai nghĩ bố từng nuôi mình học đại học RMIT luôn. Vì bố mình vất vả như vậy nên đừng hỏi tại sao lúc nào cũng thấy mình làm việc, cày ngày cày đêm nha. Ham làm việc là cái máu, truyền từ bố sang con".
Sau khi được chia sẻ, video nhanh chóng thu hút hàng ngàn lượt thích, chia sẻ và bình luận. Cộng đồng mạng bày tỏ sự ngưỡng mộ hình ảnh giản dị của ông Lộc với đôi chân trần đứng trong vườn hoa và nụ cười hiền hậu, hết lòng vì con cái.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị Ái Vi cho biết cha mình chỉ là một người nông dân thuần túy tại Lâm Đồng, chỉ học hết lớp 5 rồi phải nghỉ học để phụ giúp ông ngoại chăn bò và làm nhiều việc khác kiếm sống. Thế nhưng, ông luôn mong muốn con mình được tiếp cận với nền giáo dục tốt nhất. Chính vì vậy, ông luôn chăm chỉ làm việc từ sáng đến tối.
"5h bố dậy rửa chén, lau nhà, pha trà, sau đó ra vườn làm đến tận 18h. Tối bố về ăn cơm, trốn mẹ đi nhậu một tiếng, rồi bị càm ràm xong mới đi ngủ", chị hài hước chia sẻ.
Câu chuyện càng gây chú ý hơn khi chị Vi tiết lộ, dù quần áo sờn bạc, đôi chân thường xuyên lấm lem bùn đất nhưng chính bố đã nuôi lớn chị và đưa chị đến với Trường Đại học RMIT - ngôi trường quốc tế nổi tiếng với mức học phí cao.
"Con thích thì cứ học, không đủ tiền thì bán đất"
"Nhà tôi không khá giả gì đâu. Bố tôi làm nông dân, trồng hoa và chăn nuôi. Hồi đó, mỗi lần đóng học phí, bố phải bán vài con bò. Tôi nghĩ chắc tôi là sinh viên nghèo nhất RMIT rồi", chị Vi nói.
Chị cũng tiết lộ, quyết định cho chị học trường quốc tế cũng được bố đưa ra trong một lần tình cờ. "Hồi đó, bố thấy tôi đang mở hình của một người bạn học tại đây. Bố hỏi trường nào mà đẹp vậy, tôi bảo đây là trường quốc tế, học phí đắt lắm. Thế là bố tuyên bố ngay: "Con thích thì cứ học, bố lo được, không đủ tiền thì bán đất"".
Dù không phải bán đất như lời tuyên bố, ông Lộc lần lượt bán từng con bò để con gái được học hành đến nơi đến chốn. Với ông, đầu tư vào giáo dục là điều không bao giờ tiếc.
Theo lời kể của chị Vi, thời điểm chị học RMIT, mỗi môn học có mức học phí trên dưới 29 triệu đồng, mỗi học kỳ cần đóng khoảng 3 môn. Như vậy, chi phí rơi vào khoảng 90 triệu đồng. Để có số tiền này, ông Lộc phải bán 3 con bò.
"Tôi không được học nhiều nên thấy con ham học thì rất mừng. Miễn là con muốn học, tôi luôn sẵn sàng lo cho con", ông Lộc chia sẻ.
Dù được bố hết lòng ủng hộ, chị Vi không ỷ lại. Trong thời gian học đại học, chị làm thêm nhiều công việc cùng lúc, từ gia sư đến thực tập sinh marketing, để tự lo chi phí sinh hoạt bởi bố luôn căn dặn chị phải sống tử tế, kiếm tiền bằng chính đôi tay của mình và không được làm điều gì để phải hổ thẹn với lương tâm.
Sau khi tốt nghiệp ngành Thương mại, chị Vi nhận được học bổng 50% chương trình Thạc sĩ ngành Thương mại Quốc tế của trường. Chị Vi tiết lộ, một trong những yếu tố giúp chị giành được học bổng chính là câu chuyện về ước mơ của bố.
Trong bài luận xin học bổng, chị viết: "Bố tôi là nông dân trồng hoa, gia đình nghèo nên không có điều kiện học cao nhưng bố đã dành hết những gì bố có để đầu tư cho tôi đi học. Vì vậy, tôi muốn học những kiến thức này để thực hiện ước mơ của bố là xuất khẩu nông nghiệp".
Nói về con gái, ông Lộc không giấu được niềm vui. "Tôi rất tự hào về con gái. Con không phụ giúp nhiều trong việc trồng trọt nhưng tôi thấy con vui vẻ, hạnh phúc với cuộc sống của mình thì cũng mãn nguyện rồi. Tôi cũng không muốn dành lời khen gì cho con, khen nhiều sẽ sinh ra tự mãn là điều không hay", ông Lộc bày tỏ.