Chiếc Thìa Vàng - nơi đầu bếp đi thi để lớn
Từ những đầu bếp trẻ măng đi thi lần đầu đến siêu đầu bếp ở cương vị giám khảo, đầu bếp Chiếc Thìa Vàng luôn là những người yêu nghề và hết sức cầu thị, luôn muốn học hỏi thật nhiều để tiến bước trong nghề nghiệp.
Buổi thi ngày 28/9 của Chiếc Thìa Vàng là cụm thi khu vực Hà Nội của vòng sơ tuyển miền Bắc. Tại cụm thi này, 33 đầu bếp của 11 đội cụm Hà Nội trổ tài để được vào vòng bán kết Chiếc Thìa Vàng 2016. Vì tính chất đó, đây hứa hẹn sẽ là một ngày thi diễn ra vô cùng gay cấn. Nhưng tại cụm thi này, cũng có những đội đi thi không mong đoạt giải mà với họ, đi thi chính là đi học. Có thể kể đến đó là các đội 102 - Nhà hàng Quê Nhà và đội 104 - Nhà hàng C Craft Beer.
Quyết định tham gia Chiếc Thìa Vàng vào ngày 26/9, Nhà hàng Quê Nhà chỉ chưa đầy 2 ngày để chuẩn bị. Tuy công tác chuẩn bị không được chu đáo như các đối thủ nhưng họ vẫn quyết tâm đến với cuộc thi để chia sẻ những món ăn mang đậm hương vị quê nhà. Và quan trọng hơn hết là học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp và nghe góp ý từ ban giám khảo. Chính vì thế mà vừa hoàn thành phần thi của mình, họ liền đi quanh quan sát và lưu lại ảnh chụp bàn tiệc của các đội bạn.
Có tuổi đời, tuổi nghề trẻ nhất cụm thi hôm nay là đội 104 - Nhà hàng C Craft Beer. Quan sát đội 104, Chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương thốt lên: “Các em trẻ quá, đi thi lần đầu nhìn rất thương!”. Và thực đơn của đội 104 cũng mang dấu ấn của những đầu bếp trẻ: Nộm rau muống chẻ vừng tép; Cá nướng lá chuối ăn kèm cơm trắng và rau muống xào; Gà nướng ăn kèm cơm nướng ống tre và măng xào giá… Riêng món tráng miệng chè trôi nước nhân xoài được giám khảo Bùi Thị Sương khen ngợi tính sáng tạo, có nỗ lực làm mới món ăn.
Ở cuộc thi Chiếc Thìa Vàng, không chỉ thí sinh học hỏi từ giám khảo mà còn có chiều ngược lại. Đó là khi siêu đầu bếp Đỗ Quang Long vì quá ấn tượng với món hải sản chiên tổ tằm của đội 89 đến từ Quảng Ninh, đã hào hứng tìm hiểu cách chế biến chiếc “tổ tằm” thú vị làm từ vỏ bánh đa nem. Đồng thời, ông cũng nhiệt tình góp ý cánh chế biến để viên hải sản chín đều, giòn rụm, giúp món ăn hoàn thiện hơn nữa.
Tinh thần học hỏi của đầu bếp Chiếc Thìa Vàng vòng sơ tuyển khu vực miền Bắc gợi nhớ đến ở vòng sơ tuyển khu vực miền Trung cũng có đầu bếp miệt mài đi theo từng buổi thi, không chỉ ở vị trí thí sinh mà còn với tư cách khán giả. Đó là đầu bếp Nguyễn Huỳnh Đăng Tuyên - đội 44 đến từ Đắc Lắc. Để không bỏ lỡ buổi thi nào, anh dành những ngày nghỉ phép cá nhân để đi theo cuộc thi từ Nam chí Bắc để học hỏi những kiến thức hay, kinh nghiệm quý từ cuộc thi.
Một tin vui cho các đầu bếp và khán giả, chương trình Chiếc Thìa Vàng đã lên sóng đài truyền hình Vĩnh Long vào 11g30 trưa chủ nhật hàng tuần. Như vậy, các đầu bếp ham học hỏi đã có thể theo dõi cuộc thi mà đỡ phải vất vả lặn lội đường xa.
Có thể thấy, tinh thần học hỏi không ngừng của các đầu bếp thể hiện ở những món ăn ngày càng hoàn thiện, những bàn tiệc ngày càng đẹp mắt, kỹ thuật chế biến ngày càng hiện đại.
Còn nhớ, ở vòng sơ tuyển khu vực miền Trung, cụm từ “ẩm thực phân tử” lần đầu được nhắc đến ở cuộc thi Chiếc Thìa Vàng thì hơn 1 tháng sau, tại miền Bắc, các đội thi đã bắt đầu áp dụng phương pháp chế biến tân tiến này. Ngày 28/9, ở cụm thi khu vực Hà Nội, đội 93 sử dụng máy suvide để nấu món bò Wagyu. Đây là phương pháp nấu trong nhiệt độ thấp trong khoảng 1,5h giúp cho thịt bò được mềm, ngậy, giữ được màu đỏ tự nhiên cho bò.
Hồng Nhung