Quảng Ngãi:

Chàng trai mua cua đặc sản thả về biển

(Dân trí) - Cua huỳnh đế là loại hải sản trứ danh của đảo Lý Sơn. Mỗi kg cua huỳnh đế có giá thấp nhất khoảng 700.000 đồng. Thế nhưng, Phạm Văn Công (32 tuổi) lại tìm mua từng con cua mang trứng thả về biển.

Theo ngư dân Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), cua huỳnh đế được xem là vua của các loài cua biển. Trước kia, loại cua này được dùng để tiến vua nên có tên là cua huỳnh đế hoặc hoàng đế.

Cua huỳnh đế sống ở nhiều nơi, nhưng nhiều nhất và chất lượng thịt thơm ngon nhất thuộc về vùng biển Lý Sơn. Do đó, loại cua này có giá thấp nhất khoảng 700.000 đồng/kg.

Từ ngày du lịch Lý Sơn phát triển, nhu cầu tiêu thụ cua huỳnh đế tăng cao. Ngư dân tăng cường đánh bắt cua huỳnh đế bán cho du khách. Kéo theo đó là tình trạng những con cua mang trứng cũng bị đánh bắt khiến số lượng cua huỳnh đế sụt giảm mạnh.

Là người con của đất đảo tiền tiêu Lý Sơn, anh Phạm Văn Công luôn trăn trở trước thực trạng nói trên. Để rồi anh đi đến quyết định mà mới đầu nhiều người bảo là “điên khùng” khi mua cua huỳnh đế mang trứng thả về biển.

Chàng trai mua cua đặc sản thả về biển - 1

Nghe tin ngư dân báo bắt được cua có trứng là Phạm Văn Công tìm đến mua lại rồi mang thả về biển

 Theo anh Công, cua huỳnh đế được khai thác nhiều nhất trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 10 hàng năm. Đây cũng là thời điểm sinh sản của cua huỳnh đế.

“Cua mang rất nhiều trứng vẫn bị đánh bắt, tiêu thụ nên gần đây số lượng cua huỳnh đế giảm mạnh. Trước kia một người có thể đánh bắt được vài chục kg, còn bây giờ ngày nào nhiều nhất cũng chỉ được khoảng 10 kg”, anh Công cho biết.

Để bảo vệ cua huỳnh đế, anh Công liên hệ với những ngư dân săn bắt loài cua này đặt mua. Bất kỳ thời điểm nào, ngư dân chỉ cần điện thoại báo có cua mang trứng là Phạm Văn Công tìm đến mua lại.

Sau khi mua được cua mang trứng, anh Công đợi đến tối rồi thuê thuyền ra biển thả của về với môi trường tự nhiên. Gần 3 tháng qua, anh Công đã thả khoảng 60 con cua huỳnh đế về với biển. Với giá cua cao ngất ngưỡng thì số tiền anh Công bỏ ra cũng không hề ít.

“Tôi đi thuyền ra cách bờ khoảng  6 – 7 hải lý rồi thả cua. Điểm thả được thay đổi liên tục để hạn chế việc cua bị bắt trở lại. Mới đầu nhiều người nói ra, nói vào nhưng giờ có nhiều người cùng tôi tham gia vận động ngư dân không đánh bắt cua có trứng, chung tay mua cua thả về biển”, anh Công chia sẻ.

Chàng trai mua cua đặc sản thả về biển - 2

Gần 3 tháng qua, Phạm Văn Công đã mua, thả 60 con cua huỳnh đế về môi trường tự nhiên.

 Theo Phạm Văn Công, ngoài ngư dân, anh còn mong muốn truyền một thông điệp bảo vệ cua huỳnh đế đến với du khách. Nếu du khách không mua, tiêu thụ những con cua mang trứng thì ngư dân sẽ hạn chế đánh bắt. Chỉ cần một con cua huỳnh đế sinh sản sẽ có hàng ngàn con cua con sinh sôi ngoài biển cả.

Chàng trai mua cua đặc sản thả về biển - 3

Phạm Văn Công thả cua mang trứng về với biển cả

 Ông Huỳnh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn cho biết, cua huỳnh đế sống ở vùng cát gần rặng san hô quanh đảo Lý Sơn. Do ngư dân đánh bắt quá nhiều nên số lượng cua huỳnh đế ngày càng giảm mạnh.

“Hành động bảo vệ nguồn lợi hải sản của anh Công và những người bạn rất đáng quý. Không chỉ bảo vệ cua huỳnh đế đang mang trứng, hành động này còn tác động đến nhận thức của ngư dân, người tiêu dùng để bảo vệ cả những loại hải sản nguy cấp, quý hiếm của đảo Lý Sơn”, ông Dũng chia sẻ.

Quốc Triều