Chán nho Mỹ, người Hà thành chi tiền triệu mua nho rừng Tây Bắc

(Dân trí) - Quả nho rừng có vị chua khi chín có màu tím thậm, quả chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay. Thời gian gần đây, loại quả này bỗng nhiên gây sốt và được nhiều người lùng mua với giá cao.

Nho rừng hay còn gọi là quả giác, là loại cây thân leo mọc phổ biến trong các cánh rừng ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn… Quả nho rừng có vị chua khi chín có màu tím thẫm, quả chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay. Trước đây, loại quả này chủ yếu dùng để ngâm rượu hoặc làm nước giải khát, thời gian gần đây nho rừng bỗng nhiên gây “sốt” và được nhiều người lùng mua như một loại quả đặc sản của núi rừng.

Anh Tân, một đầu mối thu mua nho rừng ở Cao Bằng cho biết, nho rừng không ra quanh năm mà mùa vụ bắt đầu từ khoảng tháng 8 đến tháng 11 âm lịch hàng năm. Cây mọc trong các cánh rừng sâu và rất sai trái.

Vào khoảng thời gian này, bà con dân tộc thường gánh gùi đi hái sau đó mang ra các khu chợ địa phương hoặc các điểm thu mua rao bán. So với nho Mỹ hay nho Ninh Thuận loại quả này có vị chua hơn, nhiều hạt nhưng rất thơm và đặm nho.

“Vài năm trước, nho rừng được xem như loại quả dại, chủ yếu cho nhau chứ ít khi bán giờ nhiều người tìm mua nên loại quả này được trả giá cao, nhiều người cũng bỏ công sức vào rừng hái nho về bán”, anh Tân kể.

Nho rừng phân phối ở các tỉnh phía miền núi phía Bắc, thời gian gần đây loại quả này bỗng dưng gây sốt và được nhiều người ưa chuộng.
Nho rừng phân phối ở các tỉnh phía miền núi phía Bắc, thời gian gần đây loại quả này bỗng dưng gây "sốt" và được nhiều người ưa chuộng.

Thương lái này cũng cho hay, đặc thù của nho rừng là không dùng thuốc bảo quản và thuốc làm chín cây nên quả chín không đều và nhanh dập nát. “Nho rừng chỉ để từ 2 – 3 hôm nếu không bảo quản tốt rất dễ thối và hỏng. Hiện tại nho đang vào mùa nên mức giá khá rẻ chỉ dao động từ 30 – 50.000 đồng/kg”, anh Tân nói.

Trung bình, mỗi mùa vụ, anh Tân bán đổ buôn khoảng 5 – 6 tạ nho và chủ yếu phân phối ở các thành phố lớn. “Năm nay, ngay từ đầu vụ tôi đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng. Một số người ở xa đặt số lượng lớn nhưng tôi từ chối bởi việc vận chuyển gặp khó khăn, dễ xảy ra rủi ro. Hơn nữa, nho rừng không phải lúc nào cũng có sẵn mà phải gom trong nhiều ngày”, anh Tân chia sẻ.

Trong khi đó, chủ một cửa hàng chuyên bán đồ đặc sản Tây Bắc ở Hà Nội cũng cho biết, năm nay nho rừng bán khá chạy và đắt hàng. Người mua chủ yếu phần vì tò mò, thấy lạ mua về ăn thử cho biết, phần khác mua về làm rượu, ngâm đường. “Hiện nho rừng được chào bán ở Hà Nội với giá từ 40 – 80.000 đồng/kg. Vị nho khá chua nhưng bù lại an toàn, không có thuốc bảo vệ thực vật nên rất được ưa chuộng, tin tưởng.”.

Người này cũng cho biết, từ đầu vụ đến giờ, cửa hàng anh bán được gần 1 tạ nho rừng. Loại quả này dùng để ngâm nước uống rất bổ dưỡng và có tính giải khát cao chính vì thế người mua thường mua theo yến. “Nho rừng có thể dầm đường như các loại quả: mơ, sấu, dâu… hoặc có thể làm rượu vang. Khách chủ yếu mua cả yến với giá vài triệu về ngâm làm quà biếu”, người này nói.


Nho rừng khi chín có màu tím thẫm, vị ngọt mát được nhiều người mua về ngâm đường hoặc làm rượu vang. Ảnh: Fb

Nho rừng khi chín có màu tím thẫm, vị ngọt mát được nhiều người mua về ngâm đường hoặc làm rượu vang. Ảnh: Fb

Chị Hải Yến (Định Công, Hà Nội) vừa đặt mua 10kg nho rừng Lào Cai của một người quen với giá 800 nghìn đồng. Chị cho biết, loại quả này ngâm đường làm nước uống rất thơm ngon và có vị ngọt mát đặc trưng.

“So với các loại quả khác tôi thích uống nước nho hơn hơn bởi hương vị rất thơm ngon và khó lẫn. Mùa hè có thể bỏ đá vào uống, mùa đông có thể pha nước ấm uống rất tốt cho sức khỏe”, chị Yến nói. Bà nội trợ này cũng cho hay, nho rừng khi còn xanh ăn chua gắt, quả chín ăn ngọt mát chứ không ngọt sắc như nho Mỹ.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đào Nguyên Phong, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết, nho rừng ở Cao Bằng chủ yếu tập trung ở huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm và phân bố trong các khu rừng sâu, tuy nhiên diện tích và sản lượng không nhiều.

Vào mùa vụ, bà con dân tộc Mông và Dao hay gùi nho xuống phố bán hoặc bày bán ven đường với giá khá rẻ. “Loại quả này mọc hoang trong rừng, vị khá chua và vẫn được bà con bản địa bày bán ở các khu chợ địa phương. Hiện nay chúng tôi cũng chưa có nghiên cứu cụ thể về diện tích và sản lượng của loại cây này”, ông Phong cho biết.

Theo tìm hiểu, nho rừng không chỉ phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc loại quả này còn phân bố trong các cánh rừng ở các tỉnh phía trong như: Kiên Giang, Cà Mau, Tây Ninh… Do có mùi vị thơm đặc trưng nên nho rừng còn được một số công ty đặt mua để sản xuất rượu vang.

Hà Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm