Cây cầu có thể sập vì…nước nhai trầu
(Dân trí) - Cây cầu có tên Howrah ở thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, Ấn Độ đang trong tình trạng nguy hiểm và có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Howrah được xem là một biểu tượng của thành phố Kolkata.
Nguyên nhân gây nên không phải do phá hoại, không phải do thời tiết hay do xói mòn tự nhiên, thậm chí cũng không phải do tuổi tác, mà nguyên nhân chính là do sự khạc nhổ nước nhai trầu của người dân.
Cây cầu Howrah là một cây cầu treo bắc ngang đôi bờ con sông Hooghly. Trải qua nhiều năm, những người dân ở đây có tập tục ăn trầu đã nhổ nước trầu lên chân cầu, và điều này đã làm cho chân cầu bị hoen rỉ nghiêm trọng.
Nước nhai trầu được biết đến như là “Paan”, một chất chứa một loại axit nhẹ có thể ôxi hóa nhiều kim loại, nó là hỗn hợp được tạo nên từ các chất có trong lá trầu, hạt cau và vôi tôi. Các thanh kim loại ở chân Howrah đã bị chất này phá hoại từ từ. Mỗi thanh sắt ở chân cầu lúc đầu có độ dày là 6 mili-mét, tuy nhiên bây giờ nó chỉ còn khoảng không đầy 3 mili-mét.
Chân cầu giờ đây đang bị hoen rỉ nghiêm trọng vì nước nhai trầu.
Chính quyền địa phương đã sử dụng nhiều cách khác nhau để tuyên truyền cho người dân biết cũng như ngăn chặn kịp thời tình trạng này. Một cách được xem là hữu hiệu nhất mà ban quản lý cầu đã áp dụng để có thể phần nào giảm bớt tình trạng này đó là bọc phần thép ở chân cầu bằng vỏ bọc sợi thủy tinh.
Tuy nhiên, do sự ăn mòn vì khạc nhổ, cũng như những vụ tai nạn xe cộ đã xảy ra, cây cầu Howrah đang xuống cấp một cách nghiêm trọng. Cây cầu cần phải được tu bổ lại, phải có sự quản lý chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho người đi đường cũng như tránh được những vụ tai nạn thảm khốc có thể xảy ra.
Lê Kiên
Theo WAN